Nghệ sĩ nông dân chống ma túy

Thứ tư, ngày 28/07/2010 10:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không ai ngờ bà Chủ nhiệm Đặng Thị Hồng Nhân vào vai bà mẹ 3 lần đưa con đi cai nghiện đạt đến thế. Bà con tới xem kịch cũng rơi nước mắt. Vở kịch ấy chính tay bà Nhân viết kịch bản, dàn dựng và thủ vai chính… để tuyên truyền phòng chống ma túy.
Bình luận 0
img
Vợ chồng bà Đặng Thị Hồng Nhân.

Nhiều người dân xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ, Hưng Yên) còn nhớ vở kịch Có một người mẹ như thế của bà Nhân. Câu chuyện về một bà mẹ ba lần đưa con đi cai nghiện không thành, bà Nhân đóng vai người mẹ thương con với tất cả tình thương và lòng can đảm.

Và bà đã khóc nức nở trên sân khấu khi thể hiện sự kiên cường của người mẹ, sau bao đau khổ vẫn không khoan nhượng: “Gắng lên con. Mẹ sẽ cứu con đến cùng” khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.

Không để ma tuý hoành hành

Diễn xong, có người hỏi: “Con cô nghiện thật hay sao mà cô khóc gớm thế?”, bà bảo: “Con tôi rất ngoan, cháu là niềm hy vọng lớn nhất của tôi. Tôi cứ nghĩ con mình cũng có thể sa ngã như thế, tôi cũng có thể là một trong những bà mẹ đau khổ như thế nên tôi không sao cầm được nước mắt.”

Bên cạnh văn nghệ, sức mạnh của hoạt động tuyên truyền trong CLB của bà Nhân là ở chỗ: Chỉ cho những người lầm lỡ con đường sống, không chỉ là dứt bỏ ma túy, mà còn là vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Thông qua CLB, nhiều bà con nông dân được vay vốn sản xuất, hỗ trợ về khoa học kĩ thuật, động viên về cả tinh thần và vật chất để yên tâm xây dựng kinh tế, chờ chồng, con cai nghiện dứt điểm trở về.

Đó là tâm trạng chung của người dân xã Thủ Sỹ quê bà vào đầu năm 2005. Ma túy theo chân những người làm ăn xa về làng, nó xộc và từng nhà, reo rắc cái chết và sự kiệt quệ kinh tế.

Nuôi chó trong nhà, nuôi gà trong chuồng, nhà nào nhà ấy kín cổng cao tường bởi sểnh ra là mất trộm. Ma tuý như cơn đại hồng thuỷ cuốn phăng tất cả những gì đẹp đẽ nhất mà làng quê thuần nông này lưu giữ.

Bà Nhân bảo, ngày ấy ở làng, những chuyện đau lòng bởi ma tuý gây ra là chuyện thời sự hôi hổi. Chuyện ấy, nghe chỉ thấy nước mắt, thấy ruột buốt gan đau.

Láng giềng rồi anh em họ hàng nhà bà… không biết bao nhiêu gia đình đã tan nát vì ma túy. Quá thấm thía “nỗi đau trần thế” ấy, không đành lòng bà vận động mọi người vào cuộc đứng lên chống lại cơn cuồng phong chết người này.

Bởi thấy đây là mặt trận vô cùng nguy hiểm, muốn đấu tranh phải có sự tham gia của tập thể, có chương trình hoạt động đường hoàng chứ không thể tự phát nên qua báo đài, học tập một số “điểm nóng” khác, bà quyết định thành lập CLB phòng chống tệ nạn và tội phạm xã hội Thủ Sỹ. Với sự nhiệt tình của mình, bà được bầu làm người đứng đầu của tổ chức toàn những người chân lấm tay bùn này.

Dùng sân khấu đấu tranh

Đánh ma tuý chưa bao giờ đơn giản. Khi CLB mới thành lập, bà đã ý thức được khó khăn này. Tuy nhiên, khi bước chân “vào trận”, mới thấy điều mình lo lắng là… chẳng thấm vào đâu. Đến những nhà có người nghiện vận động, cảm hóa để họ từ giã ma tuý, đó là việc làm đầu tiên của bà. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Bà thường bắt đầu bằng những câu chuyện về mùa màng, về đời sống… để tạo mối thân tình, sau đó mới thân mật hỏi đến cái chuyện chẳng ai muốn nhắc kia. Ở quê, tiếng “nghiện” đáng sợ hơn cả bệnh hủi ngày nào. Thế nên người ta giấu, chẳng muốn vạch áo cho người xem lưng. Có gia đình trông thấy bà từ xa đã vội đóng sầm cửa lại. Vì bà bước vào nhà ai là nhà ấy “có vấn đề”. Thế nhưng, bà vẫn đến. Đến cho tới khi gia đình chịu cộng tác, đưa chồng, con đi cai nghiện mới thôi.

Tuy thế, có những người trước lúc đi cai nghiện còn quay đầu dọa, sẽ trả thù cả hai vợ chồng bà. Dọa là dọa thế thôi nhưng lúc về, thấy vợ con đời sống sung túc, biết “bác Nhân” thường xuyên sang nhà mình thăm hỏi động viên, họ đã tỉnh ngộ.

Trong rất nhiều hoạt động phong phú của CLB, thì văn hóa văn nghệ tuyên truyền được bà con xa gần yêu mến nhất. Theo bà: “Văn nghệ là con đường ngắn nhất đi vào lòng nhân dân”.

Cứ mỗi buổi diễn văn nghệ kết thúc, lại có những người mẹ, người vợ trong xã tìm đến bà. Người tâm sự về hoàn cảnh có chồng con chích hút, cảm ơn bà đã nói hộ tấc lòng đau đớn, tủi hổ của họ, người lại thú nhận có con nghiện ngập rồi hỏi bà địa chỉ để đưa con đi cai.

Tiếng lành đồn xa, hiệu quả những buổi tuyên truyền bằng văn nghệ của bà đã vang đến cả các thôn xã khác, các tổ chức đoàn thể. Mỗi khi cần lên ý tưởng, dựng tiểu phẩm văn nghệ phòng chống ma túy họ lại đến gặp bà.

Vợ diễn chồng xem

“Thời trẻ, tôi luôn ao ước được hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhưng số phận lại đưa đẩy tôi thành một nghệ sĩ nghiệp dư gắn bó với bà con, thôn xóm. Ngẫm lại, tôi thấy điều đó hợp với mình hơn” - bà Nhân tâm sự.

img
 

Trời sinh với chất giọng trong trẻo, lại thêm vốn dân ca thừa hưởng từ cha mẹ, tiếng hát của cô Nhân một thời làm say mê bao người. Năm 1978, khi còn là công nhân Nhà máy Đay Hưng Yên, cô đã được chọn theo Đoàn Văn công Quân khu 3 đi biểu diễn gần tháng trời.

Ngày ấy, Trường Múa Hải Dương và Đoàn kịch Long Hưng hứa nhận cô về. Nhưng chồng cô đang chiến đấu ở mặt trận Campuchia, 3 đứa con còn nhỏ dại. Hoàn cảnh đó gắn cô gái trẻ với gia đình và làng quê hơn là sân khấu chuyên nghiệp. Song từ đó đến nay trong cô vẫn sôi nổi niềm đam mê nghệ thuật...

Bà Nhân kể, niềm đam mê ngấm vào máu thịt ấy đã có đất để “bùng phát” từ khi CLB trên ra đời. Trước bà chỉ biết hát chèo, nay để hoạt động tuyên truyền phong phú, có hiệu quả, bà học viết kịch, làm thơ, viết nhạc. Đặc biệt là kịch. Những vở kịch bà tự dàn dựng, rồi đạo diễn, có khi kiêm cả diễn viên. Vai trò nào bà cũng đảm nhận với đầy trách nhiệm.

Để có kịch bản hay, bà suy nghĩ không ngừng. Nửa đêm, chợt nghĩ ra một tình tiết độc đáo là bà bật dậy, ghi chép. Khắp nhà bà, từ đầu giường, trên bàn uống nước… đâu cũng thấy giấy bút dành sẵn cho những cảm hứng xuất thần của bà. Kịch bản viết xong, bà đưa chồng xem và nhận xét trước, sau đó là các thành viên trong CLB.

Nhà bà là địa điểm tập kịch của CLB. Thành viên đều là quần chúng, không được đào tạo bài bản nên lúc đầu việc ra sân khấu khiến họ rất ngại ngùng. Để hướng dẫn anh chị em diễn sao cho đạt, bà kiên trì, nhiệt tình và nhất là lúc nào cũng vui vẻ. Có những khi chính bà tham diễn cùng anh chị em. Bà bảo, để diễn cho đạt bà cũng phải dày công tập luyện.

Ban đầu, bà đóng cửa, diễn trong nhà cho… chồng xem. Sau có thêm các con. Mọi người xem bà diễn, nhận xét và khích lệ. Bà lại chăm theo dõi các chương trình tuyên truyền trên ti vi để học hỏi cách biểu diễn. “Nhưng cái chính là học từ cuộc sống. Như tôi vẫn bảo anh em, đừng nghĩ là mình diễn mà cứ tâm niệm là ta đang nói thật với nhau. Chuyện đời có sao thì mình nói vậy, đúng với lòng mình, với lòng mọi người” - bà Nhân kể.

Biết bà đã đoạt nhiều giải thưởng trong cuộc thi các cấp và toàn quốc, gần đây lại được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về tham gia giữ gìn an ninh trật tự xã hội, tôi ngỏ ý muốn xem và chụp lại mấy tấm bằng.

Bà cười bảo: “Cô trông nhà tôi có treo tranh ảnh, bằng cấp gì đâu. Giải thưởng của tôi ở ngoài kia kìa, khi lũ trẻ con nghêu ngao với nhau những câu hát chèo viết lại lời mới trong các vở kịch của mình hay khi trên đường, có bà con níu tay lại, chào “bà Nhân chủ nhiệm”. Ấy là biết mình đã ở trong lòng quần chúng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem