Vợ là của riêng
Tôi phải chia sẻ thật rằng phỏng vấn riêng anh đã là khó nhưng hỏi về vợ anh phải hết sức rón rén. Trước đây anh có luật định không nhắc về con, về vợ nhưng gần đây tôi thấy anh khá cởi mở khi nhắc về các con nhưng vợ vẫn là ẩn số, tại sao vậy?
- Vợ là của riêng, tôi chọn được bao nhiêu tôi mới lấy được một bà thì phải giữ. Nói đi và phải nói lại chính vợ tôi còn là một ẩn số với tôi đương nhiên phải là ẩn số với người khác.
Nếu bạn nói rằng dạo này tôi có vẻ cởi mở hơn thông tin về con thì cũng chỉ là thông tin đơn giản nhất về một em bé.
Vẫn vấn đề muôn thủa của Xuân Bắc: chuyện gia đình là của gia đình, chuyện riêng tư là của riêng tư. Và nói thật, tôi thông tin về nghề chưa hết lấy đâu thời gian chia sẻ thông tin về gia đình.
Nhưng tôi từng nghe một đồng nghiệp của anh nói rằng: "Xuân Bắc trông thế thôi chứ sợ vợ lắm"... Không biết là...
- Dù đó là đồng nghiệp nào và nói về tôi như thế tôi cũng kịch liệt phản đối bởi đã là đồng nghiệp phải bảo vệ nhau, thương nhau chứ ai lại làm lộ bí mật của tôi trước bàn dân thiên hạ như vậy (cười lớn).
Với lại, nghĩ cho cùng chỉ những người đàn ông tu ba kiếp trở lên mới sợ vợ được như tôi chứ “bọn không sợ vợ’’ còn phải tu nhiều lắm…
Có một câu chuyện vợ anh kể trên trang cá nhân và tôi ấn tượng đến bây giờ.
Đó là một hôm trời trở gió, do mải đi dạy học sớm nên chị quên mặc áo ấm, đến trường đang lo có khi tối về không biết như nào thì gần trưa anh gọi điện hỏi han và 5 phút sau xuất hiện với chiếc áo ấm trên tay đưa cho vợ.
Với các bà vợ đôi khi chỉ cần một hành động quan tâm cũng khiến trái tim họ tan chảy. Có vẻ như anh là người chồng biết "đánh trúng tim đen" của vợ mỗi khi thấy cần?
- Xin khẳng định là không. Tôi cực kỳ vụng dại những điều phụ nữ hay cần. Chính vì vậy tôi thường nhận được những cái bĩu môi và lườm nguýt của các cô gái khác kèm theo một câu: ''Tưởng thế nào, hoá ra…''.
Thực ra tất cả các ông chồng đều muốn yêu thương vợ tuy nhiên cách thể hiện của mỗi người khác nhau mà thôi. Và có lẽ họ muốn yêu thương lắm nhưng không thể yêu thương được nên mới xảy ra “chuyện lọ chuyện chai”.
Chuyện lọ chuyện chai là thế nào thế nào, thưa anh?
- À, chuyện lọ chuyện chai nó là em họ của chuyện nọ chuyện kia.
Gameshow nhăm nhăm khai thác giải trí nhảm nhí là dễ hiểu
Cùng với các cộng sự anh chuẩn bị làm chương trình "Ấm tình nghệ sĩ" và NSND Tự Long thẳng thắn nói đây là việc làm ý nghĩa nhưng khá nhạy cảm vì có nhiều nghệ sĩ muốn tham gia nhưng giới hạn chỉ một số người góp mặt và việc việc ủng hộ sao cho đúng người, đúng hoàn cảnh nghệ sĩ phải xem xét kỹ tránh gây tổn thương, tị nạnh?
- NSND Tự Long lo lắng là đúng. Trong hầu hết các chương trình tôi làm cùng với Tự Long, anh ấy luôn là người phản biện như thế.
Và đấy là điều làm nên sự khăng khít giữa tôi và Tự Long. Tôi tin anh Long vừa lo cho chương trình nhưng một phần lo cho riêng tôi.
Trong một chương trình tất cả các nghệ sĩ muốn góp mặt là điều không thể do vậy chúng tôi có lựa chọn.
Còn nhiều chương trình sẽ được diễn ra bởi bạn thử nghĩ xem đến bao giờ mới hết nghệ sĩ nghèo, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn...
Còn về vấn đề hỗ trợ đúng người tôi cũng chia sẻ rằng nghệ sĩ nhiều người tự ái cao nên nhiều khi họ không muốn hình ảnh của mình bị lộ ra khi ốm đau bệnh tật hay xấu xí và khó khăn cỡ gì cũng cắn răng chịu chứ không muốn mất đi hình ảnh nghệ sĩ của mình.
Vì vậy sẽ có nhiều người đang gặp hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta không tiếp cận được. Nhưng bạn yên tâm chúng tôi sẽ làm hết sức để mang những điều tốt đẹp cho những người xứng đáng nhất.
Chúng ta làm bằng cái Tâm, làm bằng cái Tình và nếu chẳng may có sự sơ sót thì cũng sẽ được bỏ qua.
Nhân đây tôi cũng chia sẻ khi trực tiếp liên lạc mời các nghệ sĩ: Tùng Dương, Tuấn Hưng, Nguyễn Ngọc Anh, Minh Quân, Thanh Ngoan, NSND Lan Hương, Công Lý, MC Thảo Vân, MC Lê Anh, Vân Dung, Quang Thắng... tất cả đều nhiệt tình ủng hộ.
NSND Hồng Vân và ca sĩ Mỹ Linh cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi ngày diễn ra 5/6 tại Cung hữu nghị Việt Xô Hà Nội lại trùng với lịch biểu diễn của các chị.
Để phỏng vấn riêng anh rất khó do vậy nên nhân cơ hội này tôi muốn anh chia sẻ ý kiến về việc showbiz Việt đang được cho rằng thời đại lên ngôi của các danh hài, và việc xuất hiện tràn lan nhiều gameshow nhảm nhí và vô lý đến độ danh hài được mời chấm ca sĩ có tên tuổi?
- Nhiều người vẫn hay gọi tôi là danh hài Xuân Bắc nhưng hãy gọi là nghệ sĩ Xuân Bắc. Nếu yêu thương gọi nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc - danh hiệu nhà nước phong tặng.
Còn việc ai đó nói rằng bây giờ thời đại của danh hài lên ngôi, tôi xin được hỏi: Lên ngôi thì sao?
Bất kỳ cái gì lên ngôi đem lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp chúng ta phải ủng hộ, nhất lại là tiếng cười.
Bạn không thấy rằng một trong những chỉ số đánh giá một quốc gia hạnh phúc đó là số lượng nụ cười trên mỗi công dân đó sao?...
Vấn đề ở đây hình như trong chữ "lên ngôi" này nó không được thuận cho lắm. Hình như chữ "danh hài" ai đó sử dụng ở đây không mang tính khích lệ mà mang tính cười chê nhiều hơn.
Điều này cũng dễ hiểu bởi nhiều khi nghệ sĩ hài, danh hài... được sử dụng một cách bừa bãi, không chính xác dẫn đến có nhiều khái niệm bị đánh đồng.
Làm nghệ thuật hướng tới khán giả là đúng nhưng làm nghệ thuật để chiều theo thị hiếu khán giả thì những người làm nghệ thuật đang bị động trong việc sáng tạo của mình và không trở thành "kỹ sư tâm hồn" theo đúng sứ mệnh của mình.
Nói như anh người làm nghệ thuật phải là một "kỹ sư tâm hồn"?
- Đúng. Người làm nghệ thuật chân chính sẽ đưa ra những tiêu chí quan trọng, đó là giá trị thẩm mỹ, nhân văn, định hướng, tính chân thực. Nếu không đạt được những điều đó đương nhiên bạn không thể là một "kỹ sư tâm hồn".
Tất nhiên chúng ta không phủ nhận gameshow làm cho truyền hình phong phú hơn, làm cho thực đơn người xem nhiều hơn và có nhiều gameshow rất có ý nghĩa, làm tử tế và góp phần giúp người xem giảm stress, bớt căng thẳng.
Còn như bạn nói có nhiều gameshow nhảm nhí, tôi cũng nhấn mạnh rằng nói đi phải nói lại, nếu chiều theo thị hiếu khán giả tức là ở đâu đó vẫn có một lực lượng khán giả đang thích cái nhảm nhí.
Một chương trình nói chung, nếu không đạt được giá trị thẩm mỹ, nhân văn phải ít nhất cũng phải bán được quảng cáo, rating cao đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất.
Và bạn biết rằng, chẳng có đơn vị nào lại kém thông minh đến mức họ làm ra chương trình mà không đạt được tiêu chí nào cả.
Một chương trình có cả giá trị thẩm mỹ, định hướng, nhân văn mà lại vừa có tính giải trí được coi là một chương trình hay, trọn vẹn nhưng để làm ra những chương trình đấy nhà sản xuất và ban biên tập phải thực sự tâm huyết, đau đáu với công việc mình làm.
Thế nên để một chương trình có rating cao người ta chỉ nhăm nhăm vào khai thác những yếu tố giải trí và khai thác nhiều quá không có tính toán dẫn đến nhảm nhí là điều dễ hiểu.
Vậy theo anh để xảy ra những chuyện lùm xùm không hay liên quan đến gameshow hài cũng như chất lượng một số chương trình giải trí hài đi xuống lỗi do ai?
- Để ngày càng nhiều gameshow, chương trình nhảm nhí kém chất lượng là lỗi chung của tất cả những ai có trách nhiệm, đó là: nhà sản xuất, nghệ sĩ, nhà quản lý và một đối tượng không thể thiếu: khán giả.
Cho nên chưa bao giờ là muộn, chúng ta phải ngay lập tức hành động.
Bất kỳ ai cũng đều có góc xấu, nghệ sĩ lại càng có khi gặp môi trường dung túng cho những điều không tốt phát triển nó được bộc lộ rõ nét.
Vì vậy nhiệm vụ của báo chí, của nhà quản lý, nhiệm vụ của cha mẹ cần có nhận định đầy đủ không để cái xấu phát triển. Và đặc biệt các nghệ sĩ cũng phải thấy trách nhiệm của mình trong việc này.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!
P.V (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.