Nghệ nhân tiết lộ kỹ thuật "se chỉ dệt bạc" ở trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô

Kim Duyên Thứ sáu, ngày 26/08/2022 07:46 AM (GMT+7)
Kỹ thuật của nghề đậu bạc ở Định Công (Hà Nội) đặc biệt hơn các nghề kim hoàn khác. Người thợ phải kéo sợi bạc thành những sợi chỉ mỏng, rồi dùng những sợi chỉ bạc "dệt" thành sản phẩm.
Bình luận 0

Nghề đậu bạc Định Công. Thực hiện: Kim Duyên.

Nghệ nhân Quách Văn Trường, người đã gắn bó với nghề đậu bạc cả cuộc đời, ông cũng là người có công khôi phục lại nghề đậu bạc truyền thống tại Định Công sau hàng thập kỉ bị bỏ quên. 

Trò chuyện cùng ông, chúng tôi như được trải nghiệm buổi học đầu tiên để có thể trở thành người thợ đậu bạc. Ông tỉ mỉ chỉ cho chúng tôi từng bước, từng kĩ thuật đậu bạc. 

Nghề "se chỉ dệt bạc"

Nghề kim hoàn nói chung có 4 kỹ thuật chính là: trơn (làm nhẵn bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn); đấu (lắp ráp các chi tiết); chạm (khắc hình vẽ, hoa văn trên sản phẩm) và đậu (ghép nhiều chi tiết nhỏ thành sản phẩm). Trong đó, kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết phải hài hòa, cân xứng.

Để có được một sản phẩm đậu bạc, trước tiên, người thợ kim hoàn phải nấu chảy bạc nguyên liệu thành các thanh, khi đổ thanh phải đều, trơn và không bị vón cục để khi cán không bị "dớp" (gãy, vỡ vụn). Sau đó đưa vào máy cán phải đảm bảo phẳng, mịn, không đứt đoạn, quá trình cán phải được "nướng" thường xuyên cho mềm.

Nghệ nhân tiết lộ kỹ thuật "se chỉ dệt bạc" ở trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô - Ảnh 3.

Bản kéo chỉ của người thợ đậu bạc. Ảnh: Kim Duyên.

Xong công đoạn cán là rút chỉ, tùy vào từng mẫu mã mà người thợ có thể rút các sợi "chỉ" có kích thước khác nhau, loại chỉ mảnh nhất có thể kéo đạt kích thước 0,26mm. Hai sợi chỉ như thế se lại với nhau để thành sợi chỉ se bạc. Những bộ phận tinh xảo đặc trưng của sản phẩm đậu chính xác đến từng chi tiết nhỏ được thực hiện từ những sợi bạc.

Sau đó được liên kết lại bằng những vảy hàn và hàn the với những bí quyết pha chế riêng của từng dòng họ tạo nên nghề đậu bạc gia truyền. 

Có những sản phẩm người thợ phải mất tới hàng tháng trời để hoàn thành. Người thợ đậu có tay nghề cao là khi tất cả các hoa văn đính trên sản phẩm phải đều nhau, không được lộ ra những mối hàn.

Với những kinh nghiệm của mình, ông Trường khẳng định: "Nghề đậu bạc biểu trưng cho sự tinh xảo của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, hoàn toàn làm thủ công và không thể thay thế bằng máy móc. 

Ngoài đôi bàn tay khéo léo, người thợ đậu bạc phải có con mắt thẩm mỹ cao và sự kiên nhẫn mới có thể làm được một tác phẩm hoàn hảo".

Nghệ nhân tiết lộ kỹ thuật "se chỉ dệt bạc" ở trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô - Ảnh 4.

Khó khăn nhất đối với thế hệ trẻ khi học nghề là sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Ảnh: Kim Duyên.

Tận mắt nhìn các sản phẩm đậu bạc, mới cảm nhận được sự khéo léo, tinh tế của người thợ qua từng nét uốn mềm mại, tinh xảo. 

"Bén rễ" với nghề đậu bạc đã hơn nửa thế kỷ, nghệ nhân Quách Văn Hiểu, tâm sự: "Người làm nghề đậu bạc cũng như một người thợ dệt thổ cẩm. Sản phẩm đậu bạc như những tấm vải the, cả hai mặt đều mảnh mai, nhẹ nhàng như nhau, từ các sợi chỉ nhỏ li ti gắn kết với nhau bởi những vảy hàn dệt nên sản phẩm đậu bạc tinh xảo".

Học nghề vì thích sự tinh tế…

"Giữ lửa" nghề, mở rộng xưởng sản xuất đậu bạc, giới thiệu nghề đến cho nhiều người biết đến hướng tới mục tiêu khôi phục lại nghề đậu bạc Định Công nức tiếng" là mong muốn của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh. "Nhưng để tìm được một người yêu nghề, muốn gắn bó với nghề rất khó", anh Tuấn Anh tâm sự.

Nghệ nhân tiết lộ kỹ thuật "se chỉ dệt bạc" ở trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô - Ảnh 5.

Bạn Đỗ Ngọc Tuấn chọn gắn bó với nghề đậu bạc vì yêu những chi tiết tỉ mỉ của sản phẩm. Ảnh: Kim Duyên.

Với những yêu cầu kĩ thuật cao của người thợ đậu bạc, không phải ai cũng sẵn sàng "chôn chân" một chỗ để tỉ mỉ se từng sợi bạc nhỏ. Đặc biệt với thế hệ trẻ, đó dường như là điều không tưởng. Thế nhưng, vẫn có những bạn trẻ vì yêu thích sự tinh tế, tỉ mỉ của nghề đậu bạc đã tìm đến xưởng kim hoàn Định Công của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh xin theo học.

Sinh ra tại một vùng quê có truyền thống chạm bạc tại Thái Bình, nhưng chàng thanh niên Đỗ Ngọc Tuấn (24 tuổi) lại chọn theo học nghề đậu bạc Định Công, Tuấn chia sẻ: "Mình đã theo nghề 5 năm. Theo nghề đậu bạc vì mình thấy đây là truyền thống đang bị mai một. Sản phẩm của nghề đậu bạc tinh tế từng chi tiết nhỏ và mình cũng thích sự tinh tế đố. Sau một thời gian, càng làm mình càng thấy yêu và muốn gắn bó với nghề".

Nghệ nhân tiết lộ kỹ thuật "se chỉ dệt bạc" ở trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất Thủ đô - Ảnh 6.

Sản phẩm đậu bạc của những người thợ trẻ tại xưởng sản xuất của anh Quách Phan Tuấn Anh. Ảnh: Kim Duyên.

Tại xưởng kim hoàn Định Công của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, không chỉ có Tuấn, còn rất nhiều các bạn trẻ cũng có tình yêu đặc biệt dành cho nghề đậu bạc. 

15 tuổi, Nguyễn Kiều Nhi Anh chọn theo học nghề đậu bạc để trải nghiệm với nghề truyền thống, Nhi Anh tâm sự: "3 tháng trước, đã đến để học nghề nhưng đã bỏ dở vì các sản phẩm yêu cầu sự tỉ cao. Mình đã khóc vì học mãi không xong 1 kĩ thuật. Chọn quay lại học vì mình cảm thấy vẫn còn yêu thích nghề và phần vì gia đình được ủng hộ".

Hiện tại, chưa nhiều bạn trẻ biết, yêu thích và muốn gắn bó với nghề đậu bạc truyền thống. Nhưng với những người như Tuấn và Nhi Anh, có lẽ sẽ là tín hiệu vui cho mong muốn mở rộng, phát triển nghề đậu bạc Định Công của những người nghệ nhân đậu bạc họ Quách.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem