Nghẹn ngào giữa vùng đất chết

Thứ sáu, ngày 15/11/2013 07:40 AM (GMT+7)
Tới chiều 14.11, vẫn chưa có một con số thống kê chính xác về số người chết và mất tích ở Philippines sau thảm họa siêu bão Haiyan.
Bình luận 0
Có thể 10.000. Cũng có thể tới 20.000 người như lời sĩ quan quân đội Roberto Manganjo Jr nói với chúng tôi. Nhưng có điều chắc chắn, con số này vẫn tăng lên từng ngày...

Thành phố Tacloban - tâm điểm hứng chịu siêu bão đang chìm trong nỗi đau thương, bất hạnh của hàng vạn gia đình.

Hằn những vết đau thương

Ngày 14.11, cứ khoảng 15 phút, trên con đường từ sân bay về Tacloban, những chiếc xe tải màu da cam của MMDA Rescue (Metro Manila Development Association) chở thi thể các nạn nhân của siêu bão lại hối hả chạy tới bãi chôn tập thể. Rất nhiều thi thể không thể nhận diện được bởi bị biến dạng do ngâm nước lâu ngày, trôi dạt từ nhiều nơi về bãi biển khu vực San Jose.

Người dân xếp hàng để chờ đến lượt lấy xăng. Mỗi người chỉ được đúng 4 lít.
Người dân xếp hàng để chờ đến lượt lấy xăng. Mỗi người chỉ được đúng 4 lít.

Julius – một nhân viên của MMDA Rescue cho biết: “Hiện giờ, dưới các đống đổ nát ở khắp cả thành phố này vẫn còn rất nhiều thi thể nạn nhân bị kẹt lại. Công việc của chúng tôi là dọn dẹp, tìm kiếm các thi thể và đưa họ tới khu chôn chung. Họ đã không may mắn khi sống, vì thế họ không đáng phải nằm một mình ở dưới đó khi chết”.

Theo Julius, San Jose là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của siêu bão Haiyan (người Philippines gọi là siêu bão Yolanda) bởi khu vực này khá trống trải, nằm trải dài suốt dọc bờ biển. Cảnh tượng hoang tàn, đổ nát gần như toàn bộ khu vực San Jose đã chứng minh điều Julius nói.

Romel Lacaba – một người dân sống tại Brgy 11, San Jose – đứng cạnh đống đổ nát của ngôi nhà hàng xóm, nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng ngày 8.11: Lúc đó khoảng 7 giờ sáng, gió bão nổi lên rất mạnh và nhanh. Mọi người phải trốn vào trong nhà, cây cối ngoài đường đổ rạp, mái nhà bay rào rào trên không trung. Tiếp đó, những con sóng lớn cao gần 5m nối tiếp nhau tràn từ ngoài biển vào bờ. Sóng lớn tràn tới đâu, nhà cửa sập tới đó. Ô tô cũng bị cuốn trôi. Những ngôi nhà bằng gỗ bị sóng cuốn, gió đánh sập... Cũng may là ngôi nhà 2 tầng của tôi khá chắc chắn nên vẫn trụ vững”.

Anh Romel cho biết, ngay gần khu anh sống có gần 10 người bị chết hoặc mất tích. Toàn bộ khu vực San Jose với khoảng 19.000 dân, số lượng người bị chết hoặc mất tích cũng phải lên tới cả nghìn người.

Chúng tôi có mặt tại tòa thị chính thành phố Tacloban sáng 14.11. Hơn 1.000 người dân đang tập trung tại đây để nhận đồ tiếp tế, cứu trợ như lương thực, thuốc men, nước sạch... từ các cơ quan, tổ chức của Chính phủ cũng như từ nhiều tổ chức cứu trợ nước ngoài. Cả một dãy dài đang xếp hàng một cách khá trật tự giữa trời nắng chang chang để chờ được... sạc pin điện thoại. Tacloban đang là một thành phố tê liệt về mọi mặt.

Tại cổng chính dẫn vào tòa nhà làm việc của nhân viên tòa thị chính, hai dãy bàn kê hai bên để chờ người đến đăng ký. Một bên là dãy bàn để người dân đến khai báo thân nhân bị chết hoặc mất tích do siêu bão. Bên kia là dãy bàn để những người khác đăng ký làm tình nguyện viên cứu trợ nhân đạo.

Một phụ nữ trung niên mếu máo tới bên bàn đăng ký khai báo thân nhân bị chết và mất tích, nói với bà Miles Ragot – Chủ tịch của Tổ chức GATE (Gorvement Association of Tacloban Employee) mà không kìm được những giọt nước mắt nhỏ xuống cuốn sổ: Chồng tôi và 3 đứa con nhỏ đều mất tích...?Khi bão đổ bộ vào Tacloban, tôi đang đi thăm chị họ ở Cebu. Khi được tin bão vào, tôi đã cố gắng liên lạc với chồng và các con bằng mọi cách nhưng không được. Tôi sốt ruột và lo lắng vô cùng, thử liên lạc với những người hàng xóm xung quanh nhưng cũng thất bại. Tôi đã bắt chuyến bay đầu tiên từ Cebu tới Tacloban. Khi quay lại nhà, ở đó chỉ còn lại đống đổ nát. Cả các ngôi nhà xung quanh cũng vậy. Không có một tung tích gì từ chồng và các con tôi. Thật bất hạnh...”. Nói rồi bà đưa tay che mặt, vai rung lên cùng những tiếng nấc.

Bà Miles cũng không giấu nổi sự xúc động của mình. Bà nói với chúng tôi: Theo con số mà các gia đình có thân nhân bị mất tích hoặc chết báo trực tiếp với chúng tôi, tính tới ngày hôm (14.11) là hơn 2.000 người bị chết và hơn 200 người mất tích, khoảng 82.000 gia đình bị ảnh hưởng siêu bão... Tất nhiên đây chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế vì có rất nhiều gia đình bị chết hoặc mất tích cả nhà. Thậm chí có nhiều làng sống cạnh biển đã bị sóng cuốn trôi cả và giờ vẫn chưa thể xác định chính xác họ đang ở đâu”.

Xác nhận thông tin này, sĩ quan Arnel Bacud của NBI (National Bureau of Investigation) chỉ vào hàng chục chiếc bao đựng thi thể đang đặt phía ngoài bãi cỏ trước tòa nhà trung tâm Pasalubong, cách tòa thị chính không xa về phía bãi biển, cho biết: Chỉ vài ngày qua, chúng tôi đã tiếp nhận 182 thi thể. Đa phần trong số này không thể xác định được danh tính. Chỉ có một số ít được người thân nhận dạng và đưa về chôn cất. Số còn lại sẽ được đưa dần ra khu nghĩa địa để chôn cất tập thể”.

Tacloban không cô đơn

Không chỉ thiệt hại nặng nề về con người, người dân Tacloban còn đang phải đối mặt với những thảm họa nhân đạo khác. Đi tới đâu, chúng tôi cũng được những người dân Tacloban chia sẻ rằng: Họ rất cần sự giúp đỡ của Chính phủ, của các nước láng giềng để vượt qua thử thách vô cùng khó khăn này. Những thứ họ cần ngay trước mắt chính là thức ăn, nước sạch và xăng. “Người của Chính phủ phân phát cho chúng tôi lợn, rất nhiều thịt lợn nhưng lại không có gạo. Chúng tôi cần gạo, cần cả nước nữa” - Anthony Biong - người có vợ và 3 đứa con đang sống tạm dưới chân tòa nhà hội đồng tỉnh Leyte – than với chúng tôi.

Chỉ có thịt lợn...
Palencia - người đàn ông 47 tuổi đang sống trong khu nhà chung Nipa House - giơ cái bụng hóp lại của mình mà than thở: Chúng tôi đã bị đói 4, 5 ngày nay rồi. Chỉ có thịt lợn mà không có gạo để nấu, thành ra có thức ăn mà vẫn đói. Cũng may có mấy người hàng xóm giàu có hơn, họ mua gạo về rồi chia cho mỗi nhà được một ít ăn tạm qua ngày. Hãy nói với nước các bạn rằng chúng tôi đang rất cần sự giúp đỡ ngay lúc này.

Anthony kể rằng toàn bộ khu nhà của anh cũng như hàng xóm đều đã bị cuốn trôi ra biển, chẳng còn lấy thậm chí một chiếc áo để mặc. May nhất là không có ai chết. Chỉ vào người đàn ông ngượng nghịu ngồi bên cạnh, Anthony giới thiệu: “Đây là Jun, bạn tôi. Vợ Jun vừa đẻ đêm qua xong, một đứa con trai rất khỏe mạnh”. Tôi hỏi Jun: “Anh định đặt tên con là gì?” – “Còn tên gì nữa, Yolanda là cái tên đẹp đấy”, Anthony cười phá lên, rồi vỗ vai người bạn đang cười mà như mếu.

Chỉ vào những dãy dài xe máy đứng thẳng hàng, anh Palencia ở khu nhà chung Nipa House giải thích, không có xăng chúng tôi cũng chẳng thể đi đâu. Xe máy đành vứt xó vậy đấy. Không có phương tiện đi lại, nếu muốn mua xăng thì phải trả tới 250 peso cho 1 lít xăng, gấp 5 lần ngày thường mà cũng chẳng có đủ xăng mà mua. Điện thì chắc sẽ còn rất lâu mới có lại vì toàn bộ hệ thống dây điện, cột điện đã bị phá hủy hoàn toàn trong bão. Nhưng nếu có xăng có thể chạy máy nổ để phát điện...

Trên con đường chính từ trung tâm thành phố dẫn ra sân bay, vẫn những dòng người lầm lũi di chuyển bằng mọi phương tiện hối hả tìm cách thoát khỏi Tacloban, thoát khỏi những ám ảnh chết chóc kinh hoàng, như chúng tôi đã thấy hôm mới đặt chân tới đây. Nhưng chúng tôi biết, Tacloban không cô đơn. Vẫn còn đó rất nhiều cư dân sẵn sàng ở lại, đương đầu với vô vàn gian khó phía trước để dọn dẹp và xây dựng lại một thành phố mới, cùng với sự trợ lực ngày càng nhiều của rất nhiều bàn tay chia sẻ và trái tim nhân hậu từ khắp nơi trên thế giới.
Hải Phong – Lê Hữu Thọ (từ Tacloban, Philippines) (Hải Phong – Lê Hữu Thọ (từ Tacloban, Philippines))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem