Là một xã ven sông Lam, có điều kiện đất đai thuận lợi, nên người dân Đặng Sơn đã gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa từ lâu đời. Tuy nhiên, thời gian qua do việc tiêu thụ tơ tằm không mấy dễ dàng, nên người dân ở đây đã chuyển sang nuôi tằm thực phẩm làm thức ăn hàng ngày và chế biến thực phẩm chức năng…
Là 1 xã ven sông Lam, người dân Đặng Sơn từ lâu đã gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm
Hiện ở Đặng Sơn nuôi 2 loại tằm: loại tằm trắng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nuôi để ươm kén, lấy tơ và loại tằm vàng thuần Việt xuất xứ ở Thái Bình, nuôi để làm thực phẩm. Nay người dân nuôi tằm vàng là chủ yếu.
Ưu điểm của nuôi tằm thực phẩm là thời gian nuôi ngắn, không qua giai đoạn chờ tằm lên kén, từ lúc ươm trứng cho đến lúc tằm ‘chín”, thu hoạch được khoảng 20 ngày. Trước khi bán tằm chín khoảng 1 tuần, các hộ dân thường mua trứng về ươm lứa mới, nên ngay khi bán xong đã có một lứa tằm ăn 5, ăn 6, duy trì được việc nuôi tằm thường xuyên trong nhà.
Các hộ dân ở đây thường dành gian nhà ngoài để nuôi tằm thực phẩm. Trong ảnh: bà Hoàng Thị Lý ở xóm 3 đang chăm tằm sắp “chín” tại nhà
Nuôi tằm cần vốn ít, chỉ cần sắm sửa một số nống tre, dành một phần đất phù sa ở bãi sông để trồng dâu là có thể nuôi tằm được. Mỗi hộp trứng tằm mua về ươm giống hiện nay có giá khoảng 70 nghìn đồng. Tuy việc nhẹ, nhưng người nuôi tằm phải siêng, cứ 3 tiếng đồng hồ phải cho tằm ăn 1 lần. Ngoài ra còn phải cẩn thận trong việc giữ vệ sinh nơi nuôi thả, tránh khí độc…
Thời gian nuôi tằm thực phẩm ngắn, gia đình có nhân lực có thể nuôi được 3 lứa/tháng, trung bình mỗi lứa xuất khoảng 40 - 50 kg.
Xã Đặng Sơn hiện có 5/7 xóm tham gia nuôi tằm, (mỗi xóm có khoảng vài chục hộ), trong đó xóm 3, làng Xuân Như là xóm nuôi tằm nhiều nhất xã với hơn 50 hộ. Tại xóm 3, có 5 hộ gia đình bao tiêu sản phẩm, vừa bán trứng, ươm, nuôi, vừa thu mua kén và tằm thực phẩm cho các hộ dân trong xóm. Bà Hoàng Thị Lý (45 tuổi) - người có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tằm cho biết: “Gia đình tôi nuôi tằm đã lâu, so với các loại cây, con khác, nuôi tằm dễ, “mau ăn”, vốn ít mà lãi nhanh”.
Tằm thực phẩm ở Đặng Sơn được bán khắp đường quê.
Thời gian nuôi tằm thực phẩm ngắn, gia đình có nhân lực có thể nuôi được 3 lứa/tháng, trung bình mỗi lứa xuất khoảng 40 – 50 kg. Tằm thực phẩm được các thương lái đến thu mua tận nhà, giá bán sỉ hiện thời là 50 – 55 nghìn đồng/kg, nếu tằm chín không trúng lứa thì giá có thể lên 70 nghìn đồng/kg. So với việc nuôi tằm bán kén – tơ (100 nghìn đồng/kg) thì nuôi tằm thực phẩm có lợi hơn nhiều. Việc trồng dâu, nuôi tằm thực phẩm đã góp phần tận dụng được đất đai, tạo việc làm, đem lại nguồn thu nhập cho mỗi hộ từ 3 – 6 triệu đồng/tháng. Những ngày tằm chín, về Đô Lương, tằm thực phẩm được bán khắp các đường quê, là một món ăn bổ, rẻ, ngon, sạch, được nhiều người ưa chuộng.
Ông Bùi Đức Vinh, Chủ tịch hội nông dân xã Đặng Sơn chia sẻ: “Nuôi tằm là nghề truyền thống ở địa phương. Trong những năm qua, nuôi tằm thực phẩm đang là công việc đem lại thu nhập nhanh, khá cho người dân ở đây. Nếu giải quyết tốt được vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm, thì công việc nuôi tằm của bà con ở Đặng Sơn sẽ phát triển mạnh và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều”
Huy Thư (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.