Đụng đâu thiếu đó
Trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Văn Tú – Trưởng phòng Thông tin huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông Hà Giang) cho biết, hàng năm ngân sách tỉnh Hà Giang cấp cho trung tâm tỉnh khoảng 1,8 – 2 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ chi trả lương, triển khai các chương trình, dự án khuyến nông thường xuyên… Tuy nhiên, ở cấp huyện, xã rất thiệt thòi vì sự hỗ trợ từ ngân sách vô cùng khiêm tốn. Nơi nào lãnh đạo huyện quan tâm thì nơi đó KNV có chế độ phụ cấp tốt, ở những vùng biên giới xa xôi, huyện nghèo thì KNV phải làm việc trong điều kiện rất khó khăn, từ chế độ phụ cấp tới điều kiện, thiết bị làm việc đều thiếu thốn.
Cán bộ khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cùng ông Nguyễn Hữu Tân (phải) ở tổ 1, phường Tân Quang, TP.Tuyên Quang chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông Lô. Ảnh: Thiên Ngân
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ cán bộ khuyến nông trên đầu người rất thấp, bình quân 37.201 người mới có 1 cán bộ khuyến nông. Không những thiếu về nhân lực cấp cơ sở, đội ngũ khuyến nông còn nhiều hạn chế về trình độ, số cán bộ khuyến nông có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 31,9%.
|
“Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị lên cấp trên tăng phụ cấp cho cán bộ khuyến nông bán chuyên trách từ 0,8 lên mức 1,4, đặc biệt ưu tiên cho cán bộ ở vùng sâu, vùng cao biên giới. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Trước mắt, để giải quyết vấn đề thu nhập cũng như giữ chân cKhuyêán bộ KNV ở cơ sở, chúng tôi chủ trương sát nhập một số chức danh như bí thư chi bộ thôn kiêm cán bộ KNV, hoặc trưởng thôn, phó thôn sẽ đảm nhiệm thêm công việc này” – anh Tú nói.
Ông Hà Ngọc Giang - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết thêm: “KNV cơ sở là người trực tiếp tổ chức vận động nông dân tham gia vào các chương trình nông nghiệp trọng điểm của huyện, tuy nhiên hiện nay họ không có lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội, phụ cấp còn thấp nên không tuyển được người đúng chuyên môn, có trình độ”. Ví dụ như ở xã Sơn Vi, lãnh đạo xã từng phải vận động cán bộ đã nghỉ hưu đi làm cán bộ khuyến nông. Mặc dù trên địa bàn xã có 2 người tốt nghiệp đại học về lĩnh vực nông nghiệp, được xã tuyển dụng làm KNV nhưng không ai làm vì phụ cấp thấp, không có biên chế.
Trước thực trạng khuyến nông cơ sở có nguy cơ vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, năm 2015 tỉnh Cao Bằng đã tổ chức một hội nghị góp ý cho chính sách khuyến nông, đồng thời xây dựng Nghị quyết mới về điều chỉnh tổ chức khuyến nông xã, xóm, chính sách đối với KNV xã và kinh phí cho công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi xã, phường thị trấn có sản xuất nông lâm nghiệp được bố trí 1 KNV, trình độ từ trung cấp trở lên. KNV xã sẽ trực thuộc trạm khuyến nông khuyến lâm huyện, được hưởng lương theo bằng cấp, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và được xét nâng bậc lương nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ 5 năm liên tục…
Cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông tỉnh Hà Nam tham gia thực hành tại hiện trường mô hình chăm sóc cây cà tím. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hà Nam
Gửi thư kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Lý giải về việc vì sao lực lượng KNV rất quan trọng đối với phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp nhưng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi trong nhiều năm qua, TS Tống Khiêm – nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia thừa nhận, đúng là chế độ đãi ngộ cho lực lượng KNV hiện nay chưa tương xứng với công sức của họ. Vấn đề này chủ yếu do những tồn tại, hạn chế về chính sách, trong đó có những quy định trong Nghị định 02/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN có nhiều nội dung lỗi thời, đang tạo ra sự bất cập cho hệ thống khuyến nông Việt Nam và không còn phù hợp với bối cảnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá hiện nay.
Cụ thể, Điều 17 Nghị định 02 có nêu các dự án khuyến nông do ngân sách nhà nước cấp được tuyển chọn theo phương thức xét chọn, hoặc đấu thầu cạnh tranh do Bộ trưởng Bộ NNPTNT quy định. Xét chọn nghĩa là vẫn phân bổ cho các đơn vị hoạt động khuyến nông chuyên nghiệp như trung tâm khuyến nông của 63 tỉnh thành (kinh phí thường bằng 70-75% tổng kinh phí) và cho khối Trung ương (các viện nghiên cứu, hội, đoàn thể…) khoảng 25-30% tổng kinh phí. Song thực tế Bộ triển khai lại rất khác nhau, có năm 100% kinh phí phải đấu thầu cạnh tranh, những năm sau đó lại gần như chỉ định, chủ yếu cho khối nghiên cứu, doanh nghiệp, các trung tâm khuyến nông chuyên nghiệp ở địa phương hầu như đứng ngoài cuộc, với lí do đây là kinh phí khuyến nông T.Ư, trong khi dù là dự án T.Ư hay địa phương hoạt động khuyến nông đều diễn ra ở cơ sở.
Cán bộ khuyến nông tỉnh Lai Châu (người ngồi) hướng dẫn bà con xã Bản Hon, huyện Tam Đường kỹ thuật chăm sóc cam. Ảnh: Internet
TS Tống Khiêm chỉ rõ: “Việc Bộ NNPTNT giao Vụ Khoa học - Công nghệ là đầu mối quản lý nhà nước đối với trung tâm khuyến nông là không phù hợp. Ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Hà Lan..., cơ quan khuyến nông nằm trong Bộ Đại học, hoặc các trường đại học, họ chủ yếu tư vấn qua internet và thu tiền”.
“Thời tôi còn làm việc tại Trung tâm khuyến nông quốc gia, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị trả thù lao cho lực lượng cán bộ khuyến nông theo bằng cấp đào tạo, ví dụ anh là kỹ sư thì phải trả lương theo bằng kỹ sư, có bảo hiểm đầy đủ, tuy nhiên khi thực hiện, mỗi tỉnh lại làm một kiểu. Theo đó tỉnh nào giàu thì thực hiện như trong Nghị định 02, tỉnh nghèo thì tự lo được đến đâu hay đến đó, bình quân lương cho cán bộ khuyến nông chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng/tháng. Chính cơ chế này đang làm thui chột sức sáng tạo và khả năng cống hiến của cán bộ KNV đối với ngành nông nghiệp” – ông Khiêm nói thêm.
Là người có nhiều tâm huyết với hoạt động khuyến nông Việt Nam, TS Tống Khiêm cũng tiết lộ, mới đây ông đã gửi thư kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong đó có đề xuất Bộ NNPTNT nên thay đổi chức năng nhiệm vụ của trung tâm khuyến nông quốc gia và đổi tên thành Cục Quản lý các dự án khuyến nông T.Ư hoặc Ban quản lý các dự án khuyến nông T.Ư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.