Nghi vấn “mẹ lỗ, con lãi”

Thứ tư, ngày 21/12/2011 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều ý kiến cho rằng khâu quản lý còn không ít bất cập, lỏng lẻo đã tạo nên vô số kẽ hở để các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu “lách”, kinh doanh có lãi lớn nhưng không giảm giá bán lẻ.
Bình luận 0

Doanh nghiệp kêu oan!

Hôm qua, khi phóng viên Dân Việt hỏi về kết quả thanh tra mà Bộ Tài chính công bố, ông Trịnh Kim Nhạc - Phó Tổng giám đốc PVOil (Tổng Công ty Dầu VN) cho biết, kết quả Bộ Tài chính công bố đã rõ. Các cơ quan nhà nước đã thanh tra, kiểm tra nên doanh nghiệp (DN) hoàn toàn tuân theo các kết quả vừa công bố của cơ quan nhà nước...

img
Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã không sòng phẳng với người tiêu dùng về giá bán sản phẩm.

Một cựu lãnh đạo của PVOil cũng cho rằng, những gì Bộ Tài chính công bố là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính có những tính toán cho cả giai đoạn, chứ không chỉ dựa vào những số liệu của một tháng thì sẽ có những thông tin xác thực hơn về hoạt động kinh doanh nói chung của các DN xăng dầu.

Lý giải về việc các DN xăng dầu lãi song luôn kêu lỗ để muốn tăng giá, vị cựu lãnh đạo này cho biết, trước thời điểm để tính toán, thanh tra của Bộ Tài chính, các DN xăng dầu đã lỗ nên giai đoạn sau có lãi cũng là bình thường.

Ông này cho rằng, lâu nay, kinh doanh xăng dầu bị kiểm soát quá nhiều, từ khâu mua về, giá bao nhiêu... tất cả đều đã có định mức kinh doanh; do vậy nếu không có một định mức chi phí kinh doanh phù hợp thì rất khó để minh bạch và thuận lợi cho ngành xăng dầu trong hoạt động buôn bán.

Bà Đàm Thị Huyền - Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, việc Bộ Tài chính kết luận chi phí kinh doanh của các DN xăng dầu vượt định mức, trong đó chiết khấu bán hàng khâu trung gian cao vượt mức cho phép... là "oan" cho DN, vì chi phí 600 đồng/lít chỉ là con số dùng để tính giá cơ sở để trên cơ sở đó bù lỗ cho DN, để trích quỹ bình ổn... chứ không đơn thuần chỉ là chi phí kinh doanh của DN.

Theo bà Huyền, hiện tất cả các tổng đại lý đều nói chiết khấu bán hàng thấp quá nên không chịu nổi. Bà Huyền kiến nghị liên Bộ Công Thương-Tài chính xử lý sớm vướng mắc trong chi phí kinh doanh của DN để DN tổ chức kinh doanh thuận lợi.

Nghi vấn “mẹ lỗ, con lãi”

Ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế nhận định: Việc Bộ Tài chính minh bạch thông tin trong kinh doanh xăng dầu và công bố công khai kết quả thanh tra DN bước đầu đã báo hiệu về tính công khai và muốn phá vỡ những gì lạc hậu, bất cập của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay. “Nhưng muốn ngành xăng dầu chuyển dần sang cơ chế thị trường, từ bỏ độc quyền thì phải thay đổi cách quản lý nhà nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực” - ông Thắng nói.

Trong nhiều cuộc họp của ngành công thương gần đây, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nêu thực tế: Trong khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, rất nhiều DN xăng dầu đầu mối đòi tăng giá, rất nhiều đại lý ép tăng hoa hồng, dọa và thực tế đã đóng cửa hàng; một số đầu mối hạn chế nhập khẩu. Song rất tiếc cơ quan chức năng chưa có hình thức xử lý nghiêm.

TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội ủng hộ đề xuất của đoàn kiểm tra rằng nên đưa Quỹ Bình ổn xăng dầu về Bộ Tài chính. Quỹ này được sử dụng để hỗ trợ các DN đầu mối thực hiện chính sách bình ổn theo cơ chế: DN đăng ký, kê khai quỹ; kết thúc năm Nhà nước sẽ thực hiện hậu kiểm và quyết toán số chính thức với DN. Thực tế, đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị trước đó.

Ông Phong lý giải: Người dân sẽ hài lòng hơn khi nguồn tiền này được công khai, minh bạch. Ví dụ, thay vì trích 1.000 đồng cho ngân sách, 1.000 đồng cho Quỹ Bình ổn, người dân muốn trích 2.000 đồng cho ngân sách; khi cần hỗ trợ lại điều chỉnh bằng công cụ thuế. Lúc đó chỉ còn cơ chế trích lập ngân sách để cơ quan điều hành giá dùng khi cần.

Ông Lê Hoàng Hải - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trưởng đoàn kiểm tra cũng lý giải thêm: Việc các DN xăng dầu bán hàng cho đại lý dưới giá vốn với số tiền lên tới 847 tỷ đồng đã là một trong những nguyên nhân để DN xăng dầu liên tục kêu lỗ.

“Sự việc này đoàn kiểm tra đang kiến nghị làm rõ vì hiện vẫn chưa thể kết luận có hiện tượng “mẹ lỗ, con lãi”, chuyển giá ở các DN này hay không. Nhưng trên thực tế khi chiết khấu càng cao thì DN bán hàng sẽ càng lỗ và đại lý sẽ càng có lợi” - ông Hải nói.

Không thể chấp nhận

Dù kinh doanh trên lĩnh vực khác nhau nhưng dễ dàng nhìn thấy điểm tương đồng về cách hành xử của 2 doanh nghiệp lớn là EVN và Petrolimex, giữ vai trò chi phối trong 2 mặt hàng thiết yếu với cả nền kinh tế. EVN cũng báo lỗ, tuy nhiên lương của cán bộ EVN vẫn lên tới gần 14 triệu đồng/tháng và tính toàn bộ công nhân viên thì ở mức 7,3 triệu đồng. Còn Petrolimex cũng kêu lỗ, nhưng vẫn tự tung tự tác trả thù lao vượt quy định hơn 500 tỷ đồng cho các đại lý. Đó chính là sự vô cảm trước sự khó khăn của người dân, không giảm giá dân bị thiệt thòi.

“Hoa hồng” và lại quả

"Hoa hồng" trong các hoạt động kinh tế là chuyện bình thường. Nhưng các doanh nghiệp xăng dầu chi cao cho các đại lý để nhận lỗ về mình là điều không bình thường. Hành vi chi "hoa hồng" vượt định mức của các doanh nghiệp xăng dầu đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả thanh tra và kiểm toán đã có. Và dựa trên kết quả này, cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ có thể vào cuộc để làm rõ, xử lý.

Phải phá bỏ thế độc quyền

Trước đây khi VNPT còn độc quyền viễn thông cũng kêu lỗ thường xuyên, sau này nhờ có Viettel, SFone... chia sẻ bớt thị trường bỗng dưng VNPT hết lỗ, năm sau còn lời nhiều hơn năm trước. Vì thế nên người dân mua dịch vụ viễn thông luôn được hưởng những đợt khuyến mãi từ 50 - 100% giá trị sản phẩm liên tục. Chỉ có cách phá thế độc quyền của doanh nghiệp xăng dầu thì người dân mới bớt khổ. Cứ độc quyền như thế này thì người dân lãnh đủ. Đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục bóc gỡ thêm cho bà con được nhờ.

Kinh doanh xăng dầu chỉ có lãi

Nếu đủ vốn tôi sẽ mở trạm xăng. Kinh doanh mặt hàng thiết yếu như vậy chắc chắn không bao giờ lỗ, vì có 2 cơ chế bảo vệ. Một là nếu lỗ thật, công ty mẹ sẽ bù lỗ cho đại lý. Hai là công ty mẹ sẽ tăng giá. Thêm nữa, dù có lời công ty mẹ vẫn có thể than lỗ để Nhà nước bù giá. Nói chung đường nào cũng lời thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem