Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại (28/9): Chủ động phòng chống, tiến tới loại trừ bệnh dại
Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại (28/9): Chủ động phòng chống, tiến tới loại trừ bệnh dại
Lan Anh
Thứ hai, ngày 28/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, so với cùng kỳ năm 2019, số ca tử vong do bệnh dại trong cả nước đang gia tăng. Cụ thể, cả nước đã ghi nhận 57 ca tử vong do bệnh dại tại 29 tỉnh, thành.
Đáng lo ngại, đã xuất hiện ca mắc bệnh dại ở những tỉnh mà trước đây không có trường hợp bệnh nhân nào. Thống kê trong năm 2019, cả nước có 77 trường hợp người tử vong do bệnh dại.
Mối nguy hiểm lớn
Với mục tiêu "không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030", cần tăng cường hơn nữa việc nâng cao hiểu biết cho người dân, chủ động và tiến tới loại trừ bệnh dại ở người và ở động vật.
Được xem là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh dại do virus dại thuộc họ Rahabdovirus gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh và được đánh giá là bệnh truyền nhiễm gây chết người đáng sợ nhất của loài người. Bệnh lây chủ yếu qua vết cắn hoặc vết xước (thường do chó, mèo gây ra). Bệnh dại đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào hạng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong.
Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo 3 - 4%; các động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 70 - 110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.
Theo WHO, bệnh dại đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hằng năm, thế giới có khoảng 50.000-70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại.
Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và hiện nay số tử vong do dại vẫn ghi nhận ở mức cao với khoảng 100 trường hợp/năm. Đây là mối nguy hiểm lớn cho con người và vật nuôi. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ tăng mạnh vào mùa nắng nóng. Chỉ riêng trong 10 năm gần đây, năm nào Việt Nam cũng ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại, năm thấp nhất là 30-40 trường hợp, năm cao nhất là gấp gần 10 lần. Năm 2018, tình hình bệnh dại ở nước ta đột ngột có diễn biến phức tạp, với số người tử vong do dại là 105, tăng 39% so với năm 2017.
Điều đáng nói là dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Trong đó, khu vực miền Bắc trở thành trọng điểm của bệnh dại trong vài ba năm trở lại đây. Như năm 2018 có 58 trường hợp; 8 tháng đầu năm 2019 có 30 trường hợp, trong đó Sơn La có 6 trường hợp, Lai Châu có 3 trường hợp...
Gia tăng khả năng tiếp cận vaccine
Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại 28/9, WHO và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác đa ngành hơn nữa nhằm gia tăng sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vaccine phòng dại cho người và động vật.
Về nguyên nhân của bệnh dại, theo nhận định của cơ quan y tế, chủ yếu là do đàn chó nuôi chưa được tiêm phòng vaccine dại triệt để, nhiều nơi tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp, có địa phương không tổ chức tiêm phòng; hiện tượng chó, mèo nuôi thả rông, không được quản lý còn phổ biến. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại, còn chủ quan, khi bị chó, mèo cắn không đến các cơ sở y tế để tư vấn, tiêm vaccine phòng bệnh dại dẫn đến bị tử vong.
Trước thực trạng trên, Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hướng tới trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó; tỷ lệ chó nuôi được tiêm phòng vaccine dại tại các xã, phường, thị trấn đạt trên 85%; trên 70% số tỉnh không có ca bệnh dại trên chó trong 2 năm liên tiếp; giảm 60% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại trên người; giảm 60% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011-2015.
Để thực hiện mục tiêu trên, chương trình cũng đưa ra các giải pháp như: Tổ chức quản lý chó nuôi theo hướng UBND cấp xã và cấp trưởng thôn, ấp, bản lập danh sách hộ nuôi chó và thống kê số lượng chó nuôi thực tế trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ cho công tác tiêm phòng vaccine dại triệt để trên đàn chó; tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.