Nghề rèn truyền thống Phúc Sen: Đối mặt “3 khó”

Thứ ba, ngày 14/06/2011 01:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mẫu mã chậm cải tiến, chất lượng sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định đang là ba khó khăn của những người làm nghề rèn xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng.
Bình luận 0

Dù mặt trời đã gần đứng bóng, nhưng các thôn xóm của xã Phúc Sen vẫn chan chát tiếng búa, tiếng máy mài.

Mua xe máy, ti vi nhờ nghề truyền thống

img

Nghề rèn đã giúp gia đình anh Lương Văn Học, thôn Lũng Vài thoát nghèo.

Nghề rèn truyền thống ở Phúc Sen từ lâu đã nổi tiếng cả nước. Ông Hoàng Văn Hình, 78 tuổi, thôn Lũng Vài cho biết: "Nghề rèn ở đây đã có từ xa xưa, không ai còn nhớ rõ nữa. Khi chúng tôi cất tiếng khóc chào đời đã nghe thấy tiếng búa, tiếng đe và lớn lên cùng với những âm thanh quen thuộc đó. Mấy năm gần đây, nghề phát triển nhanh hơn, đồng bào Nùng chúng tôi đã cải thiện đời sống từ nghề rèn".

Theo ông Lương Văn Lượng - Bí thư Đảng uỷ xã, Phúc Sen có 420 hộ thì gần 160 hộ làm nghề rèn (trung bình mỗi hộ có 1 lò), tập trung chủ yếu ở 6 xóm. Cùng với nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát, nghề rèn là thế mạnh trong phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở đây.

Anh Lương Văn Đại, 44 tuổi, thôn Lũng Vài, một người đã gắn bó với nghề rèn gần 30 năm nhẩm tính, mỗi lao động lành nghề trung bình một ngày làm được từ 4-5 con dao, bán buôn cho thương lái tại nhà từ 45-55 nghìn đồng/con, nếu mang ra chợ phiên bán lẻ có thể lên tới 70 nghìn đồng/con. Trừ chi phí sắt, than, điện, mỗi ngày thu nhập cũng khoảng 100 nghìn đồng/lao động.

"Với đồng bào dân tộc, đây là mức thu nhập cao. Chúng tôi sống chết với nghề rèn bởi nghề rèn giúp chúng tôi thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nhiều gia đình sắm sửa được xe máy, ti vi, nuôi con cái học hành tử tế…" - anh Đại tâm sự.

Chưa yên tâm làm nghề

img Nghề rèn truyền thống góp phần giảm nghèo đáng kể cho địa phương. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở Phúc Sen là hơn 22% thì đến nay chỉ còn hơn 13% theo tiêu chí mới. img

Xã Phúc Sen nằm ngay cạnh Quốc lộ 3 từ thị xã Cao Bằng đi Tà Lùng nên việc bán sản phẩm cho các thương lái khá thuận lợi. Sản phẩm rèn ở Phúc Sen không chỉ bán cho người dân trong vùng, mà còn toả đi Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và một số tỉnh thành phía Nam. Hai năm trở lại đây, nhiều lô hàng được thương lái mua xuất sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều mà nhiều nghệ nhân nghề rèn ở đây trăn trở là dù nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng nhiều và cao nhưng mẫu mã các sản phẩm ít được cải tiến.

"Chúng tôi chỉ làm những nông cụ giản đơn như liềm, quắm hay dao. Còn những sản phẩm khách hàng yêu cầu cao hơn về mẫu mã, chất lượng thì rất khó. Vẫn biết nếu không cải tiến được mẫu mã, chất lượng thì thu nhập sẽ giảm, thậm chí người dân không còn mặn mà với nghề nữa. Nhưng, cả xã Phúc Sen này chưa có ai tiên phong cả. Ngay tôi đã 19 năm làm nghề cũng chỉ quanh quẩn với mấy cái liềm thôi" - anh Lương Văn Học, một trong những "bàn tay vàng" của xã Phúc Sen ngậm ngùi.

Không chỉ vướng việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng thị trường tiêu thụ không ổn định cũng đang là nỗi trăn trở lớn của người làm nghề. Thông thường, đến mùa phát nương, làm rẫy (từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau), lượng hàng tiêu thụ tăng đột biến. Nhiều gia đình không đủ hàng để bán. Nhưng đến mùa hè, lượng tiêu thụ giảm nhanh, người làm nghề chỉ làm cầm chừng theo kiểu "ăn đong".

"Hiện nay, phần lớn sản phẩm rèn là bán lẻ, thị trường lại phân tán. Nói là đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa tìm kiếm được thị trường ổn định, bà con chưa yên tâm làm nghề" - ông Lương Văn Lượng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem