Chia sẻ về Tết Trung thu trong chương trình Cà phê sáng mới đây, NDND Tự Long bộc bạch: “Trung thu rất ý nghĩa. Chúng ta có nhiều cái Tết nhưng lý do mọi người gọi Trung thu sánh ngang với các Tết khác- Tết Trung thu. Đây là ngày trọng đại, từ người lớn đến trẻ em đều náo nức, hồ hởi để chuẩn bị cho nó. Tết Trung thu có màu sắc riêng, có âm nhạc riêng, bánh kẹo riêng và hoa quả riêng, nên rất đặc biệt”.
Anh cũng nhớ về Trung thu ngày nhỏ: “Ngày trước cuộc sống vất vả hơn, trẻ con cũng tìm tòi sáng tạo hơn, tự tạo cho mình đồ chơi. Một trong những đồ chơi mà những thế hệ 8X làm là cắt lon bia ra, để nến vào trong rồi cầm đi chơi. Thế hệ 7X như tôi ngày xưa thì có tạo trống ếch: lấy ống bơ, lấy da con ếch căng vào và đánh trống. Cách Trung thu một tháng, tiếng trống ếch đã làm cho trẻ con thời bấy giờ có cảm giác náo nức, hồ hởi chờ đón đến ngày Trung thu”.
Chia sẻ trong chương trình truyền hình mới đây, NSND Tự Long tiếc nuối khi trẻ con bây giờ không có cảm giác về Tết Trung thu, những đồ chơi sáng tạo như thời của mình.
Theo Tự Long, Trung Thu bây giờ có nhiều đổi khác. “Thực ra, mỗi một thời điểm có cách đón Trung thu khác nhau. Nhưng với tôi, Trung thu ngày xưa có ý nghĩa hơn bây giờ.
Mọi người không chỉ hồ hởi mà tư duy sáng tạo, tìm tòi. Ngay cả ông trăng ngày xưa cũng có cảm giác gần hơn, sáng hơn vì ngày xưa ít phương tiện chiếu sáng, ít nhà cao tầng. Ngày xưa, có nơi thậm chí không có điện, nơi chỉ thắp nến, đèn dầu nên khi ấy thấy ánh sáng của trăng thật ý nghĩa. Tụi trẻ con chỉ muốn “chị Hằng” đến nhà mình thôi.
Tôi nhớ Tết Trung thu ngày nhỏ đến nhà bạn phá cỗ xong lại rủ nhau kéo đến nhà mình phá cỗ. Mâm cỗ thì không khác gì nhau mấy nhưng cứ đi như vậy cho đến khi trăng… lặn mới thôi.
Nhưng ở nông thôn, những trái hồng trái bưởi cứ đánh đu đến Rằm mới được mang xuống để cho vào mâm cỗ. Có từ phá cỗ Trung thu mà. Ngày xưa từ “phá cỗ” ý nghĩa lắm, thích lắm. Chúng tôi được chia khẩu phần bánh kẹo. Cứ nhắc đến Trung thu xưa thì luôn luôn tồn tại những ký ức đẹp
Trẻ em bây giờ quá đầy đủ, cũng có quá nhiều nhà cao tầng nên ít trẻ em nhìn thấy trăng lắm. Cuộc sống giờ đầy đủ đến mức độ, hầu như trẻ em chỉ chờ đợi đến ngày Trung thu để được đi chơi. Trẻ em bây giờ có nhiều đồ chơi nhưng không thật sự có ý nghĩa nhiều bằng Trung thu ngày xưa của tôi.
Trước, đến đúng ngày Rằm tháng 8 trẻ con mới được ăn bánh nướng bánh dẻo. Giờ chúng được ăn thường xuyên rồi nên bánh dẻo bánh nướng không còn ý nghĩa lắm.
Trẻ con bây giờ có khi được bố mẹ đưa đi sắm Trung thu từ trước nửa tháng. Những đồ chơi như đèn ông sao, trống ếch, đầu lân… giờ trẻ con ít chơi mà thường chơi đồ chơi game, gần gũi thế hệ bây giờ”, anh nói.
NSND Tự Long và vợ đưa con gái đi chơi Tết Trung thu tại Văn Miếu, năm 2017.
Tuy nhiên, anh khẳng định trẻ con thì thời nào cũng cảm thấy vui. Trẻ con được đi chơi, đi ăn, được tặng quà… là vui. Nhưng điều quan trọng phải để các em nhận thức được ý nghĩa thật sự của ngày Trung thu.
“Không thể mong các em chơi trò chơi như thế hệ chúng tôi như ngày xưa, vì các em chỉ chơi những trò chơi gần gũi với mình. Những trò chơi bây giờ nhanh hơn, hiện đại hơn, bắt mắt hơn.. Còn trong hoài niệm của tôi, tiếng trống ếch, những đêm mọi người tập đội hình đội ngũ, rồi mọi người cùng làm mâm cỗ chung, cảm giác trọn vẹn ý nghĩa hai từ: sum họp”, Tự Long bộc bạch.
Theo Tự Long, để cân bằng giá trị xưa và nay, để trẻ con bây giờ vừa vui Trung thu gần gũi vừa đọng lại những ký ức đẹp thì người lớn có trách nhiệm truyền đạt lại cho các con: “Trung thu là ngày Tết cổ truyền vô cùng ý nghĩa. Chúng ta giải thích cho các con tại sao có Tết Trung thu. Đó là nét đẹp văn hóa, phải giữ lại.”
Với vai trò một ông bố, Tự Long chia sẻ: “Tôi luôn bận rộn mỗi dịp Trung thu, hầu như tôi đều đi biểu diễn. Nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian đưa con đi, ít nhất là bầy mâm cỗ, mua đèn ông sao về, cũng giới thiệu cho con về đèn ông sao, về ý nghĩa ngày Trung thu. Những hình ảnh ông bố dắt con đi chơi Trung thu, tôi nghĩ đó là những hình ảnh rất đẹp. Theo tôi, các ông bố bà mẹ bận rộn đến đâu cũng nên dành thời gian cho các con, đưa các con đi chơi Tết Trung thu”.
Nguyễn Hằng (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.