Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII có sự tham gia của rất nhiều văn sĩ, nghệ sĩ như nhà thơ Anh Ngọc, Nguyễn Việt Chiến… và đặc biệt là sự tham dự của các nhà thơ từng đi qua chiến tranh, được thể hiện qua các vần thơ về biên cương, biển đảo, về tình yêu quê hương, đất nước, sự dũng cảm hy sinh quên mình của quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ năm 1979 - 1989.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII là ngày hội để tôn vinh thơ ca, tôn vinh thơ ca chính là tôn vinh đất nước, tôn vinh con người, tôn vinh văn hóa Việt Nam. Đây là dịp rất tốt để các nhà thơ trong nước và quốc tế giao hòa cởi mở và thân thiết với công chúng yêu thơ thuộc nhiều thế hệ.
“Với chủ đề “Sông núi trên vai”, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tâm huyết đến công chúng yêu thơ cả nước, đó là các nhà thơ đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, nhân dân lên trên hết. Tổ quốc và nhân dân là cảm hứng, niềm say đắm, thăng hoa và trách nhiệm của các nhà thơ Việt Nam. Đặc biệt Ngày thơ năm nay vui mừng đón nhận 190 nhà thơ, nhà văn, dịch giả nổi tiếng thế giới từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ là những sứ giả văn hóa, sứ giả hòa bình và khách quý đến dự các sự kiện. Chúng tôi đánh giá cao sự có mặt của các bạn và coi sự có mặt của các bạn là sự ủng hộ to lớn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết.
Còn nhà thơ Anh Ngọc thì thể hiện bằng bài thơ “Sông núi trên vai” trích trong Trường ca cùng tên ông sáng tác năm 1977: “…Những người đi cùng thế hệ với tôi/ Sông núi trên đôi vai bé nhỏ/ Tầm vóc họ lớn hơn lịch sử/ Tầm vóc họ lớn hơn chính họ/ Bài ca về những đôi vai...”
Nhà thơ Anh Ngọc đọc bài thơ của mình tại Ngày thơ Việt Nam 2019.
Điều gây xúc động và nhận được nhiều cảm xúc trong khai mạc Ngày thơ là phần đọc của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến về đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Bài thơ “Tổ quốc nơi biên thùy” được ông hoàn thành vào ngày giỗ trận Vị Xuyên 12.7.2016, trong chuyến công tác cùng Hội Nhà văn Việt Nam lên Hà Giang. “Mùa này biên giới hoa sim/ Tím quanh mộ chí im lìm các anh/ Bao người lính trận vô danh/ Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình…”.
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Bài thơ tôi đọc hôm nay cũng như những bài thơ trước đó về mảng đề tài biên giới, biển đảo Tổ quốc luôn khiến tôi thao thức, bồn chồn. Đất nước của chúng ta phải liên tục trải qua chiến tranh, trận mạc, chịu đựng nhiều nỗi đau thương. Những điều ấy vẫn còn ghi dấu nơi biên giới, rừng sâu, biển thẳm. Và qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc chúng ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, đã vĩnh viễn nằm dưới cỏ để gìn giữ non sông này, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau...”.
Trước đó, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết, Ngày thơ Việt Nam 2019 là sự kiện văn học “3 trong 1”, bao gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4; Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3; Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17.
Ngày 16.2, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4. Tại đây, các đại biểu hội thảo về sự phát triển chung của văn học thế giới và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Buổi chiều cùng ngày, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam tham dự cuộc giao lưu và đọc thơ với sinh viên Việt Nam theo chủ đề “Trên đôi cánh thơ ca”.
Tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ diễn ra đêm thơ quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thơ trong nước và quốc tế vào tối 18.2
Tại thành Xương Giang (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) vào ngày 19.2 sẽ khai mạc “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17” với sự tham gia của nhiều câu lạc bộ thơ và đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3 và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 sẽ được tổ chức vào tối 20.2 tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.