Trước hết, điểm qua về gia đình Tam Tạng, có thể tóm tắt như sau: Cha Tam Tạng tên là Quang Nhụy, thi đỗ trạng nguyên rồi lấy vợ là Ôn Kiều - con gái thừa tướng. Trên đường đi nhậm chức Tri châu quận thành Giang châu, vợ chồng Quang Nhụy đi đò qua sông Hồng Giang. Tay lái đò Lưu Hồng thấy Ôn Kiều xinh đẹp thì cùng đồng bọn Lý Bưu đánh chết Quang Nhụy, vứt xác xuống sông, ép Ôn Kiều làm vợ. Bà khi ấy đã mang thai nên nhịn nhục làm vợ Lưu Hồng.
Để bảo đảm tính mạng cho con, Ôn Kiều đã cắn đứt nửa ngón út chân trái của Tam Tạng làm dấu, viết một lá thư máu kể ngọn ngành câu chuyện cùng căn cước cha mẹ rồi thả con trai trôi sông. 18 năm sau, Tam Tạng biết được thân thế, xuống núi báo thù cho cha mẹ.
Mạch thời gian phi thực tế
Trong nguyên tác, xuất thân của Tam Tạng gói trong toàn bộ Hồi 9. Dù tình tiết phức tạp nhưng Ngô Thừa Ân lại kể khá gấp gáp. Trên đường về sau khi đỗ trạng nguyên, Quang Nhụy được Ôn Kiều ném tú cầu trúng người. Toàn bộ quá trình từ lần đầu gặp mặt đến kết hôn, động phòng vỏn vẹn 1 ngày, nhanh hơn cả “chồng nhặt”. Sáng hôm sau, vua Đường đã phong cho Quang Nhụy làm tri phủ Giang Châu và “lệnh cho phải thu xếp lên đường ngay không được lỡ hạn”.
Quãng đường từ kinh thành đến sông Hồng Giang là 15 dặm (hơn 24 km). Cả nhà Quang Nhụy đi ngày đêm không nghỉ, mất “vài ngày” (1 – 7 ngày) để đến tiệm Vạn Hoa; mất 3 ngày để mẹ Quang Nhụy nghỉ dưỡng bệnh và tiếp tục mất “vài ngày” (1 – 7 ngày) để đến bến đò Hồng Giang – nơi Quang Nhụy bị giết. Toàn bộ hành trình này ước tính tối đa khoảng… 20 ngày, tối đa là 1 tháng.
Nhân vật Trần Quang Nhụy trong "Tây du ký 1986".
Đối chiếu Hồi 37, Tam Tạng có nhắc đến xuất thân của mình: “Cha tôi bị thủy tặc giết, mẹ tôi bị ép, trải qua 3 tháng, sinh thành tôi”. Hay thời điểm từ lúc Quang Nhụy bị giết đến lúc Ôn Kiều hạ sinh Tam Tạng là 3 tháng. Đây là điểm mấu chốt của thuyết nghi vấn.
Cứ cho rằng Ôn Kiều mang thai ngay sau đêm động phòng, thì bà chỉ ở tháng thứ 4 – 5 thai kỳ đã sinh Tam Tạng. Đây là nghi vấn mà người đọc Tây du ký nhiều thế hệ đã tranh cãi không dứt.
Vì thế, người đọc đặt nhiều giả thuyết về xuất thân của Tam Tạng, phổ biến là các giả thuyết: Tam Tạng là Kim Thiền Tử chuyển thế nên dù sinh non “quá đà” vài tháng vẫn hợp lý; Tam Tạng không phải là con của Trần Quang Nhụy; hoặc tác giả Ngô Thừa Ân khi viết Hồi 37 đã không kiểm tra mạch thời gian của Hồi 9.
Ngô Thừa Ân sơ ý hay hữu ý?
Không chỉ xuất thân của Tam Tạng còn nhiều khuất tất, Hồi 9 cũng bị người đọc chê kém logic. Nhân vật Ân Khai Sơn - cha Ôn Kiều, ông ngoại Tam Tạng, có thật trong lịch sử. Thực tế, ông là một tướng quân khá nổi tiếng giai đoạn cuối nhà Tùy đầu nhà Đường nhưng chưa bao giờ lên đến chức thừa tướng. Ông mất năm 622 trong khi bối cảnh truyện là năm 638 (năm Trinh Quán thứ 13).
Theo nguyên tác, Lưu Hồng – kẻ giết cha, lấy mẹ Tam Tạng, là một tên thủy tặc (cướp sông) núp bóng người chèo đò. Tên này chỉ có một đồng bọn tên Lý Bưu nhưng làm ra toàn chuyện tày trời: giết quan tri phủ, ép con gái thừa tướng làm vợ mình – bất chấp Ôn Kiều là nhân chứng sống duy nhất của vụ án, rồi mạo danh người chết nhậm chức tri phủ trong 18 năm không ai phát giác. Thậm chí, để vây bắt Lưu Hồng – một tên cướp sông bình thường, Tam Tạng và thừa tướng phải dẫn đến 50 – 60 nghìn binh vua cho. Người đọc luôn thắc mắc Lưu Hồng thực sự là ai mà ghê gớm như vậy.
Xuất thân của Tam Tạng tạo nhiều nghi vấn.
Đáng lưu ý, Ôn Kiều nhịn nhục 3 tháng bên Lưu Hồng để sinh con an toàn nhưng 18 năm sau đó, bà vẫn bình yên làm vợ của kẻ giết chồng. Người đọc tự hỏi, vì sao suốt 18 năm, Ôn Kiều không một lần về thăm nhà, không thư từ mà vợ chồng thừa tướng Ân Khai Sơn vẫn thản nhiên, không chút thắc mắc. Tương tự, mẹ Quang Nhụy khi khỏi bệnh cũng ở Hồng Châu 18 năm, không đi tìm con trai vì tưởng con thành danh quên mình. Những chi tiết này rất gượng ép, thiếu thuyết phục.
Trong khi đó, đến lúc Tam Tạng tìm mẹ và mang theo thư máu, Ôn Kiều chỉ nói dối 1 câu với Lưu Hồng là đã được ung dung đến chùa Kim Sơn gặp con. Chính Ôn Kiều là người bày cho Tam Tạng kế hoạch báo thù khi gặp lại ở chùa Kim Sơn: “Con cầm phong thơ này đi xuống Trường An, phía bên tả thành vua có dinh quan thừa tướng Ân Khai Sơn là ông ngoại con đó. Con trao thơ nầy cho ông ngoại đặng ông ngoại tâu vua xin phép, đem quân tới vây bắt Lưu Hồng, một là cứu mẹ, hai là báo cừu cha, mẹ không dám ở lâu sợ nó nghi ngại”.
Vì thế, rất khó tin rằng bà đã không có cơ hội nào báo án cho chồng trong nhiều năm như vậy. Chưa kể, Ngô Thừa Ân nhiều lần nhắc chuyện Lưu Hồng rất bận rộn việc quan, thường xuyên ra ngoài, chẳng mấy khi ở nhà.
Hồi 9 đóng vai trò quan trọng trong mạch truyện vì xuất thân của Tam Tạng đã bao hàm 4 trong tổng số 81 kiếp nạn của nhân vật này. Là bậc thầy xây dựng nội dung, rất khó hiểu khi Ngô Thừa Ân xây dựng loạt tình tiết phi logic, phạm nhiều lỗi sơ đẳng như vậy. Vì thế nhiều người cho rằng tác giả có dụng ý khác.
PV (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.