Thống kê của Bộ GDĐT: Cả nước có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường chưa biết “đi đâu về đâu”.
“Chạy trốn” nghề giáo
Bố mẹ làm nông, nhà nghèo nên Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1993 (Hạ Hòa, Phú Thọ) chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm II (Vĩnh Phúc) vì không phải mất học phí. Tuy nhiên, vào ĐH được 1 năm em bắt đầu thấy lựa chọn của mình là sai lầm. “Rất nhiều bạn trong lớp đã có “đầu ra” trước khi xác định thi vào đây, một số khác bàn về việc chuẩn bị tiền để chạy việc.
Còn em vào học vì không mất tiền, ra trường làm sao lo được khoản tiền gấp mấy chục lần học phí để chạy việc, lại còn mất đến 4 năm học” – Liên thở dài. Chính vì áp lực này, kết thúc năm thứ nhất Liên quyết định nghỉ học ở nhà ôn thi lại.
Giáo viên Trường Tiểu học Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Tùng Anh
Tương tự Liên, mới đây hàng loạt sinh viên sư phạm khóa 15 của Trường ĐH Tây Nguyên đã bỏ học, trong đó có 8 SV làm thủ tục nhập học xong nhưng không đến học, số còn lại nghỉ giữa chừng. Đại diện ban cố vấn học tập trường này cho biết, trường đã đến gặp gỡ từng em để biết lý do, thì phần lớn các em bỏ sư phạm để chuyển sang trường khác hoặc nghỉ ở nhà để ôn thi vì lo ngại học sư phạm ra trường khó xin việc. Được biết, năm nay ngành sư phạm của Trường ĐH Tây Nguyên đã giảm 10% chỉ tiêu so với năm trước vì sinh viên không mặn mà.
Nỗi lo của sinh viên sư phạm không phải không có căn cứ khi những con số về cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, giáo viên bị mất việc ngày càng tăng.
Mới đây, hàng loạt các vụ cắt giảm biên chế, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng trong ngành sư phạm diễn ra đã gây bức xúc dư luận, như vụ 214 giáo viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay thềm năm học mới; 84 giáo viên mầm non ở Sóc Sơn (Hà Nội) và 100 giáo viên tại Bá Thước (Thanh Hóa) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mới nhất, ngày 28.11, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã có quyết định điều chuyển 29 giáo viên THCS xuống dạy… mầm non (?).
Thống kê của Bộ GDĐT thì cho thấy, tính đến năm 2014, cả nước đang dư thừa khoảng 35.000 giáo viên phổ thông. Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, tới đây sẽ có thêm khoảng 10.000 SV ngành sư phạm ra trường không có việc làm.
Thu gọn trường sư phạm
" Bộ GDĐT đã khống chế quy mô phát triển tối đa các trường ĐH, CĐ sư phạm và ĐH giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Cụ thể, ĐH Sư phạm chỉ được đào tạo tối đa 15.000 SV; ĐH Giáo dục tối đa 6.000 SV và Cao đẳng Sư phạm tối đa 5.000 SV. Đồng thời Bộ cũng sáp nhập một số trường CĐ sư phạm ở các địa phương thành CĐ cộng đồng hoặc thành cơ sở 2 của ĐH Sư phạm Hà Nội”.
Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GDĐT
|
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, chưa bao giờ ngành sư phạm lại rơi vào khủng hoảng thừa một cách trầm trọng như vậy. TS Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu – Viện Đào tạo quốc tế ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Nguyên nhân của sự bão hòa nhân lực sư phạm là do chính sách miễn giảm học phí đã thu hút lượng lớn người học, trong khi hiện nay số học sinh phổ thông đang ngày một giảm dần”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, để giảm bớt áp lực cho ngành sư phạm, vừa qua Bộ đã có nhiều giải pháp để kìm hãm tốc độ và quy mô đào tạo ngành sư phạm như: Ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những đối tượng không được đào tạo sư phạm chính quy; giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm; giới hạn mở thêm ngành trong các cơ sở đào tạo giáo viên; chấm dứt hình thức đào tạo từ xa...
Cũng theo Bộ GDĐT, Bộ đã yêu cầu các địa phương đưa thông tin về nhu cầu nhân lực ngành sư phạm, nơi thừa, nơi thiếu, cảnh báo để học sinh THPT và phụ huynh biết để cân nhắc trước quyết định thi vào ngành sư phạm.
Nên rút gọn trường sư phạm
Cần quy hoạch lại một cách chặt chẽ hệ thống các trường sư phạm. Hiện nay, nước ta mỗi tỉnh có một trường đào tạo giáo viên là quá nhiều, nên rút gọn lại chỉ còn khoảng hơn 30 trường do Bộ GDĐT trực tiếp quản lý. Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh vào chất lượng đào tạo giáo viên hiệu quả hơn, siết chặt đầu ra để hạn chế đội ngũ giáo viên không đạt yêu cầu.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam
Cần có dự báo nhân lực
Trước mắt, để giải quyết vấn đề dư thừa giáo viên, các trường sư phạm phải giảm chỉ tiêu. Ngoài ra, phải có dự báo nhân lực ngắn hạn và dài hạn chính xác, cần giao chỉ tiêu đào tạo cụ thể cho từng địa phương. Đầu vào sư phạm cũng cần thay đổi, trước đây phải là học sinh giỏi, có điểm thi rất cao mới vào được sư phạm. Nhưng giờ nhiều trường sư phạm đã lấy điểm chuẩn bằng... sàn. Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi, điểm đầu vào ngành này phải cao.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội
Chấp nhận cạnh tranh
Vấn đề trọng tâm trường luôn theo đuổi là làm cho toàn bộ giảng viên, sinh viên hiểu rằng sự tồn tại của mình dựa trên chất lượng và chấp nhận sự cạnh tranh trong nền giáo dục hiện nay. Bên cạnh việc được đào tạo ở trường, giáo viên phải biết tự bồi dưỡng, tự học, tự hoàn thiện, đặc biệt ở yêu cầu tích hợp, phân hóa kiến thức. Nếu không làm được điều đó thì sẽ khó có thể cạnh tranh.
PGS-TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.