Ngày hội Toán học mở tại TP.HCM: Học toán có mang lại hạnh phúc?

Tin, ảnh: Diệu Thuỳ Chủ nhật, ngày 09/12/2018 15:57 PM (GMT+7)
Sáng 9.12, gần 1.000 SVHS thuộc nhiều trường đại học và THPT ở TP.HCM đã tham dự Ngày hội Toán học mở (MOD) tại Trường Đại học Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên MOD có mặt tại TP.HCM sau nhiều lần tổ chức tại Hà Nội.
Bình luận 0

img

Rất đông SVHS đến dự tọa đàm "Học toán để làm gì?". Ảnh: D.T

MOD là chuỗi các chương trình về toán nhằm tạo cơ hội cho đông đảo SVHS, giáo viên, phụ huynh, các nhà toán học và những nhà giáo dục tới từ nhiều tỉnh thành có dịp cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của toán học. Ngày hội được phối hợp tổ chức bởi Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn và nhiều đơn vị khác trong lĩnh vực dạy học toán.

Điểm mới của MOD 2018 tại TP.HCM so với các chương trình trước đó tại Hà Nội là ngày hội còn có nhiều hoạt động bao gồm triển lãm "Những ô cửa toán học" với các mô hình toán được in bằng máy in 3D, vừa trực quan toán học, vừa như tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, có nhiều gian hàng của các đơn vị về giáo dục toán (Toán IQ, toán cho trẻ em, toán tiếng Anh, toán cho học sinh, sinh viên) và STEM (Robotics, American Stem, mô hình câu lạc bộ STEM) cùng một số đơn vị xuất bản sách...

img

Nhiều học sinh theo dõi điều khiển robot tại gian hàng của Câu lạc bộ Robotics thuộc Trường ĐH KHTN TP.HCM tại triển lãm "Ô cửa toán học".

Trọng tâm của ngày hội là hoạt động chuyên môn có chủ đề "Toán học không xa cách" với bài giảng "Toán học trong trí tuệ nhân tạo" của GS Nguyễn Hùng Sơn (ĐH Warsaw, Ba Lan) và tọa đàm "Học toán để làm gì?" với sự tham gia của bốn diễn giả: GS Hà Huy Khoái - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, GS Hồ Tú Bảo - Giám đốc Viện John von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM), TS Nguyễn Thành Nam – người sáng lập ĐH trực tuyến FUNiX và nhà báo Phạm Hy Hưng.

img

Sinh viên Thanh Trí - ĐH Bách Khoa TP.HCM nêu thắc mắc với các diễn giả về vấn đề ứng dụng của toán học.

Em Anh Tuấn - học sinh đến từ Trường TH PT chuyên Lê Hồng Phong cho biết em là là học sinh chuyên lý nhưng em rất thích môn toán. "Để thiết kế được những mô hình chuyển động hay phần mềm điều khiển tự động đều phải dùng toán. Học toán giúp em rất nhiều trong tìm hiểu kiến thức vậy lý, đó là lý do em đến với ngày hội này", Anh Tuấn nói.

Còn với Lê Thanh Trí - sinh viên năm 2 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, động cơ học toán của em là để nghiên cứu khoa học, vì ngày nay công nghệ thay đổi liên tục, nếu không có toán thì sẽ không theo kịp. Trí đặt vấn để với các khách mời rằng cần phải đại chúng hoá các ứng dụng của toán vào công nghệ.

img

Các SVHS hào hứng xem trình diễn mô hình điều khiển tự động.

Trong phần thuyết trình về “Toán học trong trí tuệ nhân tạo”, GS Nguyễn Hùng Sơn đã tóm lược lại lịch sử toán học để nhấn mạnh rằng, sự phát triển của nền văn minh nhân loại, từ thời xây dựng các kim tự tháp ở Ai Cập cho đến các cuộc cách mạng công nghiệp lần 1, 2, 3, 4… đều gắn với các bước tiến của khoa học, đặc biệt là toán học.

Theo GS Sơn, kỷ nguyên tin học với trí tuệ nhân tạo hay tất cả các công nghệ hiện đại ngày nay đều không thể phát triển nếu không giải quyết các vấn đề của chúng bằng toán học. Trí tuệ nhân tạo hay tương lai của nhân loại không có gì khác hơn là mô phỏng hoạt động của não người - mạng neural, đều dựa trên cơ sở các thuật toán.

“Toán như con bạch tuộc, nó chạm vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và là nền tảng của tất cả các môn khoa học khác”, GS Sơn ví von.

img

GS Nguyễn Hùng Sơn - ĐH Warsaw, Ba Lan.

Cũng đề cập đến vấn đề này, GS Hà Huy Khoái cho rằng bản thân việc học toán là 1 nhu cầu. Theo ông, học toán không phải để làm giàu, nhiều người rất giàu mà không cần học gì cả. “Nếu tôi có nhu cầu, học toán sẽ mang lại cho tôi hạnh phúc. Toán là một khoa học đi đến tận cùng sự đơn giản. Và điều đó mang lại hạnh phúc cho tôi”, GS Khoái nói, hướng tới rất đông học sinh - sinh viên.  

img

GS Hà Huy Khoái (giữa), GS Hồ Tú Bảo (thứ 2, bên phải), TS Nguyễn Thành Nam (đầu tiên, bên phải) và nhà báo Phạm Hy Hưng (thứ 2, bên trái) tại tọa đàm "Học toán để làm gì?

Với tư cách Ban tổ chức, PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) cho biết ông muốn nhân rộng mô hình MOD ra cả nước. Một trong những mục tiêu của Viện trong giai đoạn 2010 – 2020 là phát triển một nền toán học bền vững ở Việt Nam.

“Ban tổ chức muốn mọi người, nhất là các sinh viên học sinh thấm được ý nghĩa của học toán, vai trò của học toán đối với thực tiễn và tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai”, TS Hà bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem