Nghề công tác xã hội: Phát khóc vì bị mắng chửi, quyết vượt khó để gắn bó với nghề

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 06/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Nhờ tình yêu nghề và cả tình yêu thương đối với những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn, bao nhiêu năm qua, hàng chục nhân viên công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội vẫn gắn bó với nghề dù phải chịu nhiều vất vả, khó khăn...
Bình luận 0

Phát khóc vì bị mắng chửi

Tới thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội vào một ngày cuối tháng 10, phóng viên được trò chuyện với nhiều mảnh đời cơ nhỡ, cô đơn thiệt thòi trong cuộc sống. Hơn thế, đây còn là nơi làm việc của gần 70 con người, từ, các y bác sĩ tới các nhân viên chăm sóc nuôi dưỡng.

Đã có 20 năm gắn bó với nơi đây, bác sĩ Trần Thị Hải - Giám đốc trung tâm - cho biết: Do công việc đặc thù nên cán bộ, nhân viên tại trung tâm phải làm việc 24 tiếng liên tục. Thêm vào đó, các chế độ chính sách còn nhiều hạn chế. Lương cơ bản thấp, chế độ phụ cấp cho lao động chưa cao.

Quyết vượt khó để gắn bó với nghề - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Thị Hải thăm khám bệnh cho bà Nguyễn Thị Thảo. Ảnh: N.T

Hiện tại Trung tâm Bảo trợ số 3 Hà Nội nuôi dưỡng 146 đối tượng, trong đó có 90 cụ già, 56 trẻ em. Cụ ít tuổi nhất là 56 tuổi, cao tuổi nhất là 105 tuổi. Trẻ bé nhất là 2 tháng tuổi, nhiều tuổi nhất là 15 tuổi. 30% đối tượng phải phục vụ tại chỗ (chăm sóc đặc biệt); 30% đối tượng phục vụ được một phần; còn lại là các đối tượng được phục vụ 100%. Theo biên chế, trung tâm được giao 79 chỉ tiêu nhưng nay mới có 69 cán bộ công nhân viên.

"Nhiều nhân viên mới vào làm không chịu nổi áp lực, có người còn chạy lên phòng tôi khóc nức nở, nói không thể chịu được. Những lúc như vậy, tôi lại phải dành cả giờ đồng hồ chia sẻ, khuyên nhủ. Mặc dù đã nỗ lực níu chân họ nhưng cũng không ít người đã chuyển việc, bỏ việc" - bác sĩ Hải nhớ lại.

Chị Nguyễn Kim Anh, từng có hơn 15 năm làm nghề công tác xã hội tại trung tâm, hiện đang chăm sóc 12 em nhỏ. Chị Kim Anh kể, mỗi đứa trẻ vào đây là một số phận. Có trẻ mất cha, mất mẹ, có trẻ thì khuyết tật, có trẻ thì lại là nạn nhân của nạn buôn bán người....

"Có bé vào đây chưa đầy tuổi, bệnh nặng lắm. Thương con bơ vơ từ lúc còn nhỏ các mẹ dành hết tình yêu, thời gian chăm sóc, vậy nhưng không may một thời gian cháu mất. Các mẹ tại trung tâm rất đau đớn, xót xa thậm chí là bị trầm cảm một thời gian dài" - chị Kim Anh kể lại.

Chăm sóc các con lâu dần, chị thành quen, chị xem các con như là con đẻ của mình. Chị cho biết, ngày nào mà ốm nằm nhà là nhớ chúng lắm.

Không riêng gì những người làm công tác chăm sóc trực tiếp, ngay kể cả các bác sĩ làm việc tại trung tâm cũng đối diện với rất nhiều áp lực. Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết cho biết, lúc mới vào làm không ít lần đã phải ngậm ngùi, rớt nước mắt vì bị các cụ mắng, chửi mà không có lý do. "Sau rất nhiều lần cảm xúc dâng trào như vậy, mình dần học cách chấp nhận. Khi đã chấp nhận rồi thì lại thấy yêu công việc, thấy gắn bó với công việc và không muốn bỏ dù ngoài kia cũng có rất nhiều cơ hội việc làm tốt, có thu nhập cao, môi trường thoải mái hơn" - bác sĩ Tuyết tâm sự.

Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, bác sĩ Tuyết và nhiều người đã chọn lựa ở lại trung tâm làm việc. Đó là chọn lựa từ trái tim, bởi vì những nhân viên ấy từ lâu đã xem nơi đây là gia đình thứ 2 của họ.

Cần một cơ chế đặc thù

Bác sĩ Trần Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ số 3 Hà Nội cho biết, hiện tại trung tâm đang có 69 nhân viên nhận chăm sóc nuôi dưỡng cho gần 200 đối tượng, từ người già cho tới trẻ nhỏ. Bác sĩ Hải tâm sự, để giữ chân được những cán bộ giỏi, tâm huyết ở lại trung tâm là rất khó. Ngoài việc động viên, tạo môi trường làm việc thuận lợi thì trung tâm cũng không thể có thêm cơ chế đặc thù nào cho họ. Trải qua quá trình làm việc, nhiều người nảy sinh tình cảm gắn bó nên ở lại.

"Nhiều lúc nghĩ các cụ, các con đã quá thiệt thòi vì không có gia đình, không nhận được tình yêu thương của những người thương yêu máu mủ, thế nên mình lại càng phải yêu thương, chăm sóc họ nhiều hơn" - bác sĩ Hải tâm sự.

Ngay như bác sĩ Hải, ngoài công tác quản lý, chị vẫn tham gia công tác chuyên môn, tham gia hội chẩn, hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị cho các bệnh nhân. Lúc rỗi, bác sĩ Hải thường dạo quanh trung tâm, tâm sự, chia sẻ với các con và các cụ già. Chính bởi tình yêu, trách nhiệm công việc mà chị được nhiều người trong trung tâm thương, quý. Các cụ gọi chị là con gái, các bé gọi chị là mẹ hiền.

Trước những khó khăn, trung tâm kiến nghị Nhà nước nên tăng mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ. Hiện nay mức hỗ trợ tiền ăn uống, sinh hoạt và điều trị cho họ còn thấp (hơn 1 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, trung tâm cũng mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ cho cán bộ nhân viên làm công tác chăm sóc trực tiếp. Một kiến nghị nữa của trung tâm là về việc tổ chức thi viên chức cho cán bộ. Vì hiện nay có tới 35 nhân viên của trung tâm chưa được thi viên chức vẫn đang ký hợp đồng theo Nghị định 68.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem