NS Công Minh nổi tiếng với những vai phản diện, "kép độc" trên sân khấu cải lương tuồng cổ
“Tôi được chú Bảy dạy đánh trống và hát Hồ Quảng từ nhỏ. Không hiểu sao, tôi lại yêu thích tiếng trống chầu và tiếng hát Hồ Quảng của chú Bảy. Còn vũ đạo, điệu bộ nghề hát, tôi học ở cha tôi. Thời đó, cha tôi có thuê một người thầy tên là Hoàng Phánh ở Trung Quốc sang Chợ Lớn về dạy chúng tôi học võ. Hầu hết các anh chị em trong gia đình đều được ông nội và cha uốn nắn nghề nghiệp" -nghệ sĩ Công Minh nói.
Ông bảo luôn nhớ lời dạy của cha: “Làm nghề này phải tinh thông nhiều thứ chứ không phải chỉ biết hát và vũ đạo. Vì thế, các con không nên ngại những vai nhỏ và những công việc phụ trong đoàn hát”. Có lẽ vì thế mà anh em ông ai cũng có thể làm được các công việc khác trong đoàn. Anh ruột ông là NSND Thanh Tòng ngoài hát diễn còn sáng tác và đạo diễn tuồng, truyền nghề cho thế hệ trẻ.
NS Công Minh (bìa phải) và các nghệ sĩ: Chí Bảo, NSND Thanh Tòng, NS Linh Châu trong chuyên đề kép độc trên sân khấu cải lương
Năm 17 tuổi, nghệ sĩ Công Minh được nghệ sĩ Bảy Phục thu nhận vào chương trình Hoa thế hệ. Anh được khán giả biết đến qua hai vai: Quang Trung Nguyễn Huệ và Tô Định. Công Minh có cơ hội học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm để trưởng thành trong nghề.
Nếu trước 1975 có hai đoàn cải lương Hồ Quảng nổi tiếng trụ ở đình Cầu Quan và rạp Long Phụng, sau ngày đất nước thống nhất, nghệ thuật cải lương Hồ Quảng được đổi tên là cải lương tuồng cổ, hoạt động với hai bảng hiệu Minh Tơ và Huỳnh Long. Nghệ sĩ Công Minh lúc này đã lớn, công tác trên sân khấu đoàn Minh Tơ. Anh là thế hệ thứ 4 nối nghiệp gia đình.
“Ở tuổi 20 tôi được anh Thanh Tòng tín nhiệm giao cho vai kép độc đó là vai Tào Tháo trong vở Mã Siêu báo phụ cừu. Tôi học cách cười lấy hơi bụng, cách liếc mắt thâm độc và những câu nhấn đài từ để tạo cho vai diễn nét độc đáo riêng. Từ vai độc đầu tiên này tôi khám phá những nét diễn xuất mới, lạ nhằm mang đến khán giả sự bất ngờ mỗi lần mình xuất hiện” - nghệ sĩ Công Minh kể thêm.
NS Công Minh đang hóa trang cho nhân vật tuồng cổ
Ngoài những vai diễn trên, Công Minh còn được nhắc đến với những vai phụ để đời: Trương Phi (Trảm Điêu Thuyền), Thái giám (Tô Hiến Thành xử án),…Mỗi tính cách được anh đào sâu nét diễn xuất tinh tế cộng với vũ đạo điêu luyện.
NS Công Minh trong chuyến đi từ thiện giúp đỡ người bị đục thủy tinh thể tại An Giang
Nhiều vai hay nhưng vai diễn để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khán giả cũng ghi dấu ấn Công Minh trên con đường nghệ thuật của mình là Quách Hoè vở Bích Vân cung kỳ án. Một tên thái giám đầy mưu mô, dám yêu thầm thái hậu, rồi nhúng tay vào chuyện ác, sát hại thái tử, cho đốt Bích Vân cung, đánh tráo xác con mèo chết để vu oan cho Lý Thần Phi.
Vụ án Bích Vân cung được Bao Công đem ra xét xử. Công Minh diễn lớp bị hỏi cung, vì cứ ngỡ mình đã chết dưới âm phủ, gặp mặt Diêm Vương nên tất cả các mưu đồ được chính miệng Quách Hòe khai báo. Công Minh bộc lộ trọn vẹn tâm lý nhân vật lúc căm phẫn khi biết mình bị gạt, phút giây hối hận muộn màng, vừa sâu cay, vừa đau đớn đã làm cho vở diễn thêm phần ấn tượng.
NS Công Minh và chị ruột (NS Thanh Loan, mẹ của NS Tú Sương)
NS Thanh Sơn và NS Công Minh trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc của HTV
Nếu trên sân khấu là những nhân vật độc ác, thủ đoạn, nham hiểm thì ngoài đời nghệ sĩ này lại rất khiêm tốn. Anh ít khi chịu nói về mình chỉ đau đáu, âu lo cho vận mệnh chung của sân khấu.
“Tôi học từ cánh gà, từ những lần bị ăn đòn đau điếng để có thể vận dụng những gì đã học cho vai diễn. Tôi rất mừng vì mình có được cơ may thọ giáo các cô chú, anh chị trong nghề. Ngày nay, sàn diễn bó hẹp nhiều so với trước, chúng tôi không có điều kiện để chỉ dạy thêm cho thế hệ đàn em. Nghĩ mà càng thấy xót xa cho sân khấu cải lương tuồng cổ. Hiện nay các em chỉ diễn ở đình, ở các chương trình đại nhạc hội, khó mà vực dậy nếu cứ bị phân tán lực lượng như thế. Tôi mong nhà nước nhìn thấy điều này để xây dựng một điểm diễn thường xuyên cho các em còn yêu nghề” - "Quách Hòe" Công Minh thổ lộ.
NS Công Minh và vợ - NS Yến Phương
Hiện nay, tuy không còn đứng trên sân khấu, thỉnh thoảng Công Minh có tham gia biểu diễn các chuyên đề sân khấu của HTV, nhưng anh vẫn bám chặt đời sống sân khấu với nghề may phục trang.
Vợ anh – nghệ sĩ Yến Phương kể: “Ai nói nghề may trang phục không phải là nghề sáng tác. Mỗi sản phẩm chồng tôi làm ra đều chắt chiu sáng tạo từng nét vẽ, từng đường may. Làm chung với nhau nên tôi hiểu ý của anh Minh. Chỉ cần phác họa sơ là anh có thể biến những ý đồ thô sơ thành những tác phẩm ấn tượng. Buồn là vì ngày nay nghề may phục trang cho các vở lịch sử không có chuyên viên nghiên cứu đúng với di tích xưa trong đời sống cung đình của dân tộc, nên nhiều lúc muốn vẽ con rồng thời Lý khác con rồng thời Trần, anh Minh phải đi tìm mua sách cũ để vẽ nhưng chưa chắc đó là tư liệu gốc.
Đành chịu khuyết điểm với tác phẩm của mình. Anh Minh rất yêu nghề, lúc nào nhận vai diễn mới là nghiên cứu, nghiền ngẫm, nên trang phục anh may cũng vậy, không làm ẩu để lãnh tiền, mà hết lòng vì tác phẩm đẹp như đứa con tinh thần của mình vậy.”
NS Công Minh và anh ruột (NSND Thanh Tòng) cùng các anh em trong gia tộc tham gia chương trình Vầng trăng cổ nhạc của HTV
(Theo Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.