PV đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Trung Hiếu về thực trạng sân khấu và quan điểm của anh về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ.
Gần 20 năm đứng trên sân khấu và đã là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, khán giả thấy anh phải bươn chải khá nhiều, lúc đóng phim truyền hình, khi đóng phim nhựa, tham gia các chương trình hài tết... Liệu có phải vì sân khấu kịch hiện nay quá thiếu vắng khán giả, đời sống của anh cũng khó khăn?
NSƯT Trung Hiếu (giữa) trong vở “Bỉ vỏ” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Ảnh: M.S
-Thực trạng sân khấu thiếu vắng khán giả đã diễn ra một thời gian khá dài bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo tôi một nguyên nhân chính là nhiều sân khấu kịch phía Bắc quá chú trọng đến chức năng giáo dục mà quên rằng, các vở diễn ngoài giáo dục còn phải có tính giải trí. Người dân đã có nhiều kênh thông tin, giải trí và đến rạp xem những phim bom tấn của nước ngoài, các kênh truyền hình luôn phát sóng nhiều phim. Vì thế, để kéo khán giả đến rạp sẽ rất khó. Trong tình hình đó, nếu sân khấu chỉ có những vở diễn khiên cưỡng, giáo điều và khô khan thì tự mình làm mất sự hấp dẫn.
Mặc dù gần mười năm trở lại đây, Trung Hiếu thấy sân khấu cũng đã bắt đầu quan tâm đến tính giải trí nhiều hơn, nhưng không thể phủ nhận sân khấu vẫn là thánh đường mang những giá trị thiêng liêng, giá trị nhân văn. Không thể vì chạy theo tính giải trí mà lại thiên lệch về một phía. Là nghệ sĩ của sân khấu, ai chẳng mong sân khấu liên tục sáng đèn, nhưng một khi điều đó chưa đạt được, thì anh em nghệ sĩ phải làm cả những việc khác là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, tôi thấy mình may mắn vì vẫn được hoạt động với nghề.
Trong khi sân khấu kịch phía Bắc vẫn loay hoay tìm khán giả thì sân khấu phía Nam hết sức năng động. Họ đưa những vở kịch ma, cảnh nóng... lên sân khấu rất dễ dàng. Anh nghĩ sao?
-Mọi thể loại như kịch ma, kinh dị hay những cảnh gợi cảm chúng ta đều có thể đưa lên sân khấu được, đó là muôn mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, theo tôi không được đi quá xa những chuẩn mực của nghệ thuật để câu khách dễ dãi. Mỗi một tác phẩm nếu có cảnh nóng, kinh dị nhưng vẫn nói lên được giá trị thẩm mỹ, “nhân văn”, ca ngợi cuộc sống con người thì chẳng có lý do nào chúng ta phản đối.
Ở đây, chúng ta cần phải hiểu nghĩa, nhân văn là như thế nào? Nhân văn là vẻ đẹp của con người. Sân khấu thế giới cũng đã có nhiều thể loại như kịch kinh dị, kịch ma… hoặc những tác phẩm có những “cảnh nóng”, gợi cảm, nói lên khát khao của con người đối với tình yêu trai gái nhưng mọi điều đó phải đạt được tính nghệ thuật, không hướng người xem vào sự thô tục.
Vậy anh có cần phải cân nhắc kỹ mỗi khi nhận lời tham gia một kịch bản nào đó không?
" Ngoài vai trò là diễn viên tôi còn tham gia làm quản lý, nên tôi luôn nghĩ trong mình phải có ngọn lửa thúc đẩy cho thế hệ trẻ đang tiếp bước và mình phải làm điểm tựa cho các bạn trẻ có niềm tin trong sự nghiệp của họ”.
NSƯT Trung Hiếu
|
-Bản thân là một diễn viên, Trung Hiếu luôn quan niệm là sẽ làm những điều mình thích và đam mê. Khi đọc kịch bản thấy thích, nhân vật mình đóng thấy hay thì sẽ sắp xếp thời gian để tham gia.
Tuy nhiên, thú thực hiện nay để tìm được một kịch bản hay rất khó. Mỗi năm, có nhiều kịch bản của nhiều tác giả gửi về Nhà hát Kịch Hà Nội nhưng để tìm được một kịch bản hay để dàn dựng không hề dễ. Nhiều khi không đợi tác phẩm gửi đến mà chúng tôi còn phải đi tìm tác giả và đưa ra ý tưởng để cùng nhau viết kịch bản.
Anh là một trong những nghệ sĩ trẻ có tên trong danh sách nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần này. Ở tuổi 43, chặng đường trước mắt còn rất dài, vậy theo anh đây có phải là “đỉnh cao” trong sự nghiệp của mình rồi không?
-Theo tôi, với những gì đã đạt được trong thời gian qua không phải chuyện “một sớm, một chiều” mà có được. Tất cả được là nhờ một quá trình lao động, sáng tạo rèn luyện dài lâu đối với không chỉ với tôi mà tất cả các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, những gì mình đạt được cũng là do khán giả yêu mến, ghi nhận. Những ghi nhận từ khán giả mới chính là phần thưởng lớn nhất dành cho mỗi người nghệ sĩ. Còn với việc được phong tặng NSƯT hay có thể là NSND thì đó là vinh dự lớn lao, nhưng không vì thế mà mình sẽ dừng lại, trái lại, còn phải có trách nhiệm nhiều hơn với sự nghiệp của mình.
Trong công việc, đã gọi là đam mê nghề nghiệp thì sẽ không có đỉnh cao, bởi nếu thỏa mãn được đam mê thì không còn gọi là đam mê, lúc nào tôi cũng cảm thấy luôn thiếu, chưa đủ và phải tiếp tục nhiều hơn.
Chắc anh cũng biết, dư luận vừa qua đã xôn xao với việc nhiều nghệ sĩ trượt danh hiệu NSND, NSƯT vì thiếu huy chương tại các liên hoan, cuộc thi quy mô toàn quốc. Theo anh cần phải thay đổi điều gì để các nghệ sĩ đỡ thiệt thòi?
-Trước đây, 5 năm mới có một kỳ hội diễn và mỗi nhà hát hay một đoàn chỉ được phép tham gia với một vở diễn. Chưa kể, trong 5 năm đó không phải nghệ sĩ nào cũng có cơ hội đảm nhiệm những vai chính. Hiện nay, thời gian đã được rút ngắn 3 năm một kỳ và số lượng vở diễn được tăng lên, có thể hai hoặc ba vở diễn được tham gia. Tuy nhiên theo tôi, nên thường xuyên tổ chức nhiều hội diễn, cuộc thi bởi đó là cơ hội tốt cho mọi diễn viên được tham gia thi thố, giao lưu và rèn luyện. Điều này cũng giúp các nghệ sĩ có những danh hiệu NSƯT hay NSND được thuận lợi hơn. Nhiều nghệ sĩ lão làng chỉ vì thiếu huy chương mà trượt danh hiệu thì thiệt thòi cho họ quá.
Xin cảm ơn anh!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.