Có một ngành học khiến hiệu trưởng phải khẳng định: "Khâm phục, ngưỡng mộ các em đã chọn"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 15/10/2023 06:46 AM (GMT+7)
Đây là ngành học "hot" nhưng những năm gần đây nhiều thí sinh dè dặt hơn khi đặt nguyện vọng và chính hiệu trưởng của trường bày tỏ khâm phục những ai đã chọn.
Bình luận 0

"Khâm phục, ngưỡng mộ các em đã chọn ngành Sư phạm"

Nhân dịp khai giảng năm học 2023 – 2024 chào đón tân sinh viên mới đây, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có rất nhiều lời khuyên cho sinh viên, đồng thời cũng bày tỏ khâm phục, ngưỡng mộ các em vì đã chọn ngành Sư phạm.

GS.TS Nguyễn Văn Minh cho hay: "Ngày nay, sức mạnh của một dân tộc, của một đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên được đào lên để bán mà sức mạnh phải tạo ra từ trí tuệ mỗi người. Giữa những tác động của thời cuộc, những thực tại với nhiều trăn trở, lo toan; giữa những nốt trầm đang vang xa trong tâm tưởng mỗi người, có cả những âm vang của bi quan, chán nản… Tất cả, sẽ dội vào tâm tư các em, có thể bào mòn niềm tin trong sáng của các em...

Thầy khâm phục các em vì bản lĩnh, vì rằng, giữa ngổn ngang của biết bao trăn trở, giữa những so bì hơn thiệt, giữa những tác động ngoại cảnh đang dội vào trong tâm tư các em, các em đã quyết chí đến với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và phần lớn các em sau này sẽ trở thành nhà giáo".

Có một ngành học khiến hiệu trưởng phải khẳng định: "Khâm phục, ngưỡng mộ các em đã chọn" - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC

Ngành Sư phạm là ngành giáo dục, giảng dạy tại các trường học hoặc các cơ sở đào tạo. Làm việc trong ngành Sư phạm chính là tham gia vào sự nghiệp trồng người, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho tất cả các ngành nghề trong xã hội. Ngành Sư phạm được phân theo từng cấp bậc riêng như mầm non, tiểu học, trung học và đại học. Ngoài ra còn phân theo từng bộ môn như: Toán, Văn, Anh,…

Một trong những ưu đãi của nhà nước đối với sinh viên ngành Sư phạm là được hưởng trợ cấp (nếu đăng ký và cam kết phục vụ trong ngành giáo dục) theo quy định của Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, lĩnh vực đào tạo giáo viên trình độ đại học đang xếp ở vị trí thứ 7/10 ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất, thu hút sự quan tâm của thí sinh trong mùa tuyển sinh. Tuy nhiên, trước những khó khăn, vất vả của nghề, nhiều thí sinh e ngại khi đến với ngành Sư phạm, đặc biệt là Sư phạm Mầm non.

Học Sư phạm ở đâu, điểm chuẩn bao nhiêu?

Ngành sư phạm chủ yếu học tập, nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, đào tạo con người. Tập trung vào những khía cạnh khác nhau như lý thuyết giảng dạy, phong cách giảng dạy, phương pháp đánh giá và phản hồi. Một số môn học của ngành này như: Phương pháp nghiên cứu, thực hành sư phạm, giáo dục liên văn hóa, phát triển con người, quan điểm phê bình trong giáo dục,... 

Sinh viên học ngành sư phạm có thể làm các công việc khác nhau sau khi ra trường: Làm giáo viên giảng dạy tại các trường từ Mầm non đến THPT; Làm giảng viên giảng dạy tại các trường trung cấp, cao đẳng hay đại học trong cả nước; Làm việc trong các cơ quan, tổ chức quản lý giáo dục hoặc trong các tổ chức, trung tâm về giáo dục trong và ngoài nước.

Có một ngành học khiến hiệu trưởng phải khẳng định: "Khâm phục, ngưỡng mộ các em đã chọn" - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Ở miền Bắc, có nhiều trường đại học đào tạo ngành Sư phạm có chất lượng tốt như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. 

Miền Trung có các trường như Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, Trường Đại học Đông Á; Miền Nam có các trường là Trường Đại học Sư phạm TP.HCM; Trường Đại học Sài Gòn... cùng các trường tại các tỉnh thành khác nhau.

Năm 2023, điểm chuẩn các ngành Sư phạm Lịch sử tăng "đột biến" luôn cao nhất trong khối các trường sư phạm, trung bình thí sinh phải đạt 27 - 28 điểm. Điểm thấp nhất trong các ngành Sư phạm là Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ thông tin với mức điểm dao động từ 15-18 điểm.

Tại Diễn đàn người lao động năm 2023, do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT đang phối hợp Bộ LĐTB&XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem