Nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Vẫn "nóng" chuyện quy hoạch, hài hòa với môi trường

Nhóm P.V Thứ năm, ngày 21/04/2022 11:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua, nhiều địa phương đã bắt tay triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh ngành nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển.
Bình luận 0

Tuy nhiên, một số nơi đã có những chủ trương, kế hoạch sử dụng đất, diện tích mặt nước vào những mục đích khác, gây tác động tới chủ trương phát triển NTTS của Trung ương.

Để góp phần giúp bạn đọc và bà con nông dân có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, sáng 20/4, Báo NTNN/Dân Việt đã tổ chức tọa đàm "Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cơ hội và thách thức".

Giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng thuỷ sản bền vững

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nước ta có bờ biển dài và có rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển NTTS, chính vì thế Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển NTTS trên biển (Quyết định số 1664), trong đó đặt ra mục tiêu khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực ven biển và phát triển nuôi xa bờ. Mong muốn nghề nuôi biển sẽ đóng góp từ 1,8 - 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.

Để triển khai Quyết định số 1664, Bộ NNPTNT và các địa phương, đặc biệt là 4 tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang đã tổ chức lại NTTS ven bờ phù hợp với môi trường, điều kiện sinh thái, đặc biệt là chuyển đổi nghề biển theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng.

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cần quy hoạch cụ thể, hài hòa với  môi trường - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tọa đàm sáng 20/4. Ảnh: Viết Niệm

Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1664/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển NTTS ven biển đến năm 2030 (Đề án nuôi biển). Theo đó, sẽ đầu tư phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản, trong đó lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa.

Tuy nhiên, nghề nuôi biển đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, sự bấp bênh của thị trường. 

Theo ông Trần Đình Luân, về lĩnh vực sản xuất giống, trước đây chúng ta phụ thuộc nhiều vào nguồn giống tự nhiên thì đến nay một số giống nhuyễn thể, đặc biệt như ngao đã cơ bản chủ động được nguồn giống. Tuy nhiên, việc tuân theo quy trình, kỹ thuật, hướng dẫn nuôi vẫn rất kém.

"Bà con nông dân thường cứ nhân mật độ ra sản lượng mà quên mất khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Nhất là môi trường, việc tuân thủ theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật nuôi chưa chặt chẽ. Nuôi biển có rất nhiều đối tượng, mỗi loài có quy trình nuôi khác nhau, đơn cử như nuôi tảo không sử dụng thức ăn, nhưng hàu, tu hài, hay cá lại cần có quy trình công nghệ nuôi, bà con cần nắm rõ điều này" - ông Luân nói.

Theo ông Luân, hiện nay đất nuôi ngao, hàu đang rất "nóng". Một mặt chúng ta phát triển nhiều trang trại lớn, nhưng mặt khác, lại gây ô nhiễm môi trường vì bà con nuôi mật độ dày, hay xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, chúng tôi sẽ rà soát lại và giao mặt nước theo Luật Thủy sản, cấp mã số cho bà con. Chúng tôi mong muốn mở rộng trang trại nuôi biển xa bờ, với sự tham gia của những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn như các nước đang làm.

"Có một thực tế là nhiều cán bộ rất ngại va chạm với bà con. Năm nay bà con làm ăn được, nếu ngăn cản bà con mở rộng diện tích, nhỡ năm sau mất cơ hội làm giàu thì bà con lại đổ lỗi cho cán bộ. Người dân phải hiểu rằng, cơ quan chức năng khuyến cáo thì cũng chỉ mong muốn bà con sản xuất ổn định, thị trường sẽ có lúc giá tăng, lúc giá giảm. 

Tôi mới làm việc ở Sông Cầu (Phú Yên) mấy ngày trước, đây nổi tiếng là nơi nuôi tôm hùm rất tốt. Nhưng bà con vẫn làm cảm tính lắm. Nếu năm nay tôm hùm bán giá cao, tích luỹ được đồng nào bà con lại mở rộng lồng nuôi chừng đó. Đến nỗi có thời điểm mặt nước ở khu vực này không còn chỗ trống, hệ quả là tôm chết vì dịch bệnh, môi trường bị ô nhiễm" - ông Luân kể.

Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cần quy hoạch cụ thể, hài hòa với  môi trường - Ảnh 3.

Mô hình nuôi tôm hùm của ngư dân Khánh Hòa. Ảnh: C.T

Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cần quy hoạch cụ thể, hài hòa với  môi trường - Ảnh 4.

Một số mục tiêu của đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển.

Đánh giá về thực trạng quy hoạch NTTS của các địa phương hiện nay, ông Trần Thế Anh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN bày tỏ: Thời gian vừa qua, chúng tôi đã cộng tác với nhiều bà con ở Hải Phòng, Nam Định trong việc tư vấn nuôi ngao, nuôi cá. Thực thế cho thấy, trong quy hoạch NTTS đang tồn tại nhiều vướng mắc.

Cụ thể, chúng ta đã có đề án phát triển nghề biển đến năm 2030. Nhưng năm 2021 lại đặt ra vấn đề tăng cường phát triển công nghiệp, dẫn đến nhiều nơi điều chỉnh quy hoạch phát triển NTTS, tạo điều kiện cho ngành nghề khác sử dụng quỹ đất liên quan nuôi thủy sản. Việc này dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, người nông dân bị mất sinh kế.

"Câu hỏi là chúng ta đặt ra vấn đề quy hoạch NTTS, nhưng lại không giao quyền sử dụng cho dân, hoặc không công nhận quyền sở hữu mặt nước, đặc biệt là những bà con nuôi cá có sử dụng đất nhưng hợp đồng rất ngắn hạn, chỉ 1 năm, vậy có đúng với chủ trương hay không? Trung ương có kế hoạch phát triển bền vững, còn địa phương lại chỉ giao ngắn hạn, vậy có hợp lí không?" - ông Thế Anh nêu vấn đề tại Tọa đàm.

Là người đại diện cho các hộ nuôi ngao ở Hải Phòng, ông Vũ Trí Tuân - Hội trưởng Hội Nuôi ngao Kiến Thụy cho biết, hiện Hải Phòng có 2 vùng nuôi ngao lớn là Cát Hải và Đồ Sơn. Người dân tham gia nuôi nhuyễn thể từ năm 2009, được các cơ quan chức năng hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuận nên thời gian đầu làm ăn thuận lợi. 

Tuy nhiên từ 2014 đến nay, UBND TP.Hải Phòng không lấy ý kiến của bà con mà tự ý cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Từ đó các vùng nuôi ngao của chúng tôi xảy ra tình trạng chết hàng loạt.

"Khi ngao chết, các cấp chính quyền lại cho rằng ngao chết do thời tiết bất thường, không liên quan đến tình trạng xả thải từ các tàu nạo hút cát khiến bà con rất bức xúc. Chúng tôi gửi đơn đi khắp nơi từ địa phương đến Trung ương nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng, việc nạo hút cát vẫn diễn ra triền miên" - ông Tuân nêu thực trạng.

Nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Vẫn "nóng" chuyện quy hoạch, hài hòa với môi trường - Ảnh 6.

Sinh ra từ vùng quê ven biển thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), từ bé anh Nguyễn Văn Sơn đã quen với việc làm đầm, bãi của gia đình, khi thì làm muối, khi thì nuôi tôm sú, cá bống bớp. Đặc biệt, từ khi chuyển sang nuôi cá bống bớp, mỗi năm anh Sơn thu lãi hàng tỷ đồng. Ảnh: Đức Thịnh

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cũng nhận định: Hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường tại vùng NTTS để phục vụ sản xuất cũng đã được chú trọng, tuy nhiên nguồn kinh phí thực hiện chương trình không nhiều nên mẫu kiểm tra được ngành chức năng thực hiện còn ít. Các chỉ tiêu mới dừng lại ở các thông số thông thường, chưa đánh giá được tổng thể các yếu tố trong môi trường nước, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất.

"Mạng lưới quan trắc môi trường còn thiếu cơ chế hợp tác rõ ràng giữa các bên tham gia trong việc lập kế hoạch, tổ chức quan trắc, xử lý số liệu và chia sẻ thông tin... Hiện, Tổng cục Thuỷ sản có 1 website cập nhật thông tin về quan trắc môi trường, bà con có thể tham khảo. Nuôi thủy sản ven biển, đặc biệt nuôi nhuyễn thể chịu ảnh hưởng của môi trường bên ngoài rất nhiều. Các cơ sở nuôi nếu không có điều kiện giám sát liên tục sẽ bị thiệt hại rất lớn khi yếu tố môi trường thay đổi" - ông Tuấn thông tin.

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Trần Đình Luân cho biết: Năm 2022, Bộ NNPTNT kì vọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 9 tỷ USD. Nếu chúng ta tranh thủ cơ hội về thị trường tốt hơn nữa thì con số đó có thể tự tin đạt được.

Việc khai thác tiềm năng, lợi thế ven biển của nước ta rất quan trọng, nhưng song hành là khó khăn, thách thức, đặc biệt là vùng biển nước ta có rất nhiều bão tố, môi trường, rồi những nguyên nhân khách quan khác. Muốn phát triển bền vững phải ngồi lại với nhau bàn thảo, công khai thông tin minh bạch.

"Chúng ta khai thác tiềm năng lợi thế để đóng góp đời sống cộng đồng bà con ngư dân ven biển, đóng góp cho đất nước, làm sao có tiếng nói chung, đồng thuận giữa bà con với chính quyền địa phương, đạt được sự đồng thuận khi Chính phủ phê duyệt đề án phát triển NTTS nước ta" - ông Luân kỳ vọng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem