Ngày 24/10, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Đức V (SN 1950, trú khu phố 2, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Không phải Phạm Văn V như thông tin ban đầu) đề điều tra nghi án giết người.
Nạn nhân là bà Nguyễn Thị N (SN 1941), chị ruột cùng mẹ khác cha của V.
Đối tượng Nguyễn Đức V vướng nghi án đánh chết chị ruột.
Theo đó, người dân trình báo với chính quyền và công an địa phương đối tượng Nguyễn Đức V đã đánh, đấm khiến bà N tử vong vào khoảng hơn 10h ngày 22/10.
Tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và đang điều tra, xác minh vụ việc.
Bước đầu cho thấy nạn nhân bị đa chấn thương, chảy máu ổ bụng.
Được biết, bà N là đối tượng chính sách, ông V thường ngày vẫn sang nhà chị gái để cận kề chăm sóc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tâm tính ông V có thay đổi, nóng nảy hơn.
Bà Nguyễn Thị Liễn, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Gio Linh cho biết, nạn nhân N có hồ sơ bệnh tâm thần kinh từ năm 1998.
Còn đối tượng V có hồ sơ tâm thần kinh, điều trị ngoại trú bệnh thần kinh phân liệt từ năm 2001.
Hàng tháng người nhà đến trạm y tế nhận thuốc điều trị cho V uống mỗi ngày. V thường đi lang thang, nhiều lúc đến trạm y tế thị trấn Gio Linh chơi, nói chuyện nhưng chưa thấy quậy phá, nổi nóng bao giờ.
Theo bà Liễn, buổi sáng trước khi vướng nghi án đánh chết chị gái, tuy ở tay không có vết thương nào nhưng đối tượng V đến trạm y tế thị trấn Gio Linh, gặp ai mặc áo trắng cũng nhờ rửa vết thương.
Ông Phùng Văn Trường, cán bộ văn hoá – xã hội UBND thị trấn Gio Linh cho biết, đối tượng V thuộc trường hợp bệnh tâm thần phân liệt loại nặng, mỗi tháng hưởng 540.000 đồng tiền chế độ trợ cấp.
Theo ông Trường, V hàng ngày không có biểu hiện, hành động gì nguy hiểm cho xã hội, không rõ tại sao lại vướng vào nghi án.
Ngôi nhà của V và chị gái chung cổng, cận nhau.
Cách đây khoảng 3 tháng, tại thị trấn Gio Linh cũng có một đối tượng tâm thần phân liệt bỗng dưng nổi nóng dùng dao chém một phụ nữ bán hàng quán bên đường. Rất may con dao không sắc bén nên nạn nhân chỉ bị thương ở cổ, không ảnh hưởng tính mạng.
Ông Trường cho biết, từ những vụ việc vừa qua có thể thấy những đối tượng bị tâm thần phân liệt hàng ngày biểu hiện khá bình thường, không ai nghĩ sẽ nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, những người này có thể nổi nóng, lên cơn bất cứ khi nào nên phải hết sức đề phòng.
“Tôi kiến nghị, với những người bị bệnh tâm thần phân liệt nặng thì phải đưa ngay vào các trung tâm bảo trợ tập trung để được quản lý, chăm sóc, chữa bệnh đúng quy trình”, ông Trường nói.
Ông Nguyễn Trí Thanh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay tỉnh có đến 2.700 người bị bệnh về tâm thần kinh, trong đó có gần 1.900 người bị tâm thần nặng.
Hiện nay, Trung tâm bảo trợ xã hội tổng hợp 1, thuộc Sở LĐTBXH Quảng Trị đã tiếp nhận 56 người bị tâm thần phân liệt vào chữa trị.
Ông Thanh cho hay, người bị tâm thần nặng, nguy hiểm cho xã hội mới đủ tiêu chuẩn đưa vào các trung tâm và sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa trị.
Muốn đưa người bệnh tâm thần vào các trung tâm, trước tiên gia đình có đơn đề nghị gửi xã, phường. Chính quyền, cơ quan chuyên môn sẽ họp thống nhất, thẩm định tình trạng bệnh của đối tượng, nếu là bệnh tâm thần nặng, nguy hiểm cho xã hội thì đề nghị các trung tâm tiếp nhận.
Với những người bị tâm thần nhưng chưa đủ tiêu chuẩn (bị nhẹ hoặc chưa gây nguy hiểm cho xã hội – PV) nếu có nhu cầu đưa vào trung tâm thì mỗi tháng cần nộp số tiền tối thiểu 1.080.000 đồng/tháng. Đây là số tiền lớn đối với những gia đình khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.