Ngày Độc lập trong lòng người Hà Nội

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 02/09/2022 14:43 PM (GMT+7)
Mặc dù đã 77 năm đi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng Tám lịch sử hào hùng năm nào vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí hai ông Lê Đức Vân, Nguyễn Tiến Hà năm nay đều bước sang tuổi 96. Họ đang là trưởng, phó ban thường trực Ban Liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu một thời.
Bình luận 0

Những chàng trai cứu quốc thành Hoàng Diệu

Một ngày giữa tháng 8, đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phố Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông Lê Đức Vân đã chuẩn bị sẵn một tập ảnh đen trắng đã phai mờ theo thời gian. Ấy là những tấm hình ghi lại không khí sục sôi của những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà mỗi lần nhắc lại ông Vân được vinh dự hòa mình vào.

Ở tuổi 96, mặc dù đã đi lại khó khăn, nhưng trí nhớ của người cựu chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu khi xưa vẫn rất mẫn tiệp. Lật giở cuốn album, chỉ vào tấm ảnh nhân dân Hà Nội đánh chiếm Phủ Khâm sai ngày 19/8/1945 hay từ cuộc biểu tình do Tổng hội Viên chức ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim biến thành cuộc biểu dương lực lượng của Việt Minh khởi động cuộc nổi dậy ngày 17/8/1945 ông Vân lại sục sôi ý chí về những ngày tháng không quên ấy.

"Năm ấy, khi còn là một cậu thanh niên đang học tại trường Bưởi, tôi đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại Thủ đô. Một năm sau, tôi được đồng chí Lê Quang Đạo - nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng TP.Hà Nội giai đoạn 1943-1944) cho đi học lớp huấn luyện đào tạo đảng viên tại Cẩm Giàng, Hải Hưng cũ"- ông Vân kể lại.

gop/ Ngày Độc lập trong lòng người Hà Nội - Ảnh 1.

Hình ảnh ông Vân cùng lực lượng thanh niên khi xưa. Ảnh Tư liệu

77 năm trôi qua, những bài học về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là giá trị về tinh thần yêu nước, ý chí tinh thần luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Ý chí quật cường ấy đến nay vẫn được thế hệ trẻ Thủ đô tiếp nối.

Trải qua rèn luyện, năm 1944, cậu trai 18 tuổi Lê Đức Vân đã chính thức đứng dưới lá cờ Đảng, thuộc chi bộ thanh niên gồm 5 người. Cùng với hơn 20 đồng chí khác của Hà Nội và Trung ương, nhóm đảng viên ấy lại lao mình vào chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 lịch sử diễn ra chỉ hơn 1 năm sau đó.

Trước yêu cầu của lịch sử, nửa cuối năm 1944, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập tại số 46 Bát Đàn với nòng cốt là các đảng viên vừa được kết nạp từ lớp học Hoàng Văn Thụ. Nhiệm vụ của các chiến sĩ khi đó là rải, dán truyền đơn, đưa các tin tức cách mạng vào sâu trong nhân dân; đồng thời tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình trong công sở, trường học, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng với cách mạng. Chính Ðội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và Ðội danh dự Việt Minh Hà Nội là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội sau này.

"Chúng tôi đã tìm nhiều cách để đưa những bó truyền đơn đi xa nhất có thể; khi thì trực tiếp đi rải, lúc lại buộc hờ ở một nơi nào đó đợi gió mang đi. Bên cạnh đó, anh em cũng tổ chức các cuộc diễn thuyết chớp nhoáng ngay trên đường phố hay những khu đông người ngay trước mũi cảnh sát. Những cuộc diễn thuyết ấy chỉ kéo dài chớp nhoáng vài ba phút; rồi người nói sẽ nhanh chóng rời đi để lại lá cờ đỏ sao vàng"- ông hồi tưởng.

gop/ Ngày Độc lập trong lòng người Hà Nội - Ảnh 3.

Lực lượng Thành đoàn Hà Nội đến thăm ông Vân vào trưa ngày 17/8 ở nhà riêng trên phố Hồng Mai (Hà Nội). Ảnh: G.K

Tiếp lời ông Vân, ông Nguyễn Tiến Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu kể, vào những năm 1944 - 1945 Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột diễn ra hàng ngày. Đặc biệt nạn đói năm ấy khiến hàng triệu người chết đói.

"Hồi đó tôi đang thanh niên ở nhà mình nhìn ra phố Bạch Mai thấy cảnh tượng người chết đói nằm như ngả rạ, xe bò chuyên chất xác người, gom đưa xuống nghĩa trang. Cảnh tượng thê thảm như thế khiến tôi sục sôi. Tôi nghĩ mình cần làm gì đó góp sức giải phóng dân tộc. Nếu cảnh này còn tiếp diễn rồi lần lượt sẽ đến người thân của mình sẽ chết, mình cũng sẽ điêu đứng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta chứ không dựa vào lực lượng nào". Vì thế, trong đó có chúng tôi háo hức tham gia các hoạt động đoàn thể, làm được việc gì đó để cứu nước thoát khỏi cơn bĩ cực này"- ông Hà nhớ lại.

Theo ông Hà, Đoàn Thanh niên là lực lượng chủ chốt canh gác bảo vệ các tổ chức hoạt động, họp hành, bảo vệ tránh nạn cướp bóc xảy ra với nhân dân. Một nhiệm vụ quan trọng nữa có Đoàn Thanh niên lúc bấy giờ đó là đi vào sâu quần chúng để giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ tôn chỉ mục đích của Mặt trận Việt Minh, chống đói. Ngoài ra, ông còn tham gia diệt giặc dốt khi là giáo viên dạy chữ quốc ngữ, bí mật vận động người dân tham gia cách mạng…

Ngày Quốc khánh đặc biệt

gop/ Ngày Độc lập trong lòng người Hà Nội - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tiến Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu kể về ký ức lịch sử. Ảnh: G.K

Ông Hà chia sẻ, lực lượng đoàn thanh niên có nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia buổi lễ ngày 2/9. Khi đó, không khí, tâm trạng của người dân Hà Nội đều sục sôi như một bó đuốc đang rực cháy. Bởi, ai cũng nóng lòng đi dự xem đất nước sẽ có chuyển biến thế nào.

"Ngày 2/9/1945 lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ. Ban đầu trong tâm trí tôi nghĩ Bác là người quắc thước, cao to, ăn mặc lịch sự nhưng mọi người đều bất ngờ khi có một cụ già bước ra, ngoại hình gầy gò, gian khổ mặc quần áo kaki vàng đã cũ. Tôi rất xúc động vì cảm nhận được rằng Nguyễn Ái Quốc là người bôn ba, gian khổ. Tuy nhiên, tiếng nói lại sang sảng, mọi người đều hướng về"- ông Hà hồi ức lại.

Theo lời kể của những cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, trong ngày đặc biệt đó, người dân đến tham gia buổi lễ không phải chỉ ở khu vực nội hay ngoại thành Hà Nội mà còn ở nhiều nơi khác như ở Hoài Đức, Gia Lâm, Bắc Ninh, Hà Nam… đến theo chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ. Tứ phía, người dân đổ về Hà Nội, số lượng lên đến hàng chục vạn người.

Ông Hà kể tiếp: "14 giờ ngày 2/9, buổi lễ được dự kiến bắt đầu, nhưng ôtô của phái đoàn Chính phủ và Bác Hồ đi chậm 25 phút vì phải đi qua dòng người phủ kín các ngả đường. Khi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bước ra cất tiếng "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", lúc này mọi người hô: "Rõ rõ", cho đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn xúc động khi giữa lãnh tụ và nhân dân gần gũi như thế. Trước đó chưa bao giờ thực dân Pháp hỏi với người dân như thế, chúng nói ra bắt mọi người phải nghe theo với giọng quát tháo. Còn đây Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất tình cảm như người trong gia đình rất gần gũi, nói để nhân dân nghe rõ. Đó là sự cảm xúc, điều chưa từng có. Nghe Người nói rất ân cần, thấm thía cảm động lắm".

Còn với ông Vân, ông được vinh dự là một trong ba thanh niên được gặp Bác Hồ đúng dịp chuẩn bị cho ngày Quốc khánh. Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ông được giao nhiệm vụ Đốc lý ngoại thành Hà Nội. Ông cùng các cán bộ nghe tại trụ sở qua radio. "Khi đó chúng tôi rất xúc động khi nghe từng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi và thân thương"- ông Vân nhớ lại.

Ông Hà kể từ khoảng hơn 1.000 người tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm nào, con số ấy dần mai một đến nay chỉ còn 38 người liên lạc được, trong đó có 12 nữ, 26 nam. Tất cả các ông bà năm nay đều đã ngoài 90 tuổi.

"Giờ nghĩ lại lứa tuổi ngày ấy đã hoàn thành nhiệm vụ góp công góp sức giải phóng đất nước, sau Cách mạng tháng Tám tiếp tục chống Pháp, chống Mỹ đã hoàn thành thống nhất đất nước"- ông Hà nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem