Những bức tranh từ "trái tim thắp lửa"
Nghệ nhân Nguyễn Phi Anh giờ trở thành người duy nhất còn giữ nghề, giữ chút “lửa tàn” cho tranh lửa Đà Lạt. Chiếc "bút lửa" chuyển dịch như làm xiếc trên tấm ván trắng tỏa ra mùi thơm dìu dịu của gỗ. Dưới ngòi bút nóng bỏng của nghệ nhân Nguyễn Phi Anh, những đường nét hiện ra trên mặt gỗ thật sắc sảo và có hồn. Tuy chỉ có 2 gam màu cơ bản là màu trắng của gỗ và màu nâu đậm hoặc nhạt tùy theo độ "cháy" nhưng với sự phối sắc, tạo hình tinh tế, nghệ nhân Nguyễn Phi Anh đã sáng tác rất nhiều tranh "bút lửa" độc đáo, có thần...
|
Họa sĩ Phi Anh bên bức tranh bút lửa độc đáo. |
Tôi gặp ông vào một buổi sáng cuối tuần trong cái nắng ấm áp hiếm hoi của thành phố thơ Đà Lạt. Ông sinh ra, lớn lên ở Đà Lạt, trải qua 60 năm cuộc đời thì đúng 32 năm ông dành trái tim đam mê cho tranh bút lửa. Vốn có năng khiếu từ nhỏ, ông đã vẽ rất nhiều tranh bằng màu nước, sơn mài, đắp tranh nổi bằng giấy… nhưng rồi tranh bút lửa đến với ông như một mối duyên tiền định… Năm tròn 28 tuổi (1981), ông bắt đầu bị những nét vẽ tinh xảo của chiếc bút lửa mê hoặc.
Thời gian đầu học vẽ, đôi tay đã quen với những cây cọ mềm mại của ông cứ lóng ngóng mãi. Hễ bút chạm vào là miếng gỗ là phải cho vào lò làm củi. Đã bao lần ông nản lòng, quay về với chiếc bút cọ nhưng sự mê hoặc của tranh bút lửa lại khiến ông lao vào… Sau 2 năm kiên trì, ông đã thành công. Mới đầu ông chỉ dám vẽ tranh phong cảnh. Những bức tranh phác họa đêm trăng huyễn hoặc ở Thung lũng Tình, rừng thông huyền bí ẩn hiện trong sương hay hồ Xuân Hương lăn tăn gợn sóng thấp thoáng những cánh buồm thơ… của ông rất được ưa chuộng.
Thành công với tranh phong cảnh, ông bắt đầu thử sức với tranh chân dung. Ông bảo: "Chân dung mới thực sự khó vì đằng sau chân dung là thần thái của một con người". Về mảng này, ông nổi tiếng với bức tranh duyên nợ giữa nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly mang tên "Một nửa đời nhau". Năm 2004, tại cuộc thi "Sáng tạo sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp", nghệ nhân Nguyễn Phi Anh đã đoạt giải Nhất với tác phẩm "Bác Hồ ở hang Pác Bó".
Khao khát được truyền nghề
Ông ngậm ngùi khi nói về nghiệp vẽ tranh bằng bút lửa hiện nay: "Đà Lạt chính là cái nôi của tranh bút lửa, là một nét duyên riêng cho nơi này nhưng nay đã nhạt nhòa lắm, chẳng còn gì cả…". "Chẳng còn gì cả" nghĩa là bây giờ Đà Lạt không còn những hợp tác xã, những câu lạc bộ tranh bút lửa như xưa. Thậm chí cũng không có cả một lớp học nào dạy vẽ tranh bút lửa.
Ông chưa từng có một thầy dạy vẽ tranh bút lửa, chiếc bút cũng do ông tự chế ra nhưng nay ông lại khao khát được làm một người thầy để níu giữ một nghề truyền thống cho Đà Lạt. Thực sự thì ông cũng đã từng mở lớp dạy nghề nhưng rồi học trò của ông không ai đi hết chặng đường. Phần vì những người theo học chỉ yêu thích, tò mò nhất thời chứ không có lòng đam mê. Phần vì khan hiếm nguyên liệu gỗ bạch tùng, không thể sửa khi làm nét sai nên lòng người dễ nản.
“Đà Lạt chính là cái nôi của tranh bút lửa, là một nét duyên riêng cho nơi này nhưng nay đã nhạt nhòa lắm, chẳng còn gì cả...”.
Nghệ nhân Nguyễn Phi Anh
Như vậy là thời hoàng kim của nghề tranh này (giữa những năm 80 đến đầu những năm 90) coi như đã lùi xa vào dĩ vãng. Bản thân nghệ nhân Nguyễn Phi Anh cũng cảm thấy lạc lõng mặc dù ông vẫn sống cho nghề bằng cả trái tim. Ông vẫn thường nhận được đơn đặt hàng của khách quen, bạn bè, những người yêu tranh bút lửa từ các nước Mỹ, Canada… Ông luôn sẵn sàng phục vụ những tâm hồn yêu tranh bút lửa nhưng dường như nay ông cũng đang muốn ẩn mình.
Xưởng vẽ của ông ngày trước nằm ngay trung tâm du lịch của Đà Lạt nhưng nay ông đã chuyển về ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm dài thuộc khu C5, phường 4, TP. Đà Lạt… Chia tay ông, tôi không thể quên được nét ưu tư trên khuôn mặt ông. Một nét ưu tư đượm buồn khi bất lực trước một truyền thống, một nét duyên riêng của xứ ngàn thơ đang dần mai một…
Nguyễn Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.