Dù chỉ thử sức với một lớp diễn ngắn trên sân khấu cải lương nhưng nghệ sĩ Thanh Thủy cảm nhận rất rõ rằng “nghệ thuật cải lương không phải ai cũng diễn được". Chị cho rằng rất khó để có thể vừa ca, vừa diễn, vừa nghe nhịp đờn, lại còn phải ứng tác với bạn diễn.
NS Thanh Thủy vừa thực hiện vai diễn mới trên sân khấu cải lương, đó là nhân vật Đào Tam Xuân. Trò chuyện sau buổi diễn, chị tâm sự: "Học một lớp ngắn thôi mà đổ mồ hôi hột. Qua đó mới thấy yêu quý viên ngọc sáng giá trường kỳ của sân khấu dân tộc. Đó là bộ môn mà tôi yêu quý”.
Rồi Thanh Thủy mải mê nhắc về quá khứ với những ký ức tuổi thơ rất đẹp. Ngày đó, chị thường cùng gia đình đi xem cải lương mỗi khi có đoàn hát về tỉnh Long Khánh.
NS Thanh Thủy trong vai Đào Tam Xuân
“Tôi mê nghệ sĩ Thanh Sang với vai Tạ Tốn, mê cô Thanh Nga với nàng tiểu thư Quỳnh Nga trong vở Bên cầu dệt lụa và mê cô Phượng Liên với vở Truyện cổ Bát Tràng, cô Bạch Tuyết với Thái hậu Dương Vân Nga, cô Diệu Hiền trong Nhụy Kiều tướng quân… Họ là thế hệ tài danh sáng mãi trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.", NS Thanh Thủy nói.
Chị cho biết đã học hỏi rất nhiều từ thế hệ đi trước, nhất là tinh thần yêu nghề, theo đuổi niềm đam mê dù sân khấu đang gặp nhiều khó khăn.
Trả lời câu hỏi chị có định viết hồi ký, NS Thanh Thủy cười, nói: “Chuyện đó quá vội đối với một diễn viên còn đang mải mê học như tôi”. NS Thanh Thủy tâm sự khi mới tốt nghiệp lớp đạo diễn, chị dự định dàn dựng thật nhiều kịch bản văn học yêu thích. "Thế nhưng, nghề diễn viên đã kéo tôi đi mãi, có lúc tưởng rời xa cái ngành mình được đào tạo chính quy", chị trầm lắng.
Tuy nhiên, bù lại, Thu Thủy cho biết chị nắm trong tay nhiều vai diễn tâm đắc: Từ vai độc cho đến vai hiền, từ vai tính cách đến nhân vật già hơn tuổi đời của mình.
NS Thanh Thủy tự hào kể: "Có thể từ sau vai Đông Nghi (vở Xóm nhỏ Sài Gòn), tôi may mắn có thêm nhiều vai để khán giả nhắc đến mình như: Bà Tám bán bánh phồng (Nắng chiều), bà Bảy (Tình gần), bà giám đốc (Tôi chờ ông đạo diễn), Vân (Khúc nguyệt cầm), Tiên (Những giấc mơ riêng), Milady (Ba chàng lính Ngự Lâm)"... Tuy nhiên, vai diễn khiến mọi người bất ngờ và thích thú nhất vẫn là vai bà thần phi Nguyễn Thị Anh trong Bí mật vườn Lệ Chi. Vai diễn mang lại sắc màu lạ đối với tôi".
NS Thanh Thủy và NSƯT Diệu Hiền
Chị nói rằng "cái chất" của chị không hợp lắm với dạng vai độc, nên khi thể hiện nhân vật này, chị không thích khai thác cái ác mà lý giải bi kịch của một người đàn bà ham mê quyền bính bằng sự hối hận.
Rồi nghệ sĩ Thanh Thủy miên man kể nhiều năm qua, chị không muốn dừng lại ở những vai bi kịch mà nắm bắt cơ hội để bứt phá mình với sở đoản hài kịch.
“Tôi thích nét diễn hài của anh Thành Lộc, Hữu Châu, Minh Nhí, các nghệ sĩ đã từng làm cho khán giả cười nghiêng ngả trong nhiều vai diễn trên sân khấu IDECAF. Riêng tôi khi được sắm vai một bà chuyên mai mối (vở Cái tráp vàng), đến một bà lão đơn độc rủ rê mấy ông bạn già đình công vì những đứa con coi tiền bạc, danh vọng lớn hơn cái tình cha mẹ (vở Nắng chiều)... Những vai diễn này tôi đều mang một chút hình ảnh của bà nội mình vào đó”.
NS Thanh Thủy và NSND Bạch Tuyết
NS Thanh Thủy kể có một thời gian, chị nhận được lời phê bình ăn mặc lố lăng. Điều này khiến chị "mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền". Trên thực tế, NS Thanh Thủy là người luôn thích tạo tiếng cười bằng sự vận dụng tinh tế từ những tình huống hài kịch độc đáo. Tuy nhiên, trang phục của vai hài được đạo diễn quy định nên nhiều lúc chị không kiểm soát được.
Thanh Thủy cho biết điều khiến chị sung sướng nhất là sàn diễn kịch hiện nay dù trong muôn vàn khó khăn nhưng đã góp phần với xã hội tạo dựng một sân khấu nói về những điều công chúng quan tâm. "Tôi tin trong năm 2016, sàn diễn sẽ có nhiều tác phẩm đỉnh cao, được công chúng đón nhận, nhất là khi "ngôi nhà 5B" được sửa chữa, đi vào hoạt động, đem lại nhiều vở diễn mới phục vụ khán giả yêu kịch”, chị nói.
Thanh Hiệp (Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.