Ngày 9.4, Thủ tướng đối thoại với nông dân: Mong ước đã lâu

Phương Đông Chủ nhật, ngày 08/04/2018 21:01 PM (GMT+7)
Xác định rằng, những khó khăn của nông dân, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiện nay, Thủ tướng và Chính phủ không thể giải quyết ngay, và không phải khó khăn nào cũng đưa lên Thủ tướng. Nhưng nhiều cán bộ, hội viên, nông dân tin tưởng rằng cuộc đối thoại lần đầu tiên được tổ chức giữa Thủ tướng với nông dân sẽ không thất vọng bởi qua sự kiện này để làm tăng thêm sự chú ý của toàn xã hội, tăng thêm sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Bình luận 0

Nhiều tâm tư, trăn trở gửi Thủ tướng

Trao đổi với NTNN về cuộc đối thoại lần đầu tiên được tổ chức giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân, nhiều cán bộ, hội viên, nông dân đều khẳng định, sự kiện này đã gây được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, nhất là cán bộ, hội viên, nông dân.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam thẳng thắn bày tỏ: “Tôi vẫn mong muốn cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân diễn ra sớm hơn bởi tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với phát triển đất nước. Dân tộc ta trưởng thành và đi suốt 1 dặm dài lịch sử là từ cái nôi của văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp. Nông nghiệp, địa bàn nông thôn đã thể hiện sứ mệnh lịch sử quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Trong khủng hoảng kinh tế vừa qua, mỗi ngày có hàng ngàn doanh nghiệp giải thể, nhưng nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, địa bàn nông thôn vẫn là nơi đi về của những lao động công nghiệp, dịch vụ, thương mại bị mất việc…”.

img

 Ông Võ Văn Sơn - Nông dân Việt Nam xuất sắc - ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam
(Ninh Thuận) cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp cần chú trọng đầu tư lĩnh vực có thế mạnh, trong đó có nuôi tôm.
ảnh:  Công Tâm 

Theo ông Vũ Văn Thẩm, đóng góp rất lớn cho đất nước, nhưng hiện nay nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi. “Nông nghiệp của mình giờ thua cả Lào và Campuchia. Nông dân vừa rồi mất nhiều đất cho công nghiệp, đô thị và có thu nhập rất thấp. Tình hình an ninh trật tự ở nông thôn nhiều nơi phức tạp chủ yếu là liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường từ công nghiệp…Những khó khăn này, Thủ tướng cần được nghe trực tiếp từ nông dân. Có rất nhiều chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng chính sách đó hiệu quả đến đâu, có bất cập, vướng mắc gì thì Chính phủ, các ngành phải nắm được và có chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung…” - ông Vũ Văn Thẩm bày tỏ.

Không tham dự cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân, nhưng ông Võ Văn Sơn bày tỏ rất tin tưởng vào hành động quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp thời gian vừa qua. “Trước kia, có cảm giác chúng ta đầu tư dàn trải cho nông nghiệp, chưa đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với các ngành, lĩnh vực tạo nên thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam. Nhưng thời gian gần đây, tôi rất mừng là Chính phủ, Bộ NNPTNT và các địa phương đã xác định tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh được quan tâm… Trong cuộc đối thoại, tôi tin rằng sẽ có nhiều nông dân nói thêm về vấn đề này với Thủ tướng…” - ông Võ Văn Sơn bày tỏ. Ông Võ Văn Sơn hiện nay là một trong những nông dân đang đi đầu trong việc nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Ninh Thuận với mức lãi mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng…

Quan tâm hơn nữa đến nông dân

Không phải cứ khó khăn, vướng mắc nào cũng đưa lên Thủ tướng bởi có những vấn đề thuộc về khó khăn nội tại của nông dân thì nông dân cần chủ động tìm hướng giải quyết, hay những vấn đề thuộc về tầm của chính quyền địa phương… Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khẳng định Chính phủ kiến tạo, vì dân. Cũng qua cuộc đối thoại, vị thế của Hội Nông dân Việt Nam được khẳng định trong hệ thống chính trị. Tổ chức Hội Nông dân, cán bộ Hội Nông dân thấy có trách nhiệm cao hơn trước hội viên, nông dân…”.
Ông Nguyễn Hữu Nhị 
 

Khi trao đổi về ý nghĩa của cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân, nhiều đại biểu khẳng định sự kiện này một lần nữa sẽ tạo sự thu hút của xã hội về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và càng khẳng định Đảng, Nhà nước quan tâm sát sao đến khu vực này. TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn từng đánh giá, Nghị quyết 26 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã làm thay đổi rộng rãi nhận thức của cấp ủy, chính quyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc Thủ tướng đối thoại với nông dân cũng sẽ có tác động tương tự.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chia sẻ, lâu nay trên các diễn đàn, kể cả diễn đàn lớn thì chủ yếu vẫn là công chức nói hộ, nói thay nông dân. Nhưng cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân thì sẽ là nông dân trực tiếp nói lên những tâm tư, nguyện vọng, trăn trở của mình với Thủ tướng. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực rất lớn, khu vực rất rộng nên sẽ có rất nhiều khó khăn, kiến nghị, đề xuất, trăn trở. Nhưng Thủ tướng, Chính phủ không thể giải quyết được hết mà chắc chắn sẽ tập trung chỉ đạo, giải quyết những vấn đề trước mắt về chính sách, cơ chế.

Là một trong những nhà khoa học tâm huyết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, TS Đặng Kim Sơn bày tỏ: “Tôi rất kỳ vọng, qua cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân, nhiều vấn đề khó khăn, trở ngại, thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe từ chính người nông dân - đối tượng quyết định đến sự thành công của tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…”.

Chia sẻ với NTNN, ông Vũ Văn Thẩm bày tỏ rất đáng mừng khi Thủ tướng đối thoại với nông dân và cho rằng, tới đây, không chỉ là Thủ tướng đối thoại với nông dân mà các bộ trưởng, chính quyền các cấp cũng cần đối thoại với nông dân. “Mặc dù nông nghiệp không đóng góp nhiều cho ngân sách, nhưng không thể xem nhẹ bởi trong phát triển của đất nước vấn đề an ninh lương thực vẫn là cơ bản nhất. Nông dân vẫn là chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn vẫn là địa bàn chiến lược vững chắc để ổn định chính trị xã hội. Khu vực nông thôn vẫn chiếm tới hơn 70% dân số và lao động nông nghiệp vẫn chiếm tới gần 50% tổng lao động toàn xã hội…” - ông Vũ Văn Thẩm cho hay. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem