Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nói về bộ phim cuối cùng chưa thể ra rạp

Thứ ba, ngày 16/07/2024 20:45 PM (GMT+7)
Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể thời mới vào nghề, ông có nguyện vọng làm việc ở xưởng phim tài liệu nhưng không được vì thiếu bằng cấp. Là tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam, ông vẫn khiêm tốn nhận mình là "đạo diễn tự học" hay "người kể chuyện bằng phim".
Bình luận 0

Không thể xin vào hãng phim tài liệu

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vừa nhận giải Thành tựu điện ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng (DANAFF) 2024. Chương trình phim chọn lọc của ông cũng là điểm nhấn trong liên hoan phim, gồm 7 bộ phim nổi tiếng Bao giờ cho đến tháng 10, Cô gái trên sông, Đừng đốt, Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Thương nhớ đồng quê, Hoa nhài .

Vừa trở về từ DANAFF 2024, chiều 15/7, đạo diễn 86 tuổi tham gia tọa đàm về nghệ thuật kể chuyện trong điện ảnh, tổ chức tại Hà Nội. Dịp này, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ nhiều kỷ niệm về thời mới vào nghề. Qua những tác phẩm nổi tiếng, ông khẳng định quan niệm bất biến trong phương pháp làm phim.

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nói về bộ phim cuối cùng chưa thể ra rạp- Ảnh 1.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (thứ hai từ phải sang) tham gia buổi giao lưu về điện ảnh tại Hà Nội.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh khẳng định mỗi bộ phim của ông kể một câu chuyện khác nhau, song điểm chung là những chuyện xảy ra ở Việt Nam, gắn với bối cảnh xã hội trong những giai đoạn nhất định.

"Chuyện trong phim của tôi chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam, không thể tìm thấy ở nơi khác. Thông qua nhiều bộ phim, khán giả có thể tìm hiểu bối cảnh xã hội đất nước. Đó cũng là hạn chế trong phim của tôi. Chỉ những người muốn tìm hiểu về xã hội, con người, văn hóa Việt Nam mới quan tâm đến những tác phẩm đó", đạo diễn Đặng Nhật Minh nói. Ông thừa nhận phim của mình khó đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế, trong một gia đình trí thức. Ông trưởng thành và lập nghiệp tại Hà Nội. Tên tuổi ông gắn với những bộ phim nổi danh của điện ảnh Việt như Thị xã trong tầm tay , Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi ,...

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nói về bộ phim cuối cùng chưa thể ra rạp- Ảnh 2.

NSND Đặng Nhật Minh đến với điện ảnh muộn, không được đào tạo chuyên nghiệp.

Là tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam, ông vẫn khiêm tốn nhận mình là "đạo diễn tự học" hay "người kể chuyện bằng phim". Ông nhớ lại đam mê lớn nhất là làm phim tài liệu. Tuy nhiên, khi mới vào nghề, đạo diễn chưa có điều kiện làm việc ở xưởng phim tài liệu vì thiếu bằng cấp về điện ảnh.

"Tôi nhảy sang Hãng phim truyện Việt Nam và được chấp nhận với điều kiện làm phó đạo diễn. Sau phim Bao giờ cho đến tháng 10 , tôi nhận học bổng điện ảnh, được sang Pháp thực tập 9 tháng, rồi tiếp 6 tháng ở Bulgaria. Thú thực đến giờ cũng không biết mình chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ nền điện ảnh cụ thể nào", đạo diễn Đặng Nhật Minh nói vui.

Nhớ lại lời nhận xét của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường , đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm đắc coi đó là câu giới thiệu bản thân ngắn gọn: "Tôi chỉ nhận mình là người kể chuyện về đất nước mình bằng phim".

Giải thưởng đầu tiên về điện ảnh mà ông được nhận năm 1999, với nhận định giải thưởng vinh danh là đạo diễn đưa "những tình cảm của người Việt Nam cũng như châu Á đến với thế giới".

NSND Đặng Nhật Minh kể năm 1985, phim Bao giờ cho đến tháng 10 chiếu lần đầu ở Hawaii (Mỹ). Nhiều người đến xem ban đầu với mục đích xấu, nhằm gây rối. Nhưng đến cuối phim, hầu hết khán giả khóc, rời rạp trong xúc động.

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nói về bộ phim cuối cùng chưa thể ra rạp- Ảnh 4.
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nói về bộ phim cuối cùng chưa thể ra rạp- Ảnh 5.

Cảnh trong phim Bao giờ cho đến tháng 10.

"Lần đầu tôi hiểu nghệ thuật, cụ thể là điện ảnh có thể hóa giải mâu thuẫn lớn. Điện ảnh phải kể về thân phận người. Nếu kể được chân thực sẽ lay động trái tim của bất cứ ai", đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm niệm.

Ông nhắc lại câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu, lấy đó là khuynh hướng sáng tác chủ đạo: "Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại".

Bộ phim cuối cùng chưa được ra rạp

Phim Hoa nhài được NSND Đặng Nhật Minh chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn cùng tên của ông. Đây là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp, được ông hoàn thành ở tuổi 84. Trong sự kiện giao lưu chiều 15/7, đạo diễn bật mí nhiều chuyện hậu trường.

Hoa nhài khắc họa cuộc sống của người dân Hà Nội ở thời điểm bắt đầu quen thuộc với kinh tế thị trường. Bộ phim mang phong cách dung dị, không tập trung vào những yếu tố kịch tính mà đi sâu vào mối quan hệ giữa các nhân vật.

Đạo diễn kể những câu chuyện xuất phát từ con phố Lò Đúc nơi ông sinh sống. "Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ khi làm phim phải tìm ra những chuyện hấp dẫn, ly kỳ. Nhưng sau này Hoa nhài không đi theo hướng đó. Phim kể chuyện ngay khu phố, ra cửa là thấy. Những nhân vật là thợ cắt tóc, em bé đánh giày, người dân bình thường ở Hà Nội", đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nói về bộ phim cuối cùng chưa thể ra rạp- Ảnh 6.
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nói về bộ phim cuối cùng chưa thể ra rạp- Ảnh 7.

Phim Hoa nhài hoàn thành năm 2022, khi đạo diễn ngoài 80 tuổi.

Ông đúc kết ngôn ngữ phim càng đơn giản, gần với đời sống càng có giá trị. "Trước kia tôi nghĩ làm phim phải có xung đột. Nhưng làm phim Hoa nhài , chỗ nào kịch tính tôi lại dìm xuống. Xung đột phải xuất phát từ bên trong, không nhất thiết phải cao trào, thắt nút, mở nút", đạo diễn nói.

NSND Đặng Nhật Minh cũng đùa rằng có lẽ vì thiếu kịch tính nên Hoa nhài vẫn chưa được công chiếu rộng rãi ở rạp. Tuy nhiên, đạo diễn 86 tuổi hài lòng vì làm được một bộ phim theo ý muốn.

Hoa nhài quay trong vòng hai năm, hoàn thành năm 2022. Tác phẩm vừa bình yên vừa dữ dội, tái hiện những lát cắt đời sống. Đó là chuyện cậu bé đánh giày lăn lộn kiếm tiền từ rất sớm, người phụ nữ nông thôn lên thành phố làm nghề giúp việc, đôi vợ chồng già mưu sinh bằng quán trà đá lề đường...

Theo Thu An (tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem