Nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa thành công
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (UDNNCNC), bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ: Chúng tôi, coi nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mũi nhọn và công nghệ cao chính là chìa khóa để có năng suất, chất lượng ổn định, tập đoàn TH đã đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực này…
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh- Học viện Tài chính : Từ chính sách đến thực thi trong thực tiễn còn khoảng cách khá xa. Thực tế cho thấy, sự phát triển của KHCN trong nông nghiệp thời gian vừa qua chưa đáp ứng được mong mỏi cũng như chưa tương xứng với tiềm năng của lĩnh vực này.Trong nông nghiệp cũng còn nhiều tồn tại, để thay đổi lớn về quy hoạch tổng thể, quy hoạch cây con, liên kết chuỗi trong sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản…cũng còn nhiều vấn đề.Đáng mừng làChính phủ cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn về nông nghiệp, công nghệ cao so với trước đây.Do đó, Chính phủ đã “nảy ra” gói tín dụng 100.000 tỷ dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Đây có thể coi là động thái lớn của Chính phủ trong thời gian vừa qua, hi vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy nhà đầu tư tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
|
Trong đó có các dự án tiêu biểu như dự án chăn nuôi bò sữa, với tổng quy mô đầu tư của dự án là 1,2 tỷ USD trên tổng diện tích 37.000 ha với quy mô đàn lên tới 137 ngàn con vào năm 2020;TH đã xây dựng một hệ thống quy trình khép kín trong tất cả các khâu từ giống bò, hệ thống chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho đến khâu cuối cùng là sản xuất và phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, TH còn triển khai dự án rau hữu cơ, cây dược liệu…đều ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.Với Dự án đầu tư bài bản, tập đoàn TH là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được đánh giá là đơn vị tiên phong đặt nền móng cho ngành công nghiệp sữa tươi sạch Việt Nam.
Bà Thái Hương cho biết: Hà Lan - quốc gia đã được mệnh danh là "nước đất trũng", có 1/4 diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, cộng thêm vùng đất trũng cao hơn mực nước biển khoảng 1m, thì có tới 1/3 diện tích lãnh thổ chịu sự uy hiếp thường nhật của nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập úng. Tuy nhiên, hiệu suất sản xuất của đất ở Hà Lan năm 1991 đạt 2.468 USD/ha, hiệu suất lao động đạt 44.339 USD/người.
“Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và sự phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao đã và đang trở thành hình mẫu cho nông nghiệp tri thức của thế kỷ 21”, bà Thái Hương cho biết.
Đại diện NHNN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho NNCNC, NHNN đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn để bàn về việc triển khai chương trình. Các ngân hàng thương mại đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ và đã đăng ký số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay các dự án có hiệu quả với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp.
Cũng theo NHNN, đến nay có 8 ngân hàng thương mại đã đăng ký số vốn hơn 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng đầu tư NNCNC. Tổng dư nợ cho vay ứng dụng CNC đạt con số tương đối lớn là 26.000 tỷ đồng, với 4.021 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp).
Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC là 21.700 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.300 tỷ đồng. Hiện nay, chưa phát sinh nợ xấu với lĩnh vực này.
Agribank là ngân hàng đầu tiên ghi dấu ấn, mở đường cho sự quan tâm, nhập cuộc của toàn xã hội khi đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường khi chưa có sự hướng dẫn cụ thể của các ban, ngành về đối tượng, tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Tính đến ngày 31.5.2017, tổng dư nợ cho vay theo các chương trình ưu đãi tín dụng phục vụ nông nghiệp sạch do Agribank triển khai đạt 3.024 tỷ đồng.
Nhiều tồn tại cần được tháo gỡ
TS. Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch NH LienVietPostBank: Cái gốc của vấn đề là chúng ta phải tổ chức mô hình nuôi, trồng tập trung chuyên nghiệp mà nông dân trở thành công nhân hoặc chỉ là bàn tay nối dài để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện nghiêm ngặt quy trình của chủ đầu tư đảm bảo chất lượng. Sau đó là việc tổ chức tiêu thụ theo quy trình chuỗi khép kín. Khi nào ở Việt Nam hết chăn nuôi, trồng trọt tự phát, manh mún thì mới có thể hết giải cứu cho các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp.Trong khi đó, nông nghiệp công nghệ cao thường gắn liền với giá thành sản xuất cao, nhất là trong giai đoạn đầu, cộng với tâm lý của người tiêu dùng chưa đủ niềm tin thế nào là sản phẩm sạch?thế nào là sản phẩm công nghệ cao? để đủ sức đánh đổi chi phí lớn khi người tiêu dùng cần bỏ ra để mua sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn là vấn đề “đau đầu”, trong đó có nguyên nhân do luật và thi hành luật không đủ lực và yếu kém.
|
Đại diện các Ngân hàng thương mại cho rằng, ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, kinh doanh tiền nên rất cần có khách hàng để cho vay.Mấu chốt là cho vay phải đạt hiệu quả, hạt chế rủi ro có thể xảy ra nợ xấu xuống mức thấp nhất.
Tuy nhiên, đánh giá về các khách hàng lĩnh vực nông nghiệp, một số ngân hàng thương mại thẳng thắn đưa ra những tồn tại khiến cho tín dụng phục vụ UDNNCNC còn gặp khó khăn như: Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác thấp, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị nông sản mang tính cạnh tranh cao, việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chậm nên cho vay đối với lĩnh vực này vẫn có những rủi ro nhất định.
Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm hoặc chưa có tiêu chí cụ thể để xác định doanh nghiệp nào là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, cả nước mới có 25 doanh nghiệp được Bộ NN PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; Chưa có các bộ định mức kinh tế kỹ thuật về cây trồng vật nuôi, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho vay.
Ngoài ra, vốn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, trang thiết bị cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng này chưa được cấp giấy chứng nhận các quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay vốn ngân hàng….
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: “Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề lớn. Đó không chỉ là bài toán tính toán lỗ lãi kinh doanh, dù rất quan trọng, mà còn là câu chuyện về tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu sắc bao quanh ba cụm từ “sự dẫn dắt thị trường và doanh nghiệp”, “hỗ trợ nhà nước” và “lợi ích các bên liên quan, nhất là của người nông dân” và đằng sau đó là chất lượng tăng trường nông nghiệp và sự phát triển bền vững nông thôn Việt Nam. Để rồi chúng ta có những nỗ lực thực thi trên thực tế thực sự quyết liệt, bài bản và hiệu quả.
Ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT:Tôi cho rằng, cách làm là phải giúp cho các doanh nghiệp được hưởng lợi công bằng, trong đó phải tạo ra được sự hưởng lợi của cả doanh nghiệp lẫn nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, vấn đề lãi suất và thủ tục hành chính cũng cần “cởi mở” để giúp cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn nguồn tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao. Theo tôi, phải đưa ra tiêu chí rõ ràng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ thì hướng đi mới vững chắc.Tức là đầu tư công nghệ nhưng phải đạt được hiệu quả cao, mấu chốt cuối cùng là phải tạo ra sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất, chỉ có như vậy đồng vốn tín dụng của ngân hàng mới phát huy hiệu quả.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.