Nông nghiệp công nghệ cao sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng

PV Thứ bảy, ngày 29/10/2016 14:20 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đối với việc đầu tư tín dụng cho nông nghiệp hiện nay.
Bình luận 0

Tín dụng cho nông nghiệp đạt 895 nghìn tỷ đồng

BIDV cho biết, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn tại Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Việc phát triển tín dụng trong lĩnh vực NNNT trong các năm qua luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ thông qua việc triển khai hàng loạt biện pháp: Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND ở mức thấp đối với các TCTD có tỷ trọng dư nợ cho vay NNNT cao; tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng cho vay phát triển NNTN với cơ chế ưu tiên về thời hạn, lãi suất; triển khai các chương trình hỗ trợ NNTN: chương trình cho vay tạm trữ nông sản với lãi suất 0%, cho vay đóng tàu đánh bắt thủy sản với lãi suất ưu đãi ….

img

Tính đến cuối tháng 9.2016, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 895 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. So với năm 2009 (khi chưa có Nghị định 41), dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng gần gấp 3 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 19%; tốc độ tăng bình quân của dư nợ tín dụng cho vay NNNT trong giai đoạn đầu có Nghị định 41 năm (2009 - 2013) là 22,3 %, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn hệ thống là 21,2%.

Cơ cấu tín dụng cho phát triển NNNT tương đối toàn diện, bao gồm tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, tín dụng trong nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: Dư nợ trong lĩnh vực NNNT vẫn tập trung chủ yếu ở một số ít ngân hàng, trong đó chủ yếu là Ngân hàng NNPTNT.

Các ngân hàng (đặc biệt là các NHTMCP ngoài quốc doanh) không “mặn mà” trong việc tăng trưởng tín dụng NNNT do chất lượng tín dụng trong lĩnh vực NNNT không ổn định, hiệu quả thấp (nguồn huy động vốn không đủ cân đối với nguồn cấp tín dụng; lãi suất cho vay ở mức thấp; mức độ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ phi tín dụng không cao…). Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các thủ tục cho vay (thẩm định phương án sản xuất kinh doanh, xác định khả năng trả nợ, hoàn thiện hồ sơ vay vốn…) cũng gặp nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đại diện BIDV cho biết, nhìn chung đối với ngành nông nghiệp, thời gian qua BIDV đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhanh chóng, tích cực có văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện cho vay phục vụ nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của BIDV.

img

Với nhận thức cơ hội phát triển trong cơ cấu tín dụng, tầm quan trọng của nông nghiệp trong việc phát triển kinh tế xã hội theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, NHNN trong những năm qua dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại BIDV liên tục tăng trưởng qua các năm và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ nông nghiệp toàn ngành cũng như tăng trưởng dư nợ chung của toàn nền kinh tế nói chung (tăng gấp hơn 7 lần trong giai đoạn 2010-nay) đạt 105.758 tỷ vào 30.9.2016.

Tăng trưởng nhanh về quy mô qua các năm, đưa tỷ lệ dư nợ tín dụng nông nghiệp trong tổng dư nợ tại BIDV từ 5,82% năm 2010 lên 15,75% tại 30.9.2016; qua đó cho thấy nhận thức định hướng phát triển và ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của BIDV trong thời gian qua theo định hướng xuyên suốt của Chính phủ, NHNN.

Về chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp tại BIDV về cơ bản được quản lý chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu / Dư nợ cho vay Nông nghiệp các năm đều thấp hơn tương đối so với tỷ lệ nợ xấu tại BIDV (tại 30.9.2016 chỉ ở mức 0,86% thấp hơn tương đối so với tỷ lệ nợ xấu là 1,96%).

BIDV cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu sắc với các hiệp định thương mại WTO, FTA, FATA…và dự kiến sắp tới là Hiệp định TPP chính thức áp dụng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với sức cạnh tranh các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam tới thị trường thế giới (giá cả, chất lượng, năng suất, nguồn gốc xuất xứ…); cũng như những thách thức về cách thức nuôi trồng trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề.

Điều đó cho thấy xu hướng tất yếu cần áp dụng công nghệ cao (CNC) vào nông nghiệp để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, BIDV đề xuất: Cần hoàn thiện cơ chế chính sách về công nghệ cao; Có chiến lược quy hoạch đất đai nhằm triển khai sản xuất theo phương thức hiện đại được thuận lợi; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu, nhân lực phục vụ nông nghiệp CNC; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho NN CNC; Hỗ trợ phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp CNC

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem