Năm nay, khá nhiều trường ĐH công lập, thậm chí là trường “top” đầu cũng đưa ra điểm xét tuyển là 15,5 - ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn năm 2017). Tuy nhiên, đa số ngưỡng điểm này chỉ có giá trị... tham khảo, vì thực tế mức điểm chuẩn trúng tuyển năm nay sẽ cao hơn nhiều.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017. (Ảnh: Quốc Hải)
Điều này đã được chứng minh qua mùa tuyển sinh 2015, 2016 khi các trường đều đưa ra mức điểm xét tuyển bằng sàn nhưng điểm trúng tuyển lại cao hơn từ 3-4 điểm, có trường cao đến 6-7 điểm. Trong khi đó, phổ điểm năm nay của TS lại cao hơn những năm trước nên mức điểm trúng tuyển chắc chắn không thể nào ít hơn.
Cẩn trọng với “bẫy”... điểm sàn
Tại ĐH Y Hà Nội, trường này không đưa ra mức điểm xét tuyển từng ngành như những năm trước mà lấy chung mức 15,5 điểm cho tất cả các ngành. Tuy nhiên, phía trường cũng cảnh báo mức điểm trúng tuyển năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016. Do đó, TS khó có cơ hội trúng tuyển vào những ngành “hot” như Y Đa khoa, Răng - Hàm - Mặt... không đạt từ mức 27 điểm trở lên.
Thậm chí, với những ngành có điểm chuẩn thấp nhất như Y tế công cộng, Điều dưỡng..., tốt nhất TS nên căn cứ vào điểm chuẩn 2016 của trường rồi... cộng thêm 1 - 2 điểm thì mới có nhiều cơ hội trúng tuyển.
Tương tự, năm nay ĐH Ngân hàng TP.HCM có 2 ngành là Luật Kinh tế và Hệ thống Thông tin Quản lý lấy mức điểm sàn xét tuyển là 15,5 điểm, các ngành còn lại lấy 17 điểm. Tuy nhiên, TS cần lưu ý đây là một trong những trường có điểm chuẩn trúng tuyển hàng năm khá cao tại TP.HCM (năm 2016 điểm chuẩn trúng tuyển tất cả các ngành đều ở mức 20,5 điểm). Do đó, TS với mức điểm chỉ cao hơn 1-2 điểm so với mức điểm nhận hồ sơ của trường nên cân nhắc tìm cơ hội ở trường khác.
Hàng loạt các trường ĐH công lập khác cũng nhận mức điểm bằng sàn 15,5 điểm. Ở khu vực phía Nam, nổi bật là các trường “top” đầu như: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Kinh tế Luật, ĐH Sư phạm TP.HCM... Thậm chí Khoa Y (ĐHQG TP.HCM) cũng nhận mức điểm xét tuyển là 15,5 điểm.
Tương tự, ở khu vực phía Bắc, nhiều trường “top” đầu như ĐH Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội... cũng nhận mức điểm xét tuyển là 15,5. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dụ, thí sinh phải cân nhắc khi nộp vào các trường này nếu mức điểm chỉ bằng sàn hoặc nhỉnh hơn một chút vì cơ hội trúng tuyển gần như bằng... 0, vì năm nay phổ điểm của thí sinh khá cao.
Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng, qua khảo sát cơ sở dữ liệu điểm thi của thí sinh năm nay, có thể khẳng định điểm chuẩn các trường top trên chắc chắn tăng chứ không giảm. Theo ông Dũng, việc nhiều trường top trên lấy điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT là... vô trách nhiệm và rất tội cho thí sinh.
Những lưu ý cần thiết dành cho thí sinh
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, mức điểm nhận hồ sơ mà các trường công bố chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Do đó, kinh nghiệm dành cho TS là nên tham khảo mức điểm chuẩn năm 2016, cùng với việc tìm hiểu thông tin từ các trường trước khi điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh mức điểm cao hơn điểm chuẩn năm 2016 từ 1 - 2 điểm trở lên có cơ hội trúng tuyển cao. Ngược lại, nếu điểm thi bằng với điểm chuẩn năm 2016, nên tìm cơ hội ở những trường top dưới hoặc các trường ĐH ngoài công lập để có cơ hội học ngành mình thích.
Ngoài ra, TS cũng cần lưu ý các tiêu chí phụ mà các trường đưa ra khi xét tuyển. Chẳng hạn, tại ĐH KHXH&NV TP.HCM, ngoài mức điểm sàn nhận hồ sơ, điểm trung bình 3 năm lớp 10, 11 và 12 phải đạt tối thiểu 6,5 điểm. Hoặc với Trường ĐH Luật TP.HCM, TS dù điểm cao cũng không được đăng ký xét tuyển vào vì trường này yêu cầu TS phải đăng ký vòng sơ tuyển và chỉ những TS vượt qua vòng sơ tuyển mới được tiếp tục xét tuyển vòng 2 bằng bài kiểm tra năng lực.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm nay thay đổi tiêu chí phụ. Theo đó, trường này xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia của ba môn Toán, Hóa và Sinh (không nhân hệ số). Nếu nhiều thí sinh đồng điểm xét tuyển, ưu tiên chọn môn Toán xét tuyển từ điểm cao xuống thấp theo chỉ tiêu (năm trước, môn được ưu tiên là Hóa học). Tương tự, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu, nếu các TS có điểm xét tuyển giống nhau, TS có điểm Toán lớn hơn sẽ được ưu tiên trúng tuyển...
Ở khu vực phía Bắc, ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cũng thay đổi tiêu chí phụ xét tuyển. Theo đó, trong trường hợp số TS đạt ngưỡng điểm trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu nhóm ngành, các TS bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách sẽ được xét trúng tuyển theo các tiêu chí phụ: Tổng điểm ba môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển (không nhân hệ số), nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên TS có nguyện vọng cao hơn.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam sử dụng 2 điều kiện phụ khi xét tuyển. Theo đó, điều kiện phụ thứ nhất, nếu chỉ tiêu tuyển sinh có hạn trong khi có nhiều TS cùng có tổng số điểm bằng nhau thì ưu tiên cho TS có điểm môn Toán cao hơn (riêng ngành Xã hội học có xét tuyển khối C00 lấy điểm môn Ngữ văn thay cho điểm môn Toán); điều kiện phụ thứ hai: Nếu điều kiện phụ thứ nhất đã sử dụng nhưng vẫn quá chỉ tiêu cần tuyển thì ưu tiên cho TS có nguyện vọng cao hơn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.