Ngày Thầy thuốc 27/2: Những chuyến bay vận chuyển sinh mệnh

Bạch Dương Thứ hai, ngày 27/02/2023 16:25 PM (GMT+7)
Bất chấp mưa bão, áp thấp, bất chấp biển động sóng lớn, chỉ cần có lệnh, Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 lại nhanh chóng lên đường, chuyên chở những sinh mệnh vốn đang "thập tử nhất sinh" về đất liền an toàn, cứu chữa kịp thời.
Bình luận 0
Ngày Thầy thuốc 27/2: Những chuyến bay vận chuyển sinh mệnh - Ảnh 1.

Đón một bệnh nhân cấp cứu tại đảo Sơn Ca. Ảnh: BVCC

Vượt sóng vượt gió để cứu người

Được cứu thoát trong gang tấc nhờ có chuyến bay cấp cứu, anh Mai Xuân Bình (50 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình) vẫn nhớ như in ngày định mệnh 16/5/2022. Khi đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa, anh Bình đau bụng dữ dội kèm nôn ói. Trong khi cơn đau bụng không thuyên giảm, tình trạng khó thở lại xuất hiện khiến anh lơ mơ dần. Đến khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang ở Bệnh viện Quân y 175.

"Tôi nghe bác sĩ nói mình bị nhiễm khuẩn tiêu hóa, biến chứng tim mạch, suy đa tạng và được đưa về đất liền ngay trong đêm. Tôi đã hôn mê suốt 62 ngày trên giường bệnh, các bác sĩ đã làm tất cả để cứu tôi. Nhờ có các bác sĩ, tôi đã sinh ra được lần thứ 2", anh Bình xúc động.

Anh Bình là một trong số 100 ca được cấp cứu kịp thời bằng đường không của Bệnh viện Quân y 175.

Nhớ lại lần đầu tiên bước lên chuyến bay cấp cứu bằng trực thăng, Đại úy, bác sĩ Đinh Văn Hồng chia sẻ: "Tôi vô cùng lo lắng và hồi hộp bởi tính chất cấp cứu bằng trực thăng khác hoàn toàn với cấp cứu ở đất liền. Trực thăng chật hẹp, ồn và luôn chao đảo, việc trao đổi chuyên môn, thực hiện các thao tác cấp cứu rất khó khăn".

Không ít lần bác sĩ Hồng và Tổ cấp cứu đường không gặp phải các tình huống khó khăn trong quá trình bay cấp cứu đưa người bị nạn về bờ. Đó là những lúc thời tiết xấu, mưa to gió lớn, buộc phải bay thấp hay có những khi máy bay gặp sự cố trên đường đi. Cũng có khi, bệnh nhân đột ngột chuyển biến nặng khiến anh và đồng đội phải xoay vần liên tục trong suốt nhiều giờ bay.

Đặc biệt, trong một lần tiếp nhận một bệnh nhân bị ngã từ trên cao xuống, bị chấn thương sọ não,  do thiết bị ngoài đảo hạn chế nên không thể chụp, chiếu để kiểm tra hết các tổn thương của người bệnh, sau khi đặt nội khí quản, Tổ cấp cứu vận chuyển bệnh nhân về đất liền. Thế nhưng giữa đường, bệnh nhân bị ngừng tim, tràn dịch màng phổi.

Ngày Thầy thuốc 27/2: Những chuyến bay vận chuyển sinh mệnh - Ảnh 3.

Bệnh nhân được đưa lên trực thăng cấp cứu. Ảnh: BVCC

Trong không gian chật hẹp và trực thăng liên tục chao đảo do thời tiết xấu, ê-kíp cấp cứu 3 người đã phải liên tục thay nhau ép tim, dẫn lưu màng phổi không ngơi nghỉ. Nhờ những nỗ lực đó, bệnh nhân khi về đất liền vẫn giữ được sinh hiệu, được cấp cứu thành công, trở về với đời thường. Hoàn thành chuyến bay cấp cứu trong trạng thái rã rời nhưng bác sĩ Hồng rất vui bởi đã giúp bệnh nhân vượt qua cửa tử.

Còn đối với Thượng úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch, chuyến bay đáng nhớ nhất là khoảng một năm trước. Lúc 20h, anh nhận được lệnh lên đường bay cấp cứu. Khi tất cả đã sẵn sàng lên trực thăng, cả ê-kíp nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới gây mưa to gió lớn trên vùng biển đi qua. Cả ê-kíp phải hoãn chuyến bay, chờ đợi.

"Suốt đêm, chúng tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh, thầm cầu mong họ chờ được chúng tôi đón về", bác sĩ Bạch kể lại. Đến 7h hôm sau, khi thời tiết khá hơn, tổ bay lập tức lên đường dù hoàn lưu của áp thấp vẫn còn gây mưa lớn trên biển. 

Mưa lớn khiến máy bay phải bay thấp, tầm nhìn hạn chế, các nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cả tổ bay vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bởi họ biết ở ngoài đảo xa, người bệnh đang chờ, nếu họ không đến, tính mạng của người bệnh sẽ khó lòng đảm bảo.

Vận chuyển cấp cứu bệnh nhân ở đảo Sơn Ca

"Cướp" thời gian vàng cấp cứu

Đại tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, từ năm 2012 đã có những chuyến bay vận chuyển người bệnh từ Trường Sa về đất liền cấp cứu. Tuy nhiên, phải đến năm 2016, hoạt động bay cấp cứu đưa cán bộ, chiến sĩ, ngư dân đang làm việc tại Trường Sa và các vùng biển của Tổ quốc về đất liền mới được tổ chức một cách bài bản, chính quy. Từ đây, Bệnh viện Quân y 175 thành lập Tổ cấp cứu đường không với 12 thành viên gồm 8 bác sĩ và 4 điều dưỡng.

Đến nay, Tổ cấp cứu đường không đã thực hiện được gần 100 chuyến bay và 100% đều thực hiện cấp cứu thành công. Trong số các chuyến bay cấp cứu, có đến 65% là ngư dân đang lao động, sản xuất trên biển, chỉ có khoảng 35% là cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa.

"Bất cứ ai, dù là cán bộ, chiến sĩ hay người dân khi gặp nạn, có các sự cố về sức khỏe, nếu vượt quá khả năng chuyên môn đều được chúng tôi đưa về đất liền cứu chữa kịp thời", bác sĩ Ân cho biết.

Ngày Thầy thuốc 27/2: Những chuyến bay vận chuyển sinh mệnh - Ảnh 5.

Ê kíp cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC

Điều mà các thành viên của Tổ cấp cứu đường không tự hào đó là những chuyến bay của mình luôn kịp thời, đã "cướp" được thời gian vàng trong cửa sổ cấp cứu và điều trị. Đa số các bệnh nhân khi được lệnh chuyển về đất liền là những ca bệnh nặng. Vì thế, áp lực của người làm cấp cứu đường không là rất lớn, làm sao đưa bệnh nhân về đất liền trong thời gian sớm nhất nhưng cũng phải an toàn nhất.

Đặc biệt, kể từ khi Bệnh viện Quân y 175 đưa vào hoạt động sân bay trực thăng trong khuôn viên bệnh viện, thời gian vận chuyển người bệnh đã giảm đáng kể, tăng thêm cơ hội cứu sống bệnh nhân.

"Chứng kiến những nụ cười, giọt nước mắt đoàn viên của người bệnh và gia đình, chúng tôi cũng vui lây. Có lẽ đây là niềm vui, là phần thưởng xứng đáng cho những gì mà chúng tôi đã cố gắng", bác sĩ Tạ Văn Bạch chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem