Nghệ An: Ở ngay thành phố Vinh sao dân ở đây vẫn vất vả trồng thứ "cỏ" tốt quá đầu người?

Mỹ Hà Thứ năm, ngày 18/06/2020 18:50 PM (GMT+7)
Dịp này bà con nông dân xã Hưng Hòa, TP.Vinh (Nghệ An) đang tiến hành thu hoạch gần 60 ha cói. Đây là thời điểm vào chính vụ thu hoạch cói với năng suất bình quân đạt 1 tấn/ha. Dệt chiếu bán 250.000 đến 350.000 đồng/chiếc. Mỗi mùa thu hoạch cói vất vả, bà con kiếm được vài chục triệu đồng...
Bình luận 0
Nghệ An: Trồng loại cây cao quá đầu người, tốn ít công chăm sóc , đút túi 20 triệu đồng mỗi mùa - Ảnh 1.

Xã Hưng Hoà (TP Vinh) có nghề dệt chiếu cói truyền thống từ bao đời nay. Hầu hết người dân trong xã đều biết dệt chiếu từ thuở lên chín, lên mười. Có nhiều gia đình bốn, năm đời gắn bó với nghề dệt chiếu.

Trao đổi với phóng viên báo DANVIET.VN, bà Trần Thị Hoa- một hộ nông dân ở xóm Phong Thuận, xã Hưng Hoà, Tp Vinh cho biết: " Dịp này bà con nông dân xã Hưng Hòa đang tiến hành thu hoạch gần 60 ha cói. Đây là thời điểm vào chính vụ thu hoạch cói với năng suất bình quân đạt 1 tấn/ha. Thời tiết xứ Nghệ có lúc nắng nóng tới 45 độ C, dân chúng tôi thu hoạch cói khá vất vả, cộng thêm gió Lào nữa nên bỏng rát lắm. Thế nhưng lại thuận lợi cho việc phơi cói"


Ông Nguyễn Xuân Tuấn- trú tại xóm Phong Hảo nói: " Nắng nóng gay gắt, mới 5 giờ sáng đã chói chang rồi, nên gia đình chúng tôi phải dậy từ sớm, cơm nắm cơm đùm cùng nhau đi cắt cói. Tranh thủ vài tiếng buổi sớm mai, tầm 8 giờ sáng là chúng tôi đã phải trở về nhà rồi. Nắng nóng tuy vất vả nhưng lại là thời tiết tốt cho việc phơi cói, nhanh khô, chất lượng rất tốt"

Nghệ An: Trồng loại cây cao quá đầu người, tốn ít công chăm sóc , đút túi 20 triệu đồng mỗi mùa - Ảnh 2.

Mỗi năm người trồng cói có 2 vụ thu hoạch là vụ chiêm và vụ mùa (gồm tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8 đến tháng 9 âm lịch). Cói sau khi thu hoạch thì được cắt bỏ phần gốc và phần ngọn rồi tiến hành chẻ thủ công trước khi đưa phơi.

Cói sau khi thu hoạch được bà con tiến hành chẻ thủ công tại ruộng trước khi đem phơi. Làng nghề chiếu cói của xã Hưng Hòa đã không còn được nhộn nhịp và đông đúc như trước, chỉ còn một số hộ ở xóm Phong Hảo và Phong Thuận còn gắn bó với nghề trồng cói dệt chiếu.

Tuy nhiên, với đặc thù là vùng đất ngập mặn, có điều kiện cho cây cói phát triển. Ngoài trồng cói để duy trì nghề dệt chiếu, cói Hưng Hòa chủ yếu được người dân thu hoạch để bán cho các thương lái ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa nhằm tăng thêm thu nhập.

 "Trồng cói và dệt chiếu là nghề truyền thống của gia đình tôi . Với 3ha diện tích trồng cói, mỗi năm gia đình thu hoạch được hơn 7 tấn. Cây cói đã phần nào giúp cải thiện cuộc sống, trở thành nguồn thu nhập chính đối với gia đình chúng tôi. Sau khi phơi khô, cói được các thương lái ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh thu mua với giá 6.500 đồn/kg", ông Chu Văn Hùng (56 tuổi, xóm Phong Hảo) cho biết

Nghệ An: Trồng loại cây cao quá đầu người, tốn ít công chăm sóc , đút túi 20 triệu đồng mỗi mùa - Ảnh 3.

Thời tiết tại tỉnh Nghệ An có lúc nắng nóng hơn 40 độ C, nên bà con nông dân trồng cói phải tranh thủ ra đồng thu hoạch từ sáng sớm. Thậm chí có những gia đình xuất phát từ 4h sáng, tranh thủ để tránh nắng.

Theo ông Trần Công Hợi (77 tuổi, ở xóm Phong Thuận 1), trước đây, mới đến đầu xóm đã thấy cói phơi đầy đường, đồng cói lúc nào cũng xanh ngút ngàn. Nay cói hiếm, người dân nơi đây phải mua nguyên liệu của Xuân Giang- Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Trong xóm giờ chỉ còn chục nhà bám nghề do không có đầu ra, thu nhập lại quá thấp. Và nghề này hiện chỉ còn phù hợp với người già, không thể canh đầm tôm hay ra đồng làm ruộng.

 Như hai ông bà nhà ông Hợi, làm liên tục trong 2 ngày cũng chỉ được 1 chiếc chiếu đậu đặt theo yêu cầu loại 1,6m, bán giá 250.000 đến 350.000 đồng/chiếc tuỳ theo loại. Mỗi chiếc chiếu hết khoảng khoảng 7kg cói, 24.000 đồng tiền đay (3 lạng đay). Trừ đi chi phí, thì tiền công mỗi người cũng được khoảng 50.000 đồng/ ngày. 

Chiếu cói Hưng Hoà được tạo nên từ những công đoạn khá công phu. Cói thu hoạch xong được chẻ ngay sau đó mới phơi khô, loại bỏ phụ phẩm, rồi đến khâu chọn cói, cói phải được phân loại cho thật đều, theo từng sợi to nhỏ, ngắn dài khác nhau thì khi dệt chiếu mới bền, đẹp.

 Hai người phụ trách một go dệt, răng go được làm bằng gốc tre đực già có căng sẵn nhưng sợi đay. Một người cầm cây văng chao những sợi cói qua go, người kia đập răng go cho những sợi cói ép khít vào nhau thật đều và chặt; tiếp đến công đoạn ghim viền, xén những sợi cói thừa...

Nghệ An: Trồng loại cây cao quá đầu người, tốn ít công chăm sóc , đút túi 20 triệu đồng mỗi mùa - Ảnh 4.

Mỗi chiếc chiếu cói hết khoảng khoảng 7kg cói, 24.000 đồng tiền đay (3 lạng đay). Trừ đi chi phí, thì tiền công mỗi người cũng được khoảng 50.000 đồng/ ngày. Dệt chiếu cói có thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống cho gia đình

Nói về sự đặc biệt của chiếu vùng này, ông Trần Công Hợi chia sẻ: "Chiếu ở các địa phương khác thường làm bằng cách giữ nguyên màu sắc của sợi cói, sau khi dệt xong tuỳ theo sở thích có thể in hình rồng phượng, hoa văn trang trí... Nhưng Hưng Hoà lại nhuộm cói trước, trong quá trình dệt, người thợ phải biết kết hợp hài hoà giữa màu sắc với hoa văn để tạo sự khác biệt. 


Để có hình ảnh sắc sảo, màu sắc lâu phai, trước tiên là chọn sợi cói nhuộm phẩm với đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Và để nhuộm màu chính xác phải nhúng từng chùm nhỏ, tuỳ theo độ đậm nhạt mà nhúng 3-4 lần. Cói nhuộm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá khô vì dễ giòn, gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc. 

Sợi cói  dài, không chắp nối sẽ cho ra những chiếc chiếu mịn đẹp, giá bán cao hơn. Tuỳ theo hình dáng hoa văn mà người dệt mắc cửi đơn hoặc kép cho phù hợp. Bàn tay người thợ phải khéo léo điều khiển sợi đay lúc nâng lên, lúc chìm xuống, cải hai cải ba... để cho ra các hình hoa văn thật ăn khớp nhau.

Nghệ An: Trồng loại cây cao quá đầu người, tốn ít công chăm sóc , đút túi 20 triệu đồng mỗi mùa - Ảnh 5.

Mặc dù làng nghề đang trên đà mai một, nhưng nhiều người thợ Hưng Hoà vẫn cố gắng bám trụ, lưu giữ nghề truyền thống

 

Mặc dù làng nghề trồng cói, dệt chiếu cói Hưng Hòa đang trên đà mai một, nhưng nhiều người thợ vẫn cố gắng bám trụ, lưu giữ nghề truyền thống. Có những hộ chỉ chuyên làm chiếu đẹp, thẩm mỹ cao như hộ ông Chu Văn Bé (xóm Phong Hảo), ông Trần Văn Hoa (xóm Khánh Hậu), anh Trần Văn Cháu (xóm Phong Khánh)... 

Nhờ có uy tín từ sản phẩm chiếu cói chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nhiều khách hàng đã tìm đến tận hộ gia đình để đặt hàng theo ý mình. Chẳng hạn như chiếu có chữ song hỷ, hoa ở bốn góc cho những cặp vợ chồng mới cưới; hay chiếu có chữ thọ màu sắc trang nhã, để trải tại các đình thờ, chùa chiền, dùng trong việc cúng lễ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem