Ngày mai, Phó TT Phạm Bình Minh trình bày về tình hình Biển Đông trước Quốc hội

Thứ hai, ngày 19/05/2014 15:03 PM (GMT+7)
Thông tin được Văn phòng Quốc hội đưa ra trong buổi họp báo Công bố chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.
Bình luận 0

img
Bắt đầu buổi họp báo Công bố chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII do Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc (giữa) điều khiển

Buổi họp báo Công bố chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII diễn ra tại trụ sở Văn phòng Quốc hội chiều nay, 19.5.

Cụ thể, tại kỳ họp này, vào ngày mai, 20.5, Quốc hội (QH) sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng (PTT) Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ trình bày chủ trương và giải pháp của Việt Nam trong vấn đề này.

Nội dung buổi họp báo:

PV báo Điện tử VietnamNet:

1. Tới đây, Quốc hội sẽ nghe PTT trình bày về tình hình Biển Đông và cùng thảo luận về nội dung này. Vậy QH có dự định ra Nghị quyết hay ý kiến chính thức về vấn đề này?

2. Phần chất vấn và trả lời chất vấn có khá nhiều tâm tư, ý kiến về việc các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Kỳ họp này sẽ rút kinh nghiệm thế nào?

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời:

1. Tình hình Biển Đông hết sức phức tạp khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng biển Việt Nam. Trước tình hình đó, QH Việt Nam sẽ nghe chính phủ (CP) báo cáo về tình hình Biển Đông cùng các chủ trương giải pháp. Các đại biểu sẽ có trao đổi làm rõ vấn đề, cả việc một số địa phương vừa rồi xảy ra tình trạng các đối tượng bị kích động, xúi giục, gây rối, phá hoại tài sản các doanh nghiệp.

2. Về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn: Có một quy trình rõ ràng, bất cứ một thành viên CP nào được chất vấn phải có nhiều đại biểu (ĐB) có ý kiến đề nghị, có nhiều câu hỏi dành cho họ. Một số nội dung vấn đề bức xúc được quan tâm, chúng tôi sẽ tiến hành lấy phiếu xin ý kiến QH rồi thông qua.

PV báo Tuổi Trẻ TP.HCM:

1. Tại kỳ họp này, Biển Đông là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân VN. QH sẽ thảo luận về vấn đề này. Ông cho biết quan điểm của cá nhân về vụ việc TQ đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền VN?

2. UBTVQH đã họp nhiều phiên họp kín về thảo luận Nghị quyết 35 về việc sửa đổi lấy phiếu tín nhiệm. Quan điểm của UBTVQH về vấn đề này thế nào?


Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời:

1. Quan điểm cá nhân của tôi với tư cách một ĐBQH, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Quốc hội VN chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thời gian qua, rất cảm ơn nghị sỹ các nước đã nhanh chóng lên tiếng phản đối hành vi trái phép của Trung Quốc và ủng hộ mọi yêu cầu hợp pháp chính đáng của VN chúng ta. Nếu Quốc hội thảo luận về vấn đề Biển Đông, chúng tôi sẽ có thông báo cụ thể tới phóng viên sau các cuộc họp.

2. Về sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, đây là một hoạt động mới. Lần đầu tiên chúng ta triển khai biện pháp này, nhận thấy đây là giải pháp đúng đắn và cần thiết. Việc lấy phiếu sẽ giúp cán bộ tự soi mình, thấy ưu và khuyết điểm trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo, nâng cao chất lượng hoạt động, tu dưỡng đạo đức lối sống. Đây cũng là một kênh tham khảo chất lượng cán bộ của chúng ta.

Tuy nhiên, việc chúng ta tiến hành lấy phiếu là lần đầu nên cũng phải rút kinh nghiệm. Tổng kết, sơ kết có một số điểm cần rút kinh nghiệm cho tốt hơn, hoàn thiện hơn. UBTVQH có văn bản gửi các ĐBQH cho tiến hành sửa đổi bổ sung, thứ 7 này sẽ báo cáo với QH về nội dung sửa đổi bổ sung và xin ý kiến Quốc hội.

Có mấy việc cần sửa: Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, đối tượng lấy phiếu và hình thức lấy phiếu tín nhiệm. Một số địa phương đề nghị mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các địa phương (GĐ Sở, ngành) không phải đối tượng do HĐND phê chuẩn.

Thời gian tiến hành lấy phiếu: Trước quy định là 1 năm 1 lần có hạn chế là thời gian ngắn quá, 1 năm chưa đủ thời gian người được lấy phiếu sửa đổi khắc phục hạn chế. Vì thế nghị quyết lần này sửa đổi có thể vào năm thứ 3, nghĩa là vào giữa nhiệm kỳ của QH và HĐND (kỳ họp cuối năm). Vẫn giữ nguyên 3 mức lấy phiếu tín nhiệm.

PV Báo Đầu Tư:

Tình hình Biển Đông ảnh hưởng gì đến nhiệm vụ kinh tế - xã hội và Quốc hội có điều chỉnh nhiệm vụ 8 tháng cuối năm không? Chúng ta có xem xét việc bồi thường cho các doanh nghiệp tại Bình Dương, Hà Tĩnh bị thiệt hại vừa qua không?

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc:

Như tôi đã nói là Chính phủ sẽ báo cáo về tình hình, trong đó sẽ có cả phần kinh tế - xã hội. Nếu có gì thay đổi chúng tôi sẽ thông báo. Nhưng tôi nghĩ chúng ta chưa có lý gì để điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm nay.

Việc các doanh nghiệp bị thiệt hại vừa qua là đáng tiếc. Kẻ xấu đã lợi dụng, kích động công nhân có hành vi đập phá, gây thiệt hại tài sản doanh nghiệp. Chính phủ, các ngành, địa phương vừa qua đã nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn và sản xuất bình thường. Tôi cho đó là điều tốt.

PV TTXVN:

Về tình hình Biển Đông, nhiều tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội cả trong và ngoài nước đã lên tiếng ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam và phản đối hành vi trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Với tư cách là cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, Quốc hội có hành động cụ thể nào về vấn đề này, có hình thức nào về ngoại giao để kêu gọi các nghị viện trên thế giới tiếp tục ủng hộ VN?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:

Thời gian qua, xin hoan nghênh, cảm ơn các nghị sỹ ở các nghị viện trên khắp thế giới đã lên tiếng kịp thời ủng hộ Việt Nam và phản đối Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mọi đoàn công tác đến VN và cũng như từ VN ra nước ngoài đều thảo luận về vấn đề này, đặc biệt mới đây là đoàn của thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ khi tới thăm VN đã thảo luận nghiêm túc về vấn đề này.

Ngoài ra, bây giờ và tới đây, trên các diễn đàn quốc tế chúng ta sẽ có những cuộc trao đổi với thế giới về vấn đề này bởi chúng ta hiểu rõ, hành vi của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của Việt Nam mà còn có nguy cơ làm mất ổn định an ninh trong cả khu vực.

Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ bắt đầu lúc 9 giờ sáng mai (20.5), sau khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013 và những tháng đầu năm 2014; nghe Chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.


Dự kiến Quốc hội sẽ dành 21/28 ngày làm việc chính thức để xem xét, thông qua 11 dự án luật, 3 dự án nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 16 dự án luật khác.


Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Quốc hội cũng sẽ dành 2,5 ngày để xem xét kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tiến hành các phiên chất vấn.


Hải Phong ghi (Hải Phong ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem