Nghề phụ, thu nhập chính

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 22/12/2015 07:15 AM (GMT+7)
Nhờ được học nghề dệt thổ cẩm mà nhiều bà con dân tộc Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) đã thoát cảnh nghèo đói. Mô hình này đang được nhân rộng ra toàn tỉnh nhằm giúp người dân chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang làm du lịch, dịch vụ.
Bình luận 0

Vừa học nghề dệt vừa làm du lịch

Lao động Nguyễn Thị Huyền (xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) tâm sự: “Từ ngày biết dệt, chị được Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Chiềng Châu nhận làm việc. Giờ đây chị không phải đi nương, lên rừng kiếm củi mà một tháng vẫn có 3 -3,5 triệu đồng. Tuy là nghề phụ, làm lúc rảnh rỗi nhưng thu nhập từ dệt cao gấp 2-3 lần so với làm nông”.

Chị Huyền là 1 trong 25 học sinh khóa đầu được được Hội Nông dân, Trung tâm Dạy nghề, Hội Phụ nữ, Phòng LĐTBXH huyện tư vấn đào tạo nghề dệt, may thổ cẩm. Sau học, cả 25 học sinh này được HTX Dệt thổ cẩm Chiềng Châu (Mai Châu) nhận vào thực tập, sau đó tiếp nhận làm chính thức.

Ông Mạc Văn Phang - Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Chiềng Châu cho biết: “Có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều hội viên đăng ký tham gia HTX, đưa vốn điều lệ của đơn vị lên gần 2 tỷ đồng. Từ đó, cơ sở vật chất của HTX ngày càng được mở rộng, nhiều học viên ở các xã đến liên hệ học việc, hợp tác làm bao tiêu sản phẩm”.

Hiện, sản phẩm thổ cẩm của HTX được khách nước ngoài rất ưa chuộng, không khí sản xuất tại đây nhộn nhịp chẳng khác nào một làng nghề. “Sản xuất thổ cẩm phù hợp với phát triển du lịch cộng đồng, do vậy HTX đang tìm đối tác ký bao tiêu sản phẩm vào các dịp triển lãm, hội chợ thương mại... nhằm tạo việc làm cho người lao động” – ông Phang nói.

img

Phụ nữ nông thôn được học nghề dệt, may thổ cẩm tại HTX Chiềng Châu (Mai Châu).  Ảnh:      Minh Nguyệt 

Trong thời gian tới, ngoài phát triển nghề dệt thổ cẩm, HTX sẽ kết hợp mở các chuyến du lịch trọn gói, tới tận nơi tham quan quy trình dệt thổ cẩm của bà con để du khách lưu lại lâu hơn, bán được nhiều sản phẩm hơn.

Học nghề - đổi đời

    Theo thống kê, trong 5 năm tỉnh Hòa Bình đã tổ chức được 627 lớp dạy nghề sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho gần 18.000 lao động nông thôn. Trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là hơn 14.000 người, còn lại gần 4.000 người được đào tạo thông qua nguồn kinh phí địa phương và các nguồn khác.  

Ông Phạm Văn Thanh – Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình cho hay: “Mặc dù là nghề phụ nhưng gần đây các nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm tại HTX Vọng Ngàn (Tân Lạc), HTX Thổ cẩm du lịch Chiềng Châu (Mai Châu) được nhiều phụ nữ nông thôn theo học, do các nghề này giúp chị em tận dụng hiệu quả thời gian nông nhàn, có thu nhập khá”.

Theo đó, lao động được đào tạo theo hình thức vừa học, vừa làm ngay tại HTX, tại gia đình. Điều này giúp lao động có thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/tháng mà vẫn có thể tranh thủ làm việc đồng áng, quán xuyến việc nhà.

“Mỗi năm các huyện đào tạo được từ 150-200 lao động nông thôn làm những nghề truyền thống. Nhiều lao động, chỉ sau 2 năm vừa học vừa làm đã trở thành những tay thợ lành nghề có thu nhập ổn định và có khả năng truyền nghề cho lao động khác” – ông Thanh nói.

Báo cáo từ Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình cho thấy, trong 5 năm (2010-2015) tỉnh đã tư vấn và đào tạo nghề cho hơn 19.000 lượt lao động. Ngoài đào tạo các nghề truyền thống, Hòa Bình cũng chú trọng đào tạo các nghề khác để chuyển đổi lao động nông nghiệp sang phục vụ cho ngành công nghiệp, dịch vụ. Sau đào tạo học viên đã được các doanh nghiệp, công ty tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem