Pa Xa Lào (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là bản có 100% dân số là người dân tộc Lào. Số người trên 45 tuổi ở đây biết viết, biết đọc thành thạo rất ít, trong đó có nhiều phụ nữ.
Tham gia lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm từ những ngày đầu, đến nay, bà Lò Thị Choi (57 tuổi, ở bản Pa Xa Lào) đã có thể viết được tên của mình, đồng thời đọc được những văn bản ngắn. Đây là thành quả sau 8 tháng kiên trì học tập của bà Choi.
Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, không ít lần bà Choi nói đến những khó khăn, bất tiện của việc không biết chữ. Người phụ nữ dân tộc Lào này cho biết, vài năm trước, mỗi lần lên trụ sở UBND xã để giải quyết thủ tục hành chính, do không biết chữ nên bà chỉ có thể điểm chỉ.
"Không biết chữ nên mình cũng không hiểu được bên trong giấy tờ viết gì. Sau đó, mình quyết tâm học lấy cái chữ", bà Choi chia sẻ.
Quyết tâm là thế nhưng với bà Choi, để vượt qua những trở ngại, đến với con chữ là một quá trình nỗ lực. Lớp học diễn ra 4 buổi mỗi tuần. Vào những ngày ấy, bà phải thu xếp làm xong sớm công việc trên nương và việc nhà để có thể kịp giờ tới lớp. Lớp học bắt đầu vào lúc 19h, nhiều khi để đến kịp giờ, bà Choi chẳng kịp ăn bữa tối.
"Tuy bụng trống không nhưng đến lớp, được học đánh vần, tôi như quên đi cái đói", bà Choi tâm sự. Đôi bàn tay quen làm nương giờ cầm bút nắn nót từng nét chữ, đối với bà Choi, là thử thách lớn nhất trong những ngày đầu đi học. Tuy nhiên, với sự chỉ bảo tận tình của thầy cô giáo, cầm tay chỉnh từng nét chữ, bà Choi đã dần quen và viết được tốt hơn.
Cũng là một trong những học viên tích cực tham gia lớp xóa mù chữ, bà Lò Thị Păn (53 tuổi, trú tại bản Pa Xa Lào) không chỉ mong muốn có thể tự ký tên mình khi thực hiện những thủ tục hành chính mà còn có thể đọc sách, tiếp thu kiến thức để làm giàu.
"Lúc đầu nghe cô giáo nói học chữ, mình ngại lắm vì lên bà rồi mà giờ mới cắp sách đi học. Nhưng cô giáo bảo, học để có cái chữ, có kiến thức, biết tính toán thì cuộc sống sẽ bớt khổ hơn nên mình đồng ý đi", bà Păn bộc bạch.
Thế rồi, từ những ngại ngùng ngày đầu đến lớp, hơn 8 tháng theo học lớp xóa mù chữ, bà Păn không bỏ buổi nào. Sau một thời gian kiên trì học, bà Păn đã có thể viết, đọc và hiểu được những văn bản ngắn.
Vượt khó "gieo chữ" cho đồng bào
Tinh thần vượt khó đi học của phụ nữ dân tộc Lào ở bản Pa Xa Lào là một trong những động lực để cô Nguyễn Thị Mỳ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm, vững tin hơn trong hành trình mang cái chữ về với bản làng.
Cô Mỳ là giáo viên đứng lớp xóa mù chữ cho những học viên là người dân tộc Lào. Lớp học xóa mù chữ của cô Mỳ hiện tại có 14 học viên, trong đó 11 học viên là nữ; học viên ít tuổi nhất năm nay 34 tuổi, còn người nhiều tuổi nhất là gần 60 tuổi.
Theo cô Mỳ, thời gian đầu, việc vận động đồng bào đến lớp học không dễ dàng. "Lớp học dự kiến diễn ra vào ban ngày nhưng sau đó, qua nắm bắt tình hình, chúng tôi nhận thấy, ban ngày, nhiều bà con còn đi nương nên lớp học được chuyển sang buổi tối. Trước khi lớp học được mở, cán bộ xã, thầy cô giáo đã đến từng nhà, gặp từng người để vận động bà con tham gia.
Ban đầu, có người còn từ chối nhưng sau khi hiểu được ý nghĩa của việc biết chữ, bà con bắt đầu hăng hái đến lớp. Tuổi tác là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của học viên nhưng bù lại, tinh thần học tập của đồng bào rất nghiêm túc", cô Mỳ chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là gần 97%; tỷ lệ đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 là trên 88%.
Trong năm 2023, ngành Giáo dục tỉnh đã mở hơn 50 lớp xóa mù chữ, với sự tham gia của trên 1.200 học viên. Để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, thời gian tới, ngành sẽ ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn;
tổ chức các lớp học linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi để học viên theo học, bảo đảm số lượng và chất lượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.