Nghệ nhân, thợ giỏi đề xuất 'cởi trói' vấn đề đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển làng nghề

Bình Minh Thứ năm, ngày 09/11/2023 15:20 PM (GMT+7)
Các nghệ nhân, thợ giỏi mong muốn có cơ chế, chính sách để "cởi trói" vấn đề đất đai, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, có nhiều chương trình khuyến khích đối tượng thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động, từ đó góp phần duy trì và phát triển làng nghề.
Bình luận 0

Ngày 9/11, tại Hà Nội, nằm trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Tọa đàm với các nghệ nhân, thợ giỏi lĩnh vực ngành nghề, làng nghề nông thôn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì buổi gặp gỡ, tọa đàm với 100 nghệ nhân, thợ giỏi đến từ 42 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước đã công nhận hơn 2.000 làng nghề và nghề truyền thống. Hiện nay, quy mô ngành nghề nông thôn có doanh thu trên 202 nghìn tỷ đồng, tổng số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh 808.000 cơ sở (trong đó, 13.021 doanh nghiệp, 5.582 HTX, 5.594 tổ hợp tác và 783.474 hộ sản xuất).

Nghệ nhân, thợ giỏi đề xuất "cởi trói" vấn đề đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển làng nghề - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam gặp gỡ 100 nghệ nhân, thợ giỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bình Minh

Ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD.

Có khoảng 208 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận và 54 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Doanh thu của các làng nghề đã được công nhận trên 75.000 tỷ đồng. 

"Làng nghề không chỉ là không gian kết tinh và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày càng nhiều làng nghề đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Thịnh khẳng định, đồng thời cho biết buổi gặp mặt, tọa đàm hôm nay, nghệ nhân nhiều tuổi nhất 83 tuổi và trẻ nhất 18 tuổi. 

Nghệ nhân, thợ giỏi đề xuất "cởi trói" vấn đề đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển làng nghề - Ảnh 2.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Bình Minh.

Chia sẻ tại tọa đàm, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, đến từ làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) mong muốn cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách cho các nghệ nhân, đồng thời tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách. Ngoài ra, ông cũng đề xuất có chính sách hỗ trợ một số ngành nghề, làng nghề bị mai một thời gian qua.

"Nghệ nhân như chúng tôi luôn mong muốn được sống bằng nghề của cha ông để lại. Hy vọng Bộ NNPTNT sẽ có nhiều chương trình khuyến khích đối tượng thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động của các làng nghề, đồng thời có phương án tổ chức nhân cấy nghề cho các vùng chưa có nghề", ông Tĩnh nói.

Sở hữu sản phẩm đạt OCOP 5 sao, đó là lụa tơ sen, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề mở rộng vùng nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm, bởi vậy bà đề xuất Chính phủ, Bộ NNPTNT cùng các bộ ngành có những chính sách để tháo gỡ khó khăn, "cởi trói" trong thuê đất, từ đó mở rộng vùng nguyên liệu.

Tại tọa đàm, nghệ nhân nặn tò hè Đặng Văn Hậu, đến từ thôn Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) nêu thực tế các sản phẩm của các nghệ nhân gần như chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ dẫn đến bị "ăn cắp" thương hiệu, làm giả, nhái sản phẩm. Bởi vậy, nghệ nhân cho rằng, sản phẩm của các nghệ nhân, thợ giỏi cần phải được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Ông Lê Nam Trung, nghệ nhân sản xuất ngọc trai đạt chứng nhận OCOP 5 sao tại TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết, không phải quốc gia nào cũng có tiềm năng sản xuất sản phẩm này. Theo ông Trung, chỉ một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Phú Quốc... là có quỹ đất và tiềm năng để sản xuất sản phẩm có giá trị kinh tế cao này.

Theo ông Trung, sản xuất ngọc trai cần quy trình tương đối đặc thù, cần sự chia sẻ, kết nối thông tin từ nhiều phía, ông cho rằng bên cạnh sản xuất, các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ NNPTNT có phương án hướng dẫn, thông tin nhanh chóng, kịp thời các yếu tố thị trường. "Đây là yếu tố cốt lõi để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhất là ở thị trường quốc tế", ông bày tỏ.

Nghệ nhân, thợ giỏi đề xuất "cởi trói" vấn đề đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển làng nghề - Ảnh 3.

Nghề truyền thống nặn tò he ở Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Bình Minh

Gặp gỡ 100 nghệ nhân, thợ giỏi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: 100 nghệ nhân, thợ giỏi là những con người tài hoa, 100 "bông hoa" đại diện cho tinh hoa, tạo ra giá trị nơi mảnh đất, quê hương xứ sở, tất cả giá trị đó sẽ lan tỏa tại Festival lần này.

"Hai chữ nghệ nhân rất đẹp, nghệ là nghề, nhân là người, 100 bông hoa hôm nay đều rạng rỡ và luôn đau đáu về làng nghề mà ông cha đã để lại", ông Hoan nói và cho rằng mỗi nghề đều cao quý, tinh hoa và có những giá trị riêng biệt.

Bộ trưởng cho rằng, những sản phẩm từ làng nghề vừa là văn hóa vật thể và phi vật thể, có hồn, cốt. Khi chăm sóc cho cái "hồn" thì giá trị càng cao, khi một sản phẩm làng nghề phát triển không chỉ vì kinh tế mà còn là trách nhiệm của quê hương và chúng ta phải có nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn, phát triển để truyền lại cho thế hệ tương lai. 

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn 100 nghệ nhân, thợ giỏi cũng như hàng nghìn người đang hoạt động trong các làng nghề nhận thức rõ "mỗi khi bán một sản phẩm làng nghề, người nghệ nhân đang bán đi một câu chuyện, một giá trị truyền thống sâu sắc".

"Việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển làng nghề không chỉ làm cho làng quê sống động hơn mà còn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là nguồn sinh kế của người dân khu vực nông thôn. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các làng nghề. Đồng thời Bộ NNPTNT sẽ kết nối, hỗ trợ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề truyền thống thông qua các doanh nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.



 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem