Ngành đường sắt được giao nhiệm vụ thoát lỗ sau tái cơ cấu

Thế Anh Thứ bảy, ngày 06/01/2024 17:19 PM (GMT+7)
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch VNR cho biết, đường sắt được giao thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu ổn định.
Bình luận 0

Đường sắt phải thoát lỗ

Thông tin về kế hoạch kinh doanh, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa cho biết, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Ngành đường sắt được giao nhiệm vụ thoát lỗ sau tái cơ cấu- Ảnh 1.

Đầu máy kéo toa nghe của ngành đường sắt. Ảnh: TA

Trong năm 2023, doanh thu toàn Tổng công ty đường sắt đạt 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023 và bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Công ty Mẹ đạt 6.247 tỷ đồng doanh thu, bằng 113,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 4,5 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch năm 2023 (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng).

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu vận tải hàng hoá năm 2023 giảm nên doanh thu vận tải hàng hoá bằng đường sắt đã không đạt kế hoạch và sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 (doanh thu đạt 95,1% kế hoạch, 82,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Tổng công ty Đường sắt được giao đạt doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế âm 866,6 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 âm hơn 1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ thoát lỗ và lãi 322,8 tỷ đồng.

Nói về tái cơ cấu đường sắt, ông Mạnh cho biết: "Đường sắt đã được giao thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định, phát triển có hiệu quả. 

"Đường sắt hướng đến mục tiêu phục vụ theo nhu cầu hành khách, tập quán tiêu dùng, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, thuận lợi và đa dạng hóa dịch vụ vận tải trong vận chuyển hành khách và triển khai phương thức bán vé tàu linh hoạt", ông Mạnh nhấn mạnh.

Về các phương án hoạt động, ông Mạnh chia sẻ, đường sắt theo dõi luồng khách để điều chỉnh thành phần đoàn tàu phù hợp đảm bảo nhu cầu đa dạng của hành khách và hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, bám sát nhu cầu thị trường vận tải mở thêm tuyến mới để mở rộng thị trường; phát triển hệ thống bán hàng rộng khắp, chú trọng vào vùng thị xã, thị trấn và các hình thức hợp tác để thu hút luồng khách người nước ngoài.

Song song đó, tiếp tục duy trì và nghiên cứu chính sách giá cước linh hoạt để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng kể cả thời gian cao hay thấp điểm vận tải.

Ngành đường sắt được giao nhiệm vụ thoát lỗ sau tái cơ cấu- Ảnh 2.

Hàng hoá tại ga Kép, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TA

Đường sắt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Nga, châu Âu 

Trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa, ông Mạnh thông tin: "Đường sắt được giao tạo thuận lợi cho chủ hàng, chỉ một đầu mối tiếp nhận, niêm yết công khai giá, trách nhiệm người vận chuyển, chất lượng dịch vụ, bổ sung các dịch vụ như đóng gói, kiểm đếm, bảo quản, giao nhận hàng, vận tải đa phương thức, thuê toa, chuyến, tuyến..."

Cùng đó là khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics.

Ông Mạnh khẳng định: "Đường sắt sẽ tiếp tục chủ động triển khai phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030 đã báo cáo Chính phủ để tăng sản lượng hàng hoá liên vận quốc tế đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc và đi các nước thứ 3.

Tiếp đó, duy trì và thúc đẩy lượng hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu...; thúc đẩy các hoạt động logistics, đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống quản trị qua ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước dần chuyển hướng tổ chức phân phối các nguồn hàng từ kho, ga đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện ích... nâng cao giá trị và hiệu quả trong chuỗi logistics.

Đến nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã yêu cầu sau khi Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư được phê duyệt, đường sắt phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho kinh doanh vận tải và đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt.

Cùng với đó, đường sắt được giao làm việc với các bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền để giải quyết một số nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư của Tổng công ty.

Đồng thời, đường sắt khẩn trương nghiên cứu, triển khai phương án huy động vốn để đầu tư đầu máy, toa xe hết niên hạn sử dụng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem