Hôm nay 31/1 (tức ngày 29 tháng Chạp Âm lịch), theo ghi nhận của PV Dân Việt, thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như Hàng Bè, Nguyễn Công Trứ, Mùng 8/3, Kim Liên, Dốc Đề… nguồn cung rau xanh, thịt, cá khá phong phú và đầy đủ.
Trong đó, giá một số mặt hàng tươi sống như thịt bò, gà, lợn, thủy sản… có tăng nhẹ. Ngoài ra, giá rau củ, mặt hàng hoa quả tươi có mức tăng khá cao. Cụ thể, giá các mặt hàng trái cây tươi tăng mạnh như: táo xanh từ 75.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg; xoài tăng từ 55.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg,… Đối với quả phật thủ, loại quả to đẹp có giá ở mức 150.000 đồng/quả đến 200.000 đồng/quả.
Giá thịt lợn hôm nay cũng tăng hơn so với ngày trước đó từ 10.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg và hiện đang ở mức 100.000 đồng đến 165.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, sườn non từ 155.000 đồng/kg tăng lên 165.000 đồng/kg, ba rọi, nạc vai phổ biến ở mức 140.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, nạc thăn từ 130.000 đồng/kg lên thành 140.000 đồng/kg.
Tương tự, đối với mặt hàng thịt bò, giá cả cũng nhích lên. Thịt bò thăn, phi lê, dẻ sườn... đều tăng 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg và đang phổ biến trong khoảng 250.000 đồng/kg đến 320.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, giá thịt gầu bò ở mức 250.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 320.000 đồng/kg.
Giá gà ta cũng đang bắt đầu tăng và đang ở mức 140.000 - 150.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg - 30.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 2 tuần. Một con gà cúng đã chế biến có mức giá khoảng 250.000 – 300.000 đồng. Giò lụa có mức giá 200.000 đồng/kg, giò bò 250.000 đồng/kg, không tăng so với ngày thường.
Cũng trong ngày 29 Tết, giá hoa cũng được ghi nhận ở mức khá cao. Cụ thể, hoa lay ơn đầu vuông 250.000 đồng/chục, lay ơn đầu nhọn 200.000 đồng/chục; đào rừng 1 triệu/cành, đào thường 200.000 đồng đến 300.000 đồng/cành tùy loại; trong khi đó, đào thế uốn hình rồng có giá từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng/cành;
Theo chị Nguyễn Thị Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đã lựa chọn mua đồ từ sớm với lượng hàng hóa hạn chế. Tuy nhiên, với mặt hàng rau xanh, bắt buộc phải mua hàng ngày, giá nhiều loại tăng từ 2 – 3 lần.
"Mọi ngày tôi mua khoảng 10.000 đồng được khoảng 2 – 3 củ su hào, trong ngày hôm nay phải mua với giá 20.000 đồng. Ngoài ra, giá các loại rau thơm, rau mùi cũng tăng giá, gia đình tôi tổ chức cơm tất niên khoảng 10 người phải chi khoảng 100.000 tiền rau các loại", chị Hồng chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, nguyên nhân khiến thực phẩm tăng giá dịp tết là do người tiêu dùng có tâm lý tích trữ hàng hóa, lo sợ nguồn hàng sẽ không đủ cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, với thực tiễn hiện tại, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, thói quen, phong tục ăn Tết có sự thay đổi, giá cả hàng hóa sẽ không có nhiều biến động.
"Hàng hóa tại các siêu thị, hàng tạp hóa rất nhiều, thậm chí, nhiều mặt hàng sẽ giảm giá, tăng cường khuyến mại. Do đó, dù nhu cầu cao nhưng khả năng thanh toán thấp dẫn tới thị trường sẽ không quá "nóng".
Trong 5 – 10 năm gần đây, xu hướng chung là người dân đi du xuân nhiều, ít ở nhà ăn Tết như trước. Ngoài ra, các siêu thị chợ hoạt động rất sớm, từ mùng 2, mùng 3 Tết. Vấn đề chính là sự cân đối cung cầu, nguồn cung của chúng ta rất dồi dào. Do đó, không cần tung ra chương trình bình ổn, giá cả hàng hóa Tết vẫn ổn. Vấn đề quan trọng là kiểm soát chất lượng hàng hóa", ông Phú cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.