Nghệ sĩ Nhân dân là "bà tổ" cải lương, từng tát nữ NSƯT vì đưa một phần cơ thể ra trước sân khấu
Nghệ sĩ Nhân dân là "bà tổ" cải lương, từng tát nữ NSƯT vì đưa một phần cơ thể ra trước sân khấu
Thủy Vũ
Chủ nhật, ngày 01/12/2024 06:43 AM (GMT+7)
Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há được mệnh danh là "bà tổ" của cải lương Việt Nam. Bà không chỉ có công đóng góp cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này mà còn ghi dấu trong nhiều công trình ý nghĩa.
Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há từ nhiều thập kỷ qua luôn được xem là tượng đài của cải lương. Bà có tài năng đặc biệt và theo nghề hát rất sớm.
NSND Phùng Há (sinh 30/4/1911) có cuộc đời gắn bó với bộ môn nghệ thuật cải lương và để lại dấu ấn ở nhiều vai diễn khác nhau cũng như đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc. Một trong những ấn tượng sâu đậm của nữ nghệ sĩ trong lòng người hâm mộ là điệu hát của vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình.
Năm 13 tuổi, nghệ sĩ Phùng Há đã phải đi làm công trong một lò gạch để kiếm tiền. Tuy nhiên, giọng ca thiên phú của bà khi đó lọt vào tai ông bầu Hai Cu của gánh hát Nam Đồng Ban cũ và đó là bước ngoặt cuộc đời bà để đi theo con đường nghệ thuật.
Năm 1924, ông bầu Hai Cu thành lập gánh hát Tái Đồng Ban và mời bà tham gia với vai trò đào chính để đóng cặp với kép chính Năm Châu. Ông cũng là người gợi ý bà sử dụng cái tên Phùng Há làm nghệ danh.
Thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh, nghệ sĩ Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi (tức là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung) là những người thầy đầu tiên của bà trong cuộc đời nghệ thuật.
Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà đó là vai Giả Thị trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Sau đó là các vở Thôi Tử thí Tề Quân, Mổ tim Tỷ Can, Anh hùng náo Tam Môn Nhai của soạn giả Nguyễn Châu Thành; Khúc oan vô lượng; Tội của ai của soạn giả Tư Chơi. Thời gian này, bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu và rất được công chúng rất yêu thích.
Bà không chỉ là nghệ sĩ với giọng hát xuất sắc, diễn xuất tinh tế, mà bà còn có công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhiều người đạt danh hiệu cao quý. Với những đóng góp cho nghệ thuật, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Trong một chương trình về nghệ thuật cải lương, học trò của NSND Phùng Há là NSƯT Phương Hồng Thủy kể từng bị "bà tổ" cải lương tát ngay ở buổi tập: “Ngày xưa tôi đi học ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là trường Sân khấu - Điện ảnh), được cô bảy Phùng Há dạy. Lúc đó, tôi mới 15, 16 tuổi, mặt bầu bĩnh, tròn xoe, hai má toàn thịt phúng phính.
Có lần diễn tập để chuẩn bị đi thi, tôi lên bục diễn mà cứ đưa cái má phúng phính ra trước. Cô Phùng Há thấy thế liền lên lấy tay tát bộp vào mặt tôi và bảo: Con lên diễn mà cứ đưa cái gò má ra thì người ta đâu có nhìn thấy con diễn cái gì. Khi diễn phải đưa 2/3 khuôn mặt về phía trước cho người ta còn thấy mình diễn ra sao.
Đó là cái tát tay đầu tiên cô Phùng Há dạy tôi. Sau đó, cô kêu tôi về nhà cô dạy riêng. Thanh Thanh Tâm thì kêu cô Phùng Há là bà nội nên cô thương Thanh Thanh Tâm lắm!
Cô Phùng Há dạy rất kỹ, mỗi khi dạy là ngồi nghiêm nghị nhìn chúng tôi diễn, ngồi rất thẳng, ngay ngắn, có thần thái. Tôi được học nhiều từ cô bảy Phùng Há và cô hai Kim Cúc. Đó là may mắn của tôi vì được học cả hai nghệ sĩ gạo cội này" - NSƯT Phương Hồng Thủy nói.
Nghệ sĩ Nhân dân để lại nhiều công trình ý nghĩa
Trong suốt 99 năm cuộc đời, NSND Phùng Há cống hiến phần lớn thời gian cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ngoài ra, bà còn sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP HCM và chùa Nghệ sĩ ở quận Gò Vấp để chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn.
Bà cũng chu đáo lập nên cả nghĩa trang Nghệ sĩ cũng ở quận Gò Vấp làm nơi an táng các nghệ sĩ khi qua đời.
NSND Phùng Há được nhiều khán giả, bạn bè và người dân yêu mến bởi những đóng góp to lớn trong nghệ thuật và tấm lòng cao đẹp của bà trong đời sống.
Khi tuổi đã cao, nữ nghệ sĩ vẫn thường tham gia các hoạt động từ thiện, tặng quà cho bà con nghèo. Sự ra đi của NSND Phùng Há để lại nhiều thương tiếc cho người thân, khán giả, đồng nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.