Bài 1: Nghi án 4 trai làng bị phạt tù oan: Chứng cứ không rõ, vẫn bắt người
Suy diễn để kết tội?
Cuối tháng 10.2010, TAND huyện Phú Vang mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt anh Dương Quang Việt 4 năm tù, Nguyễn Văn Hùng 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thành Huy 3 năm tù và Võ Đại Quốc Dũng 2 năm tù về tội cướp giật tài sản. Sau khi những thanh niên này kháng cáo, tháng 1.2011, TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế mở phiên xét xử phúc thẩm nhưng vẫn tuyên y án sơ thẩm.
Người thân của một bị cáo ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu sau khi tòa sơ thẩm tuyên án hồi tháng 10.2010. Ảnh: An Sơn
Tại 2 phiên tòa này, cả 4 thanh niên đều đồng loạt kêu oan. Những thanh niên này khai rằng do bị đánh đập, dọa nạt, ép phải khai theo ý của điều tra viên nên họ phải nhận tội. Tại phiên tòa phúc thẩm, 4 thanh niên này còn kể rành mạch tên các điều tra viên đã bức cung, ép cung họ. Đáp lại lời khai này của các bị cáo, tòa hỏi các bị cáo có bằng chứng gì để nói mình bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung? Các bị cáo trả lời rằng bị nhốt trong phòng giam nên không thể có bằng chứng gì được!
Nạn nhân của vụ cướp giật là bà Lê Thị Hoa và con trai là Hoàng Vũ cho biết, chỉ thấy một đối tượng thực hiện vụ cướp điều khiển xe máy nhưng không biết rõ là ai cướp. Mặc dù vậy, cáo trạng của Viện Kiểm sát lại khẳng định Huy chở Hùng áp sát xe bà Hoa để Hùng giật túi xách rồi bỏ chạy, còn Dũng chở Việt chạy theo sau 10m…
Hai vật chứng được các phiên tòa này dùng để buộc 4 thanh niên trên tội cướp giật là chiếc xe máy 75F9- 2487 của ông Võ Tánh (cha anh Dũng) và chiếc áo sơ mi ngắn tay màu trắng sọc dọc màu đỏ của anh Việt. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có cơ sở nào để chứng minh đó là các vật chứng. Đơn cử như chuyện chiếc áo của anh Việt. Theo lời khai của bà Hoa, khi bà bị cướp, bà nhìn thấy hung thủ mặc áo sơ mi màu trắng sọc đen chứ không phải áo màu trắng sọc đỏ như áo của anh Việt.
Thế nhưng, tại phiên xử sơ thẩm, đại diện Viện KSND huyện Phú Vang là các kiểm sát viên Hồ Ngọc Ẩn và Trần Ánh khẳng định: "Do lời khai của các bị cáo giống nhau, hơn nữa nếu không cướp thì đã không bồi thường tự nguyện"?!.
Nhiều mâu thuẫn
Ngoài việc TAND cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu 4 thanh niên trên bổ sung tài liệu, chứng cứ để thụ lý đơn kêu oan, sau khi nhận được đơn của những thanh niên này, Văn phòng Trung ương Đảng cũng đã chuyển đơn cho Viện KSND Tối cao nghiên cứu, xem xét theo thẩm quyền.
|
Tại 2 phiên tòa, luật sư Lê Thị Trà My (Văn phòng Luật sư Thiên Hà, TP.Huế)- một trong những người bào chữa cho 4 bị cáo- cho biết: Có nhiều bằng chứng ngoại phạm của các bị cáo đã bị các cơ quan tố tụng bỏ quên.
Cụ thể, hồ sơ vụ án khẳng định các thanh niên trên rời nhà chị Nguyễn Thị Liền ở xã Phú An vào lúc 22 giờ 30 ngày 17.6.2009, còn vụ cướp xảy ra lúc 22 giờ 50 phút cùng ngày. Như vậy, các bị cáo chỉ có 20 phút để đi từ nhà chị Liền đến nơi xảy ra vụ cướp. Trong khi đó, sau khi rời nhà chị Liền, 4 bị cáo đã phải nghỉ nhiều chỗ trên đường do bị tai nạn 2 lần khiến xe máy bị hỏng và phải dừng lại ở một địa điểm khác để gọi bạn.
"Ban ngày, chúng tôi đã thử chạy xe máy từ nhà chị Liền đến cầu Phú Khê mất 10 phút. Thời gian ngừng nghỉ trên đường của các bị cáo mất ít nhất cũng 10 phút nữa. Tức là lúc các bị cáo có mặt ở cầu Phú Khê đã là 22 giờ 50 phút, thời điểm này đã xảy ra vụ cướp, vậy các bị cáo làm sao thực hiện hành vi cướp giật"- luật sư Trà My phân tích. Tại phiên tòa sơ thẩm, đuối lý trước lời bào chữa này của luật sư Trà My, đại diện Viện KSND huyện Phú Vang bất ngờ khẳng định cáo trạng không kết luận vụ án xảy ra lúc 22 giờ 50 mà là khoảng 23 giờ 5 phút (dù cáo trạng đã ghi rõ là khoảng 22 giờ 50 phút).
Tuy nhiên, theo luật sư Trà My, khẳng định của vị công tố một lần nữa lại thiếu căn cứ. Bởi vì nếu các bị cáo thực hiện hành vi cướp giật thì sau khi mất ít nhất 20 phút đi từ nhà chị Liền đến cầu Phú Khê, họ còn mất ít nhất khoảng 10 phút theo dõi bà Hoa cho đến khi thực hiện hành vi. Như vậy các bị cáo chỉ có 5 phút để vừa cướp, vừa bỏ chạy vừa chia tiền, điều này không thể thực hiện.
Một người bào chữa khác của các bị cáo là luật sư Huỳnh Phương Nam (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam, TP.Hà Nội) cũng chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong vụ án: Nạn nhân khai chỉ nhìn thấy 1 xe máy, 1 người thực hiện vụ cướp nhưng vì sao hồ sơ vụ án lại thành 2 xe, 4 người? Chiếc xe mà đại diện Viện Kiểm sát cho là phương tiện gây án thì đã hỏng, không còn chạy được trước khi xảy ra vụ cướp nên không thể dùng làm phương tiện đi cướp. Chiếc dép da của tên cướp đánh rơi trên đường là manh mối truy tìm kẻ cướp, nhưng cơ quan điều tra cất vào kho vì không có bị cáo nào thử vừa chân. “Viện Kiểm sát chỉ dựa vào lời khai bất nhất của các bị cáo để buộc tội trong khi tại tòa họ đều nói bị ép cung nên khai bừa. Điều này có dấu hiệu của sự áp đặt trong buộc tội, là vi phạm tố tụng nghiêm trọng "- luật sư Nam phân tích.
Quá sốc trước phán quyết của HĐXX, tại 2 phiên tòa này, các bị cáo và người thân đã kịch liệt phản đối và gào khóc thảm thiết khiến phòng xử hỗn loạn. Một số người thân của bị cáo đã ngất xỉu, phải cấp cứu ở bệnh viện.
Bà Võ Thị Hà - mẹ anh Nguyễn Thành Huy - cho biết, hơn 6 năm qua, gia đình bà và gia đình các anh Việt, Hùng, Dũng đã bán hết những tài sản có giá trị nhất trong nhà và vay mượn khắp nơi để đi đến các cơ quan trung ương kêu oan cho con.
“Hy vọng lần này TAND cấp cao tại Đà Nẵng sẽ xem xét thấu đáo để minh oan cho con chúng tôi” - bà Hà mong mỏi.
(Còn tiếp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.