Nửa năm trôi qua, nỗi đau mất con vẫn còn nguyên vẹn nhưng chính ý nghĩ một phần cơ thể con vẫn sống trên cõi đời này đã cứu rỗi cuộc đời của vợ chồng ông.
Trong lúc tuyệt vọng nhất vẫn nghĩ tới việc cứu người
Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Sang vào một buổi chiều muộn khi Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần. Ngôi nhà cấp bốn nhỏ xíu, dột nát nằm nép mình bên bờ sông. Bên trong chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài một bộ bàn ghế đã có nhiều chỗ mọt, một chiếc giường và một chiếc tủ cũ. Phía trên chiếc tủ đặt di ảnh của Dương.
Vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mệnh của con trai bà Vũ Thị Sơn (SN 1961) đã trôi qua được gần 6 tháng nhưng với người phụ nữ này thì nỗi đau ấy chưa một ngày nguôi ngoai. Nhiều đêm trong giấc ngủ chập chờn bà Sơn vẫn thường ú ớ gọi tên con. Choàng tỉnh sau cơn mơ bà lại ngồi khóc.
Con trai là chỗ dựa duy nhất của vợ chồng ông Sang đã ra đi mãi mãi.
Thương vợ, ông Sang chỉ biết động viên: “Thôi, cứ coi như con mình phận mỏng. Nó ra đi nhưng đã cứu sống được rất nhiều người, bà hãy cứ xem đó là niềm hạnh phúc”. Luôn phải tỏ ra cứng rắn để làm chỗ dựa cho người vợ ốm yếu chứ trong sâu thẳm tâm can ông Sang cũng đau như xát muối.
Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên hơn 40 tuổi ông mới kết hôn rồi sau đó sinh được Dương. Ông Sang bảo: “Vợ chồng tôi lớn tuổi mới có con. Nhìn con càng lớn càng trắng trẻo, khôi ngô, chúng tôi hạnh phúc lắm. Nó chính là hy vọng duy nhất để vợ chồng tôi dựa dẫm khi về già. Vậy mà đùng một cái, ông trời cướp nó đi, đau đớn nào bằng”.
Nhìn cảnh đôi vợ chồng già khô khốc trong cái rét mùa đông khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng. Trò chuyện với chúng tôi bà Sơn bật khóc: “Năm nay vợ chồng tôi coi như không có Tết. Những năm trước dù nhà rất nghèo nhưng cứ đến những ngày cận Tết thì vợ chồng con cái đều phấn khởi. Chả sắm được mâm cao cỗ đầy nhưng không khí vẫn đầm ấm lắm. Năm nay chỉ còn hai thân già trơ trọi, lòng dạ nào mà đón Tết nữa”.
Nguyễn Văn Dương là con trai duy nhất của ông Sang và bà Sơn. Đó cũng là niềm hy vọng duy nhất của ông bà. Dù gia cảnh nghèo khó, dù bệnh tật bủa vây nhưng cả hai ông bà đều cố gắng hết sức để con được học hành bằng bạn bằng bè.
Tuy nhiên, khi đang học lớp 11, Dương đã phải bỏ học giữa chừng vì mẹ bệnh nặng. Thời điểm đó Dương đã xin vào làm cho một công ty trên địa bàn huyện Kim Thành nhưng do công việc thất thường nên vài tháng sau Dương xin ra Hải Phòng làm cùng một người bạn. Làm chỗ mới chưa được bao lâu thì tai hoạ ập tới.
Bà Sơn kể, sáng 10/8/2019, trước khi đi làm, Dương có nói với mẹ tối để phần cơm canh về ăn. Đến khoảng 17 giờ, sau khi làm ở công ty về, Dương nhận được điện thoại của người bạn rủ đi xem trại hè ở xã nên đã lấy xe máy đi luôn. Đến khoảng 19 giờ 30, gia đình bà Sơn nhận được tin báo con trai gặp nạn và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Bà Sơn nhớ lại: “Khi lên đến nơi, vợ chồng tôi được bác sĩ thông báo bệnh tình của con trai rất nặng, tiên lượng xấu có thể tử vong. Nhưng tôi nghĩ còn nước còn tát nên xin với bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Qua 2 lần hội chẩn, bác sĩ xác định, con trai tôi không còn khả năng cứu chữa nữa vì đã chết não rồi”.
Lúc này các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tư vấn và khuyên vợ chồng ông Sang nên hiến mô tạng của con trai cho y học để cứu sống nhiều người. Nhìn con trai vẫn còn thở, da dẻ hồng hào khiến ông Sang không đành lòng nhưng ông cũng hiểu việc ra đi của con mình chỉ còn là vấn đề thời gian. Cuối cùng, trong thời khắc đau đớn nhất vợ chồng ông đã quyết định làm một việc vô cùng ý nghĩa là hiến tạng con cho y học.
Con vẫn sống dù là theo cách khác
Ông Sang nghẹn ngào kể lại cho chúng tôi nghe khoảnh khắc quyết định làm một việc ý nghĩa: “Lúc đầu biết chuyện nhiều người trong họ, trong gia đình tôi phản đối dữ dội lắm. Một người chị của tôi khóc và nói rằng, thằng bé chẳng may bị thế còn chưa đủ đau xót hay sao mà bây giờ còn đòi mổ xẻ lấy đi các bộ phận trong cơ thể nó. Có chết cũng phải chết toàn thây. Trần sao âm vậy, thác xuống suối vàng nó cũng cần phải có đủ tim, gan, mắt, thận… để còn sống tiếp. Sống trên trần chỉ là cõi tạm mà thôi”.
Khỏi phải nói lúc đó tâm trạng ông Sang giằng xé đến thế nào. Người chị của ông nói không phải là không có lý. Bởi theo cách nghĩ duy tâm thì “chết không toàn thây là cái chết đau đớn nhất”. Thế nhưng những gì các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức tư vấn cho ông cũng lại quá đỗi tình người. Cuối cùng ông Sang vẫn muốn sự ra đi của con mình có ý nghĩa.
Ngôi nhà nhỏ nhưng ông bà Sang có tấm lòng rộng mở, thương người.
16 giờ ngày 12/8, khoảnh khắc Dương được rút ống thở cũng là lúc các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chạy đua liên tục quanh 6 bàn mổ, cùng lúc thực hiện lấy và ghép tạng cho 5 bệnh nhân suốt 15 tiếng liên tục.
Dương đã hiến tặng lại toàn bộ mô, tạng gồm tim, phổi, gan, 2 thận, 2 giác mạc và 9 gân cho y học. Trong đó, một quả thận của Dương được ghép cho một bác sĩ giỏi của Bệnh viện Việt Đức, lá phổi được ghép cho nam bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nội bị giãn phế quản từ lúc 3 tuổi, hỏng hết 2 phổi. Nhiều năm nay, gia đình phải mua máy thở để bệnh nhân thở oxy tại nhà, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Sau khi đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình, Dương được người thân đưa về quê nhà an táng.
Nhưng nghĩa cử cao đẹp ấy không phải ai cũng hiểu và có cái nhìn đúng đắn. Sau khi lo chu toàn đám hiếu cho con trai, nhiều người không hiểu vô tình hay cố ý đã hỏi ông bà Sang những câu hỏi như xát muối rằng: “Hiến tạng thế có được nhiều tiền không? Tôi nghe nói chỉ bán thận không có khi cũng được mấy trăm triệu rồi”… Nhưng bên cạnh những câu hỏi ác ý ấy lại có nhiều người đến chia sẻ và ủng hộ vợ chồng ông Sang.
Nói về những người được nhận mô tạng của con trai, ông Sang bảo đến hiện tại gia đình ông cũng không biết chính xác là bao nhiêu người được ghép từ mô tạng của con trai. Ông chỉ biết là ngay trong ngày 12-8 thì đã có 5 người được nhận tạng của con mình.
Cách đây ít ngày, người đầu tiên được nhận quả thận của Dương đã đến nhà vợ chồng ông Sang để xin thắp nén tâm hương bày tỏ lòng biết ơn với ân nhân đã cứu mạng mình. Đó là một bác sĩ hiện công tác tại Hà Nội.
“Trò chuyện với người ta tôi có cảm giác gần gũi và ấm áp lắm. Dù gì thì một phần cơ thể của con tôi cũng đang nằm trong cơ thể của người ta. Vợ chồng tôi chẳng mong những người được nhận tạng con mình đền đáp mà chỉ mong những người đó sống khoẻ mạnh, có ý nghĩa. Đó cũng coi như là một sự an ủi lớn đối với vợ chồng tôi rồi”.
Song Anh (CSTC)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.