Lo đầu vào, đầu ra cho người nuôi tằm

Lan Dương Thứ hai, ngày 04/08/2014 06:29 AM (GMT+7)
Giờ đây, các hộ trồng dâu nuôi tằm ở làng nghề của xã Thiệu Đô, Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã yên tâm sản xuất nhờ thực hiện tiểu dự án SPJ (Hỗ trợ hoàn thiện quy trình trồng dâu và nuôi tằm) do Hội ND xã phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam triển khai từ đầu năm 2014.
Bình luận 0

Xã Thiệu Đô có 165 hộ thuộc 4 xóm 7, 8, 9, 10 của làng Hồng Đô tham gia tiểu dự án SPJ, với diện tích 15ha trồng dâu.

Hỗ trợ ND vốn, giống

Ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Đô cho biết: “Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi kinh tế HTX phát triển, việc tổ chức sản xuất có quy củ nên nghề trồng dâu, nuôi tằm rất thịnh. Từ khi HTX hoạt động kém hiệu quả, nghề cũng dần bị thu hẹp. Mặt khác, do bị các sản phẩm dệt may khác cạnh tranh, nên sản phẩm không có nơi tiêu thụ”.

Đứng trước nguy cơ làng nghề dần bị mai một, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng dự án “Khôi phục và phát triển làng nghề giai đoạn 2010-2016”, gồm 3 tiểu dự án: Tiểu dự án cạnh tranh trong nông nghiệp (hoàn thiện cơ chế sản xuất trong nông nghiệp, giai đoạn 2010-2012); tiểu dự án Thương mại xanh (hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng, giai đoạn 2012-2013) và tiểu dự án SPJ (giai đoạn 2014-2016).

Ông Hùng thông tin: “Sở dĩ Thiệu Đô được chọn là đơn vị thực hiện dự án vì xã có quy trình sản xuất khép kín từ ươm tơ, trồng dâu cho đến công đoạn dệt nhiễu”. Các hộ tham gia tiểu dự án sẽ được hỗ trợ theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2014), hỗ trợ các hộ 50 triệu đồng mua hạt dâu giống; giai đoạn 2 (năm 2015) hỗ trợ 200 hộp giống tằm; giai đoạn 3 (năm 2016) hỗ trợ 15 máy móc phục vụ việc dệt nhiễu. Các hộ hoàn toàn yên tâm về đầu ra vì đã có Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhận bao tiêu sản phẩm.

Đã có lúc tính bỏ nghề



Ông Nguyễn Hữu Hùng
   
Theo lộ trình, đến năm 2016, xã Thiệu Đô sẽ hoàn thiện quy hoạch làng nghề sản xuất tập trung trên diện tích 2,2ha. Phấn đấu sau khi khôi phục làng nghề, sẽ có 250 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm. 

 
Chúng tôi gặp ông Hoàng Viết Nở (xóm 10) khi ông và con trai đang bận rộn thu hoạch dâu để kịp cho tằm ăn vào buổi chiều. Ông Nở phấn khởi tâm sự: “15 năm trồng dâu, nuôi tằm, có những lúc tôi đã tính đến chuyện bỏ nghề. Nay, tôi hoàn toàn yên tâm sản xuất”. Từ đầu năm đến nay, ông Nở đã nhận được hỗ trợ là 0,3kg hạt dâu để trồng trên diện tích 6 sào. Ông còn được tham gia vào các lớp tập huấn trồng dâu nuôi tằm do Hội ND xã tổ chức.

“Nuôi tằm tuy vất vả, phải đảm bảo giờ ăn cho tằm. Thậm chí có những lúc đang ngủ cũng phải dậy cho tằm ăn. Nhưng lợi nhuận thu về tương đối cao. Trung bình 20 ngày tôi thu một lứa tằm, trừ chi phí thì lãi 4 triệu đồng/lứa. Một năm thu 20 lứa, tôi bỏ túi 80 -100 triệu đồng”- ông Nở nhẩm tính.

Điều làm ông Nở vui hơn nữa là sản phẩm dâu, tơ tằm của ông không còn lo ế vì đã có Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhận bao tiêu. Ngoài ông Nở, còn rất nhiều hộ được hưởng lợi từ tiểu dự án SPJ như ông Hoàng Viết Hà xóm 9, ông Nguyễn Văn Thanh xóm 8...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem