Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM đến thời điểm này chỉ nhận được 253 hồ sơ xét NV2, những ngành thí sinh nộp hồ sơ tính trên đầu ngón tay như: Đông phương học chỉ có 7 thí sinh (chỉ tiêu 100); Tâm lý học có 20 thí sinh nộp hồ sơ, nhưng sau đó có tới 8 thí sinh tới rút hồ sơ (chỉ tiêu 70); Xã hội học chỉ có 10 thí sinh (chỉ tiêu 60). Đặc biệt, ngành Văn học chỉ có 2 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển (chỉ tiêu đến 80).
|
Thí sinh nộp hồ sơ NV2 vào Đại học Kỹ thuật công nghệ. |
ĐH An Giang cũng rơi vào cảnh chợ chiều, những ngành mà nhà trường chú trọng đào tạo để đáp ứng cho địa phương thì thí sinh… ghé nộp hồ sơ cho vui, như: Ngành Giáo dục chính trị - Quốc phòng chỉ có 4 hồ sơ (chỉ tiêu 70); Ngôn ngữ Anh có 4 hồ sơ; Việt Nam học có 2 hồ sơ, Giáo dục Mầm non không có hồ sơ nào; các ngành sư phạm khác số thí sinh nộp hồ sơ NV2 cũng chỉ tính trên đầu ngón tay.
Trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM) là trường đào tạo nhóm ngành xã hội lớn nhất tại khu vực phía Nam nhưng tới thời điểm này, các nhóm ngành như Ngữ văn Đức, Ngữ văn Tây Ban Nha không có một thí sinh nào đến nộp hồ sơ. Tình hình diễn ra tương tự tại ĐH Huế với hàng chục ngành xã hội tuyển sinh khối C, D nhưng lượng hồ sơ cũng chỉ tính trên đầu ngón tay.
Nhận định về nguyên nhân khiến các ngành xã hội và sư phạm mất dần sức hút, thạc sĩ Ngô Thị Kim Dung (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho rằng: “Ở bậc ĐH, việc mở những ngành này khá dễ dãi trong khi lại thiếu đầu tư cho giáo trình, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học nên khó thu hút học sinh”.
Đồng quan điểm với bà Dung, Phó Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng có một số ngành xã hội, thí sinh khối A sẽ tư duy logic tốt hơn, học tốt hơn thí sinh khối C, D. Việc bổ sung khối thi để mở rộng đầu vào là cần thiết trong điều kiện thí sinh khối C ngày càng ít.
Tuy nhiên việc này cũng có hai mặt. Trong đó, chỉ tiêu cho các ngành khối xã hội, sư phạm không nhiều và khi sinh viên ra trường rất khó tìm việc làm. Như vậy những ngành tự nhiên sẽ càng ngày càng lấn lướt và đương nhiên sẽ rất ít thí sinh chọn những ngành xã hội.
Đây cũng là thực trạng cho các nhà quản lý, tìm hiểu thật kỹ để có một phương hướng, giải mã cho tốt chứ không mùa tuyển sinh năm sau vẫn còn luẩn quẩn như mùa tuyển sinh năm nay.
Thanh Tàu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.