Ngập lụt Chương Mỹ: Phố thành sông, người Hà Nội di chuyển bằng thuyền, hoa màu ngập úng
Rốn lũ Chương Mỹ: Phố thành sông, người Hà Nội di chuyển bằng thuyền, bất lực nhìn hoa màu ngập úng
Phạm Thứ
Thứ năm, ngày 01/08/2024 16:19 PM (GMT+7)
Đã hơn 1 tuần qua, nhiều nơi tại huyện Chương Mỹ vẫn ngập lụt, đường ruộng biến thành sông, cuộc sống người dân bị đảo lộn, phải đi lại bằng thuyền, chưa kể tới việc thất thoát tài sản, hoa màu, nông thủy sản.
Sông Bùi là vùng thoát lũ của Hà Nội, trong đó bên hữu sông Bùi là vùng phân lũ. Do ảnh hưởng của lũ rừng ngang kết hợp hoàn lưu áp thấp nhiệt đới bão số 2 và bão số 3, nước sông Bùi dâng cao và nhấn chìm nhiều thôn xóm tại huyện Chương Mỹ hơn 1 tuần qua.
Tại các xã như Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ, nhiều nhà dân, các công trình di tích bị cô lập; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT), giao thông nội đồng (GTNĐ), nhiều ruộng đồng, hoa màu đều bị chìm trong biển nước.
PV Dân Việt có mặt tại cổng làng của xóm Nằng (thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến - một trong những rốn lũ đang ngập sâu của huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Cổng làng nằm dưới con đường đê từ cầu Cốc bắc qua sông Bùi khoảng 500m. Dù đã biết trước tình hình ngập lụt, nhưng chứng kiến tận mắt quang cảnh nơi đây vẫn khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Từ cầu Cốc quan sát được toàn cảnh 3 xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ, trông chẳng khác nào biển nước.
Nước sông Bùi dâng bằng hoặc cao hơn nhà dân, nhà nào xây thấp sẽ ngập đến tận mái nhà; nước chảy ngược từ sông vào nhà, tràn ra đường đê rồi tới đồng ruộng tạo nên những rốn lũ. Cái chữ “ngập lụt”, “chìm trong biển nước” thường sẽ nghĩ tới miền Trung, nay xuất hiện tại Hà Nội quả thật là chua xót.
Nhiều hộ dân tại huyện Chương Mỹ ngập sâu, người dân buộc phải đi sơ tán tới những nơi an toàn nơi. Ảnh: Phạm Thứ
Từ cổng làng xóm Nằng đi sâu vào trong vốn là trục đường chính của gần 100 hộ dân tại đây; bất đắc dĩ trở thành bến đò, nơi những chiếc thuyền neo đậu để người dân đi lại trong những ngày ngập lụt. Những chiếc thuyền ở đây chủ yếu là thuyền thúng, xuồng nhựa; hoặc có thể là những chiếc lốp ô tô được bơm căng thành phao và được ghép lại bằng những mảnh gỗ.
Đại đức Thích Quảng Ngộ (25 tuổi, tu sĩ Phật giáo trú xứ tại chùa Linh Thông) và anh Nguyễn Tiến Phấn (36 tuổi, người dân xóm Nằng) đã đợi sẵn trên thuyền để đưa tôi vào làng. Hai mái chèo của anh Phấn nhẹ nhàng, chẳng mấy chốc mà chiếc thuyền chở 3 người chúng tôi đã lênh đênh ra giữa mênh mông nước. Tôi đã quen thuộc với khung cảnh làng quê tại đây trước khi nước dâng cao, nhưng giờ chẳng xác định được đâu là sông, đâu là cánh đồng và đâu là đường.
Đại đức Thích Quảng Ngộ lớn lên tại miền Trung, vốn chẳng lạ gì những rốn lũ mỗi mùa mưa bão. Vị tu sĩ trẻ nói đùa rằng, từ miền Trung ra Hà Nội học tưởng đâu sẽ không phải sống chung với lũ nữa, ngờ đâu lại gặp phải tình trạng tương tự.
Nhìn động tác chèo thành thạo của anh Phấn, ngỡ như phải làm nghề chài lưới ở vùng sông nước nào đấy. Nhưng sự thực, là do từ nhỏ đã trải qua không biết bao nhiêu lần lũ như thế nên thành quen.
Các trục đường chính vào làng đều bị ngập, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: Phạm Thứ
Anh Phấn cho biết: “Trong 15 năm trở lại đây, đã 3 lần nước tràn qua đê hữu sông Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Đó là năm 2008, khi Hà Nội bị ngập lụt trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017 và đợt ngập kéo dài hồi cuối tháng 7/2018”.
Người dân tại đây còn nói đùa với nhau “ngập có kế hoạch”. Mặc dù có “kế hoạch”, có kinh nghiệm từ những lần lũ trước, như việc nâng cao nền và sân nhà, dùng lưới hoặc bao cát chắn rác vào nhà, nhưng mọi sinh hoạt của người dân vẫn phải diễn ra dưới dòng nước lũ.
Ngập lụt Chương Mỹ: Đảo lộn sinh hoạt
Theo chân ông Nguyễn Công Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến đi thăm hỏi, động viên người dân, tôi được tận mắt thấy sự khó khăn của người dân trong vùng ngập lụt.
Ông Minh cho biết, tính tới 31/7, hiện xã Tân Tiến có 502 hộ dân đang bị nước lũ cô lập, số nhân khẩu bị ảnh hưởng là 2.261. Con số này có thể tăng nếu thời tiết vẫn mưa kéo dài khiến nước tiếp tục dâng.
Trong các hộ dân bị cô lập, có những nhà nền thấp, nước tràn vào ngập lên tới trên 1m hoặc cao mái nhà khiến không thể sinh hoạt; bắt buộc người dân phải sơ tán tới những nhà khác hoặc địa điểm mà cơ quan chức năng đã bố trí sẵn.
Với những nhà nước dâng ở mực thấp chừng dưới 50cm như vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan (35 tuổi, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ), mọi sinh hoạt vẫn có thể diễn ra được. Vợ chồng chị Loan xếp gạch xuống chân giường, chân tủ hay chân bàn; vừa để đảm bảo an toàn, vừa thuận tiện hơn trong việc sinh hoạt. Gọi là sinh hoạt, nhưng chỉ bao gồm ăn và ngủ để trông giữ đồ đạc.
Người dân phải xếp gạch, kê cao đồ đạc trong nhà để tránh ngấm nước. Ảnh: Phạm Thứ.
Chị Loan chia sẻ: “Hôm nước lên, vợ chồng tôi thức trắng đêm để canh lũ. Nước dâng tới đâu là xếp gạch kê cao đồ đạc lên tới đấy. Nhưng một hôm cả nhà đi vắng, nước tiếp tục dâng, chiếc kệ để tivi của nhà chúng tôi bằng nhựa, sức nặng không đủ khiến cái kệ bị cuốn theo nước, tivi đổ xuống hỏng luôn. Chiếc máy giặt chân thấp cũng bị ngấm nước hiện nay không thể dùng được. Vợ chồng tôi giờ phải thay phiên nhau một người đi làm, một người ở nhà để trông đồ đạc”.
Dù không phải sơ tán, nhưng gia đình chị Loan cũng phải vật lộn để sống chung với lũ với những thiệt hại cũng không nhỏ.
Đã hơn 1 tuần qua, bà Nguyễn Thị Chuyển (70 tuổi, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) ngày nào cũng đứng từ trên đê để quan sát ngôi nhà bị ngập tới sát mái của mình. Do chưa có điều kiện nâng nền nhà cao, mùa lũ năm nào, hai vợ chồng bà Chuyển cũng phải đi sơ tán.
“Đêm nước lũ lên, chúng tôi chỉ kịp chạy lấy người, không kịp mang theo đồ đạc gì. Trần nhà tôi cao 4m nhưng giờ nước lên tới gần mái cũng phải sâu ít nhất gần 2m. Hai vợ chồng già đành bất lực, không biết làm thế nào. Mọi thứ bên trong chắc là hỏng hết”, bà Chuyển nghẹn nào. Bà Chuyển chia sẻ thêm, đã không biết bao nhiêu lần bà phải thốt lên “Khổ lắm rồi!”. Lần gần nhất bị ngập sâu năm 2018, phải mất tới hơn một tháng rưỡi, bà mới có thể về lại nhà của mình để sinh sống.
May mắn, bà Chuyển kịp chuyển đàn gà lên cao hơn từ trước đó. Đó cũng là giải pháp chung của những gia đình có nuôi gia súc, gia cầm. Có thể là di dời lên mái nhà, lên đồi cao hoặc kê cao chuồng rồi lợp những tấm mái che tạm thời. 1 tuần qua, nhiều đàn vịt của các gia đình không thể quây lại bơi khắp làng xóm rồi trú ngụ trên những cành cây, hoặc mái nhà.
Động vật có thể di dời, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp như lúa, hoa màu, cây ăn quả hay hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản thì đành bất lực.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, diện tích lúa; cây ngô, rau màu và cây ăn quả bị ngập từ 30-70% trên toàn huyện Chương Mỹ lần lượt là 1123 ha; 327 ha và 213 ha. Diện tích thủy sản bị thiệt hại trên 70% là 1.022 ha; bị thiệt hại từ 30 - 70% là 162 ha. Ngoài ra, hơn 77.100 m2 chuồng trại bị ngập; gần 187.000 gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng.
Gia đình ông Nguyễn Đình Thủ (63 tuổi, xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ) là một trong những gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất. Ông Thủ cho biết, gia đình ông hiện đang nuôi trồng khoảng 1,5 tấn cá các loại trong 3 ao. Nước lũ dâng khiến 3 ao cá đều bị tràn. Ông Thủ ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Nước dâng, ao tràn, đó cũng là lý do nhiều người dân những ngày này, nhiều người dân đã giăng những tấm lưới để đánh cá ở khắp mọi nơi trong những vùng nước ngập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.