Nghệ sĩ ra đi và những khoảng trống để lại

Chủ nhật, ngày 07/02/2021 14:35 PM (GMT+7)
Năm 2020 là năm mất mát lớn của làng nghệ thuật Việt Nam khi có nhiều nghệ sĩ ra đi, trong đó có những nghệ sĩ đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả như: diễn viên điện ảnh Chánh Tín, NSND Lý Huỳnh, nhạc sĩ Lam Phương, danh ca Thái Thanh…
Bình luận 0
Nghệ sĩ ra đi và những khoảng trống để lại - Ảnh 1.

Nguyễn Chánh Tín và Thương Tín trong "Ván bài lật ngửa".

Chánh Tín - “chàng Casanova xứ Việt”

Đó là cách mà nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân gọi diễn viên Chánh Tín. Casanova là ai? Casanova là một cái tên mang tính biểu tượng trong văn hóa châu Âu về một quý ông sát gái, có vẻ đẹp thu hút và giỏi quyến rũ phụ nữ. Nếu điện ảnh thế giới xây được hình ảnh chàng tình báo hào hoa và đa tài 007 (Phim Điệp viên 007) hay Deyanov (Phim Trên từng cây số)… thì điện ảnh Việt có Nguyễn Thành Luân. Chỉ với cảnh mở màn của bộ phim Ván bài lật ngửa với hình ảnh Nguyễn Thành Luân bước xuống xe, dáng cao dong dỏng đầy lãng tử, gương mặt thanh thoát nhưng vẫn rất góc cạnh rất đàn ông đã đốn tim bao người. 

Trong bộ măng tô và chiếc mũ phớt xám, Nguyễn Thành Luân chầm chậm bước vào rừng cao su giăng đầy mạng nhện với những nét suy tư trên gương mặt… Khoảng khắc rất ngắn thôi nhưng nhân vật đã gây ấn tượng với khán giả về hình ảnh một chiến sĩ tình báo đang chuẩn bị bước vào một cuộc chiến cam go.

Nguyễn Chánh Tín đã xây dựng được một hình ảnh Nguyễn Thành Luân như thế cho bộ phim Ván bài lật ngửa. 8 tập phim với những cuộc đấu trí của một chiến sĩ tình báo cánh mạng phải đối mặt với kỳ thù đầy mưu mô xảo quyệt và tàn ác. Nguyễn Chánh Tín thể hiện được nét hào hoa, lịch lãm, thông minh, điềm đạm của một nhà tình báo chuyên nghiệp.

Với Ván bài lật ngửa, Nguyễn Chánh Tín đã tạo nên vai diễn để đời, xứng đáng trở thành kinh điển bởi vai diễn đã xây dựng được vẻ đẹp lý tưởng của một chiến sĩ tình báo cách mạng. Và đỉnh cao đó có lẽ sẽ rất khó tìm lại được trong những vai diễn của tương lai. Ngay cả Chánh Tín đã từng thừa nhận như thế.

 Lý Huỳnh - ông Hai Lúa

Nghệ sĩ ra đi và những khoảng trống để lại - Ảnh 2.

NSND Lý Huỳnh trong phim “Ông Hai cũ”.

NSND Lý Huỳnh đã xứng đáng là một ngôi sao của điện ảnh Việt. Gương mặt góc cạnh, dáng vẻ hầm hố cùng tài năng về võ thuật, Lý Huỳnh đã đóng đinh với những vai diễn như tướng cướp, sĩ quan ác ôn… Lý Huỳnh đã vào vai phản diện của rất nhiều bộ phim để tạo một thương hiệu riêng cho mình mỗi khi casting vai diễn. Không chỉ thế, Lý Huỳnh còn đưa võ thuật vào với điện ảnh, tạo nên một trào lưu phim võ thuật một thời ăn khách tại Việt Nam, làm nên bệ phóng cho những ngôi sao dòng điện ảnh thị trường như Lý Hùng, Diễm Hương, Lý Hương, Việt Trinh…

Nhưng chỉ với 2 bộ phim Vùng gió xoáy và Ông Hai cũ, một Lý Huỳnh khác đã hiện ra. Vào vai một lão nông có cái tên chân chất Hai Lúa - một lão nông tiêu biểu gắn bó cả cuộc đời đồng ruộng, luôn gắn với bộ quần áo bà ba màu nâu đất, quấn khăn rằn ngang đầu, có tính cách hào sảng, phóng khoáng… Lý Huỳnh đã gây ấn tượng mạnh với người xem vì sự "lột xác" hoàn toàn.

Để có được vai diễn trên, Lý Huỳnh phải mất 6 tháng đi thực tế ở vùng đất Thủ Thừa (Long An), cùng sống cùng làm việc với những người nông dân trên cánh đồng để học làm nông dân thực thụ. Vì thế khi vào vai diễn, từng hành động, động tác như cắt lúa, đánh xe, thậm chí cách ngồi nhậu cầm ly hay vấn ngậm điếu thuốc rê đều... cực chuẩn đên mức nhiều ông nông dân Nam bộ khi xem phim chỉ biết vỗ đùi cái đét: “Thiệt tình! Đúng thằng chả là nông dân thứ thiệt!”. 

Thể hiện thành công ông nông dân Hai Lúa đậm chất Nam Bộ Lý Huỳnh được giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1983. Bộ phim Vùng gió xoáy được chọn tham dự Festival điện ảnh quốc tế tại Liên Xô với hơn 120 nước tham gia và vai diễn Lý Huỳnh được đánh giá cao. Cũng từ bộ phim, Lý Huỳnh được khán giả gọi với cái tên là Hai Lúa. Và tới nay, dù có nhiều bộ phim nói về người nông dân Nam bộ nhưng hình tượng Hai Lúa do Lý Huỳnh thể hiện vẫn được coi là hình tượng đẹp nhất về người nông dân Nam bộ.

Thái Thanh - Giọng ca vượt thời gian

Nghệ sĩ ra đi và những khoảng trống để lại - Ảnh 3.

Danh ca Thái Thanh

“Nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh”. Đó là ý kiến của danh ca Khánh Ly khi nhận xét về giọng ca của tiền bối Thái Thanh. Khánh Ly cũng thừa nhận cô và nhiều ca sĩ nổi tiếng khác ở Việt Nam như Lệ Thu, Ánh Tuyết, Mai Hương, Quỳnh Giao... đều coi Thái Thanh là thầy trong việc định hướng cách hát, lối nhả hơi “tròn vành rõ chữ” của mình bởi Thái Thanh đã tạo ra một trường phái riêng hòa trộn giữa tính chất của opera phương Tây và nhạc dân gian Việt Nam. Trường phái đó của Thái Thanh đã nâng thêm vẻ đẹp cho tiếng Việt, khẳng định thêm vai trò quan trọng của âm nhạc Việt với thế giới.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Thái Thanh may mắn được hưởng gen di truyền về âm nhạc từ bố mẹ, anh chị và Thái Thanh bắt đầu đi hát từ năm 14 tuổi. Có giọng hát cao, Thái Thanh đã sở hữu một lối hát đặc biệt mang tính chất opera nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của Chầu văn, Quan họ, Chèo, Ả đào... của đồng bằng Bắc bộ. Nhưng để giọng ca lên đến sự hoàn hảo, Thái Thanh còn tự học nhạc bằng cách đặt mua các sách luyện thanh bằng tiếng Pháp rồi tập theo. Thái Thanh may mắn được nhạc sĩ tài danh Phạm Duy chỉ dẫn tận tình về nhạc lý và kỹ thuật, cũng như có cơ hội được Phạm Duy viết nhiều ca khúc “đo ni đóng giày”, bởi thế giọng ca của Thái Thanh ngày càng được nhiều người biết tới.

Suốt cuộc đời đi hát, Thái Thanh thường chọn các ca khúc có chủ đề về quê hương đất nước, về tình cảm lứa đôi. Giọng hát của bà tỏ ra rất thích hợp với các loại nhạc đa dạng của nhạc sĩ Phạm Duy. Hơn nửa thế kỷ đi hát, Thái Thanh được mệnh danh là: “Giọng ca vượt thời gian” bởi làn hơi cao vút, luôn trong trẻo với cả ngàn ca khúc đã từng thể hiện. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng Georges Étienne Gauthier khi nghiên cứu về Phạm Duy đã dành riêng khá nhiều trang để viết về Thái Thanh: “Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm "nhớ nhung cõi trời". Dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn. Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này. Hãy chăm chú lắng nghe... Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời: Lời nói tình yêu”.

Lam Phương - Người xóa nhòa khoảng cách âm nhạc sang - hèn

Nghệ sĩ ra đi và những khoảng trống để lại - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Lam Phương

Suốt cuộc đời sáng tác, nhạc sĩ Lam Phương đã viết hơn 200 ca khúc và con số đó không hẳn nhiều hơn so với rất nhiều nhạc sỹ khác. Tuy nhiên hầu hết các ca khúc của ông đều được người nghe đón nhận và yêu thích. Đặc biệt hơn, các ca khúc của Lam Phương được rất nhiều thế hệ, rất nhiều tầng lớp yêu thích. Lam Phương viết bolero, Lam Phương nhạc trữ tình, Lam Phương viết nhạc mang âm hưởng dân gian… Nhạc của Lam Phương có buồn, có vui, có sự lạc quan cũng có nhiều bi quan, tuyệt vọng. 

Một nhà phê bình đã từng nói: “Nếu làm một chương trình cho Lam Phương thì có thể dàn dựng nhiều ca khúc của ông với các chủ đề khác nhau và không sợ bị trùng lắp hay nhàm chán. Lam Phương viết nhạc cũng như để trải lòng mình nhưng tài năng của Lam Phương là ông viết thứ âm nhạc tự sự, trải lòng mình và nhiều thế hệ người nghe cảm thấy như có bóng hình mình trong đó”.

Chính vì thế mà các nhà sản xuất cũng như các ca sĩ thường lựa chọn những nhạc phẩm của Lam Phương để xây dựng album, tổ chức các liveshow… Trong đó, chỉ riêng album mang chủ đề nhạc Lam Phương đã có hàng trăm ca sĩ thực hiện, từ những ca sỹ gạo cội như Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa My... cho tới các ca sĩ trẻ như Giang Hồng Ngọc, Đức Tuấn, Ngọc Anh, Hạ Vy…

Còn nhà nghiên cứu - MC Minh Đức thì cho rằng: “Từ góc nhìn của tôi, nhạc trữ tình Việt Nam nên chia làm hai giai đoạn: trước Lam Phương và sau Lam Phương. Trước khi nhạc sĩ xuất hiện và nổi tiếng vào thập niên 1960, nhạc trữ tình Việt Nam có sự phân biệt ngầm giữa sang và sến. Những nhạc sĩ xuất thân từ thời âm nhạc tiền chiến, nhạc lãng mạn trước đấy, họ có sự tự cao nhất định vì thứ âm nhạc ấy đẹp, sang trọng, rất Tây. 

Lời ca trau chuốt và giai điệu cầu kỳ, ngay cả chọn giọng hát cũng cầu kỳ. Họ không đánh giá cao trào lưu bolero khi ấy. Nhưng khi Lam Phương xuất hiện, ông xóa mờ ranh giới đó. Ông chứng minh người ta vẫn có thể viết những bài hát cầu kỳ như nhạc lãng mạn tiền chiến nhưng vẫn gần gũi với công chúng. Dù viết theo lối bolero thịnh hành, nhạc của ông vẫn đẹp về giai điệu và sang trọng trong ca từ”.

Trọng Thịnh (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem