Nghệ nhân giữ nghề “thổi hồn" vào những bức tranh trên phổ cổ Hà Nội

Nguyễn Vân Thứ hai, ngày 11/09/2023 13:28 PM (GMT+7)
Trải qua hơn 50 năm, đến nay ông Trần Văn Thịnh (Hà Nội) vẫn say sưa bên cây bút, những trang giấy để tạo ra những bức tranh đẹp hút hồn du khách, người yêu tranh.
Bình luận 0

Clip họa sĩ Trần Văn Thịnh thực hiện việc thổi hồn cho những bức tranh đã cũ. Thực hiện: Nguyễn Vân.

Họa sĩ thả hồn vào từng nét vẽ

Họa sĩ Trần Văn Thịnh (Hà Nội) vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống vẽ tranh truyền thần. Ngày bé ông được bố ông là cụ Cả Nghệ dạy cho từng nét vẽ, đến năm 15 tuổi ông Thịnh đã thành thạo vẽ tranh và theo nghề đến tận bây giờ.

Tranh truyền thần là một thể loại hội họa mà người họa sĩ truyền lại cái "thần" của người được vẽ, tức là truyền đạt được cảm xúc, thần thái thông qua bức tranh. Để vẽ lại một bức tranh đòi hỏi người họa sĩ phải có ý chí kiên trì, tỉ mỉ, tập trung cao độ, bức tranh sau khi hoàn thành không chỉ giống với ảnh được chụp mà còn phải truyền được thần thái, cảm xúc của con người đó.

Nghệ nhân giữ nghề “thổi hồn" vào tranh trên phổ cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Hoạ sĩ Trần Văn Thịnh hơn 50 năm miệt mài với nghề vẽ tranh trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Vân.

Nguyên liệu vẽ tranh cũng yêu cầu cao về độ chính xác, giấy dùng giấy của Pháp là loại giấy tốt, đều phải là loại giấy mịn, giấy đẹp, bột phải là bột đen hoặc muội khói dầu hỏa. Điểm đặc biệt trong vẽ tranh truyền thần là ở chiếc bút đây cũng là một phần yếu tố quan trọng để tạo lên những nét vẽ mềm mại. Bút sẽ được họa sĩ tự làm thủ công như dùng đũa tre vót nhọn rồi dùng miếng vải tự nhiên cuốn quanh đầu bút. 

Để có được một bức tranh hoàn thiện và vừa lòng khách người họa sĩ phải trải qua nhiều bước như vẽ phác họa, vẽ chi tiết... nhưng vẽ đôi mắt là bước quan trọng nhất bởi đôi mắt. Ông Thịnh chia sẻ: "Một bức tranh có hồn thì điều quan trọng nhất chính là đôi mắt, cái thần thái của mỗi người toát lên chính là nhờ đôi mắt, và đây cũng là nét đặc biệt của tranh truyền thần khác hẳn với những thể loại tranh nghệ thuật khác", ông Thịnh chia sẻ.

Ngày xưa thời chiến tranh có những người mẹ, người vợ ghé cửa hiệu ông Thịnh nhờ ông vẽ lại bức ảnh người chồng, người con đã khuất của mình. Có nhiều trường hợp do tác động của thời gian bức ảnh đã bị cũ, bị nát rất khó để hình dung lại khuôn mặt ấy vậy mà ông Thịnh vẫn vẽ lại một cách chân thật nhất.

"Ngày ấy họ đến của hiệu tôi để nhận tranh truyền thần, có người còn ngồi tại chỗ hàng giờ đồng hồ để khóc, họ xúc động như được gặp lại người thân của mình", ông Thịnh tâm sự thêm. 

Chứng kiến thực tế những câu chuyện cảm động này ông Thịnh luôn cố gắng rèn dũa tay nghề của mình để vẽ ra những bức tranh truyền thần đẹp nhất, thật nhất và có hồn nhất.

Nghệ nhân giữ nghề “thổi hồn" vào tranh trên phổ cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Bức ảnh chân dung cũ nát được họa sĩ vẽ lại một cách chân thật. Ảnh nhân vật cung cấp.

Khách đến với cửa hiệu ông Thịnh không chỉ có người Việt Nam mà còn cả người nước ngoài, đa phần họ là những khách du lịch, người sinh sống và học tập tại Việt Nam. Thời ấy, những chiếc máy ảnh hay điện thoại chưa được phổ biến nên họ ưa chuộng với tranh truyền thần, đa phần là người nước ngoài hoặc gia đình khá giả. 

Ngoài ra, khách hàng đến với của hiệu ông Thịnh cũng rất đa dạng có người tìm đến ông để yêu cầu vẽ trưng bày, trang trí hay làm kỉ niệm. Mỗi một bức tranh đều có độ khó, cách vẽ khác nhau, trung bình mỗi bức có giá giao động từ 900 nghìn đến hàng chục triệu đồng tùy vào nhu cầu của bức tranh.

Cố gắng lưu truyền để nghề không bị mai một

Nghề vẽ truyền thần ở Hà Nội xuất hiện vào những năm 80,90 của thế kỷ XX. Thời ấy trên những con phố như Hàng Đường, Hàng Ngang xuất hiện cũng khoảng 20 đến 30 người vẽ tranh truyền thần. Tuy nhiên theo thời gian, tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn ít người vẫn còn làm nghề vẽ truyền thần. Bởi hiện nay người ta ưa chuộng việc chụp ảnh bằng máy ảnh và điện thoại hơn, tuy nhiên ông Thịnh vẫn không hối tiếc khi đã theo đuổi nghề lâu như thế.

Nghệ nhân giữ nghề “thổi hồn" vào tranh trên phổ cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Mỗi bức tranh vẽ đều là tất cả tâm huyết của ông bỏ ra để thực hiện.

"Mỗi một thể loại nó có một nét đẹp, một đặc điểm riêng tùy vào sở thích mỗi người. Nhưng để lưu giữ lâu dài những cái nét đẹp, giá trị văn hóa thì tôi nghĩ tranh truyền thần vẫn có một cái giá trị riêng của nó", ông Thịnh vui vẻ nói.

Trong cuộc nói chuyện giữa tôi với ông Thịnh, ông đều say sưa kể cho tôi nghe về những thăm trầm nghề vẽ truyền thần. Ông nhiệt tình giới thiệu cho tôi về những bức tranh đen trắng treo kín ngôi nhà của mình dường như ông muốn nói cho thế hệ trẻ chúng tôi hiểu hơn về nghề vẽ này. Hiện tại ông Thịnh đang truyền dạy nghề vẽ cho cháu của ông với mong muốn cháu của mình sẽ lưu giữ nghề này lâu hơn nữa.

Khi được chúng tôi hỏi về việc ông làm nghề này đến bao giờ thì ông Thịnh chia sẻ: "Khi nào còn đủ sức khỏe thì tôi vẫn tiếp tục vẽ bởi ngọn lửa yêu nghề trong tim tôi vẫn luôn bùng cháy".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem