Nghĩa địa phu vàng

Thứ sáu, ngày 24/06/2011 13:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dường như năm nào Quảng Nam cũng có người chết tại các bãi vàng trái phép, nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là do sập hầm, lở núi. Có những vụ lở núi làm hàng chục người chết. Mỗi bãi vàng trái phép ở tỉnh này giống như một nghĩa địa dành cho "phu" vàng.
Bình luận 0

Như NTNN đã thông tin, ngày 14.6, nơi đầu nguồn sông Voi, giáp ranh giữa 2 xã Tabing và Chàval (Nam Giang, Quảng Nam), 6 người dân tộc quê ở Nghệ An và Lai Châu đã bỏ mình trong một bãi vàng tại đây.

img
Tìm kiếm 13 phu vàng bị chôn vùi ngày 5.11.2009 tại Khe Ma, Trà Giác, Bắc Trà My.

Những thân phận "chuột chũi"

Hôm đó, những cơn mưa rừng kéo dài đã khiến đất tại bãi vàng nhão ra. Nhưng 6 phu vàng đã không thể cưỡng lại lệnh của chủ bãi, vẫn phải chui xuống hầm để lấy quặng. Khi họ đang như những con chuột chũi trong hang tối thì bất ngờ miệng hầm sụp xuống. Những người ở trên la thất thanh và tháo chạy, còn 6 "con chuột chũi" dưới hang thì bị đất đá tràn xuống chôn sống, chết ngay tại chỗ.

Trước đó 3 tháng, ngày 14.3, khoảng 10 giờ, tại khu vực Núi Kẽm (thôn 10, Tam Lãnh, Phú Ninh) cùng xảy ra vụ sập hầm vàng khiến anh Lê Văn Thủy (SN 1974, Phú Ninh) bị tử vong.

Anh Trần Ngọc Dũng (SN 1969, thôn 5, Tam Lãnh) - người làm cùng hầm vàng với anh Thủy, hãi hùng kể lại: "Khoảng hơn 10 giờ, tôi có việc nên rời hầm vàng. Mới đi không bao lâu thì nghe tiếng la hét tán loạn. Tôi chạy về thì hầm vàng của tôi đã biến dạng, anh em lán bên đang hì hục đào đất tìm xác Thủy. Làm sao không chết được, khi mà Thủy ở trong hầm sâu đến 200m. Sau vụ đó tôi hoảng quá, bỏ bãi vàng về quê đến giờ".

Nằm không xa thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), cuối sân bay dã chiến của Mỹ bỏ lại, nghĩa địa của những người đào vàng ở Phước Sơn xanh um cỏ vì chẳng có ai đến dọn dẹp. Những ngôi mộ nằm quạnh quẽ bên nhau, chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ như bài ca buồn về cuộc đời phu vàng. Người xe ôm tên Sáu mở cánh cửa sắt cũ kỹ sắp bị hoen gỉ hết và dẫn chúng tôi vào một khu đất. Nếu không có những ụ đất trồi lên chắc hẳn chúng tôi không biết đó là mộ vì không có một tấm bia nào được dựng lên.

Bó nhang ngun ngút khói, ông Sáu đi thắp đều lên từng nấm mộ hoang. Ông nói: "Cách đây chừng 15 năm về trước, dân Bắc vào đây đãi vàng nhiều vô kể. Nhưng số ấy chết nhiều lắm vì bị sốt rét, thương hàn, nhiễm HIV và cả sập hầm… Đây là những người may mắn vì được chủ bãi đưa ra đây chôn cất".

Ám ảnh nghĩa địa

Số phận những phu vàng bao giờ cũng mong manh. Trước khi chết bởi đủ loại tai nạn ở bãi vàng, họ bị chủ bãi hành hạ, ngược đãi tàn khốc. Ngay sau vụ 6 phu vàng bị "chôn sống" trong hầm vàng ở Khe Voi (Nam Giang), chúng tôi tìm về thôn Định Phước (Tam Nghĩa, Núi Thành) tìm một người từng được mệnh danh là phu vàng nhỏ tuổi nhất một thời ở núi rừng Phước Sơn, có tên là Bùi Quang Vũ.

"Nhà báo sẽ không hiểu được những bãi vàng lậu ở Phước Sơn đâu! Hỗn loạn, chết chóc và đầy những hiểm nguy, đặc biệt là với những phu vàng nhí như tôi đây!" - anh tâm sự.

img
Thắp nhang cho một phu vàng tại nghĩa địa vô danh dành cho phu vàng ở gần thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn.

Vốn là đứa con mồ côi cha, sống với mẹ và 2 chị em, Bùi Quang Vũ chỉ học được đến lớp 5 thì nghỉ và bươn chải với đời. 1 tháng sau khi rời ngôi trường làng, Vũ theo một người chú trong làng lên bãi vàng Phước Sơn. Năm đó, Vũ mới 10 tuổi.

Ngày đầu tiên, em phải chui ngay xuống hầm để hốt quặng. Nhiều lần, Vũ ngất xỉu vì khói thuốc đánh chưa tan và cũng vì thiếu không khí. Khi đó lên, chúng hắt nước vào mặt, đến khi tỉnh thì bị bỏ đói 1 ngày vì cái tội… xỉu không làm được.

Ở bãi vàng lậu đầu tiên chừng hơn tháng rưỡi, giữa đêm khuya Vũ trốn chạy. Chạy được 1 ngày, đói quá, Vũ đành lang thang tìm đến một bãi khác và tiếp tục kiếp nô lệ cho địa ngục trần gian.

Vũ kể: "Đêm nào cũng vậy, khi mình nằm nghỉ ngơi là chúng nó lại hút chích, gái gú! Nhìn đã thấy hãi hùng, nhưng phải nằm im. Chúng nó dặn: Nếu công an có truy quét là phải chạy chứ bị bắt là bị tử hình. Thế nên cứ có công an truy quét là tôi ôm các vật dụng và chạy. Còn mấy tay chủ bãi thì cùng đàn em của mình quăng lựu đạn, chống trả rồi mới chạy trốn vào rừng".

Dù có sức khỏe và khá to con nhưng Vũ cũng không thể nào chịu đựng nổi, em bị ốm liên miên gần nửa tháng. Trong những ngày đó, Vũ đã nghĩ về nghĩa địa dành riêng cho phu vàng mà cậu từng nghe khi bán thân vào bãi. Nhưng may mắn, trong một đợt truy quét của Công an Phước Sơn, Vũ bị bắt và được rời vùng đất chết…

Ảo vọng bong bóng

Để đi tìm căn nguyên của những ngôi mộ ở nghĩa địa phu vàng, chúng tôi bắt xe ôm lên một bãi vàng cách thị trấn Khâm Đức gần 30km. Nếu như không có sự giới thiệu trước, có thể chúng tôi đã bị thịt vì tội "vi phạm lãnh thổ".

Tranh thủ thời gian, chúng tôi bắt chuyện với phu vàng H và được anh cảnh báo: "Chúng mày trẻ mà ngu. Đừng có mơ kiếm được chút vàng mà về. Lên đây, nó (chủ bãi - PV) vắt ra bã, khỏi mơ về. Vào đây, chỉ có chết và quẳng xác vào nghĩa địa phu vàng thôi. Tao nè, 8 năm rồi mà có về được đâu, không biết vợ con còn chờ mình không".

Riêng năm 2010 chúng tôi đã tổ chức hơn 30 đợt truy quét, đẩy đuổi gần 1.000 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ra khỏi địa bàn, phá hủy 77 lán trại trái phép lập biên bản gần 100 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt gần 1 tỷ đồng... Tuy nhiên, khi chúng tôi rút đi, tình trạng khai thác vàng lại tái diễn bằng nhiều hình thức tinh vi hơn.

Anh H rời gia đình khi với ảo vọng mong kiếm chút vàng để vợ con mình bớt khổ. Nhưng 8 năm rời đất Thanh Hóa vào đây, anh chẳng thấy vàng đâu mà chỉ biết làm quần quật để có cái ăn qua ngày, có dư chút đỉnh cũng bị bọn bạn xấu rủ rê vào hút chích rồi.

6 giờ sáng, dưới cái lạnh của rừng, chúng tôi cùng các phu vàng khác lũ lượt kéo nhau đi làm trong im lặng. Mỗi người một việc, đục xỉa, hốt vào các gàu để kéo lên. Mỗi hầm khai thác có khi sâu đến 40m. Không được ngơi tay cho đến tối mịt phu vàng mới về lán giội vội vài gàu nước lạnh lẽo, ăn miếng cơm dưới ngọn đèn dầu heo hắt.

Nằm chung trên chiếc lán hôi hám mùi mồ hôi, H nhắc nhở: "Chúng mày mà ở lâu trong cái chốn này thì có ngày tụi tao lại lôi xác ra rừng chôn đó. Mấy bữa đầu còn có sức chứ đến khi kiệt thì trốn không ra đâu."

Đêm đó, H kể cho chúng tôi về vết sẹo trên mặt ông Ba nằm kế bên chúng tôi: "Lần đó, ổng cãi lại chủ bãi, thế là nhận ngay một trận nhừ tử. Chúng xẻo cho một nhát vào mặt để làm "bài học" sau này". Bám riết theo H trong những lần rúc hầm, chúng tôi mới giật mình vì nơi đây đã "giúp" nhiều người về với đất nhanh hơn. Có người chưa kịp thấy ánh lấp lánh của vàng đã vội ra đi vì chủ đánh, vì cái khắc nghiệt của núi rừng thâm u.

Chỉ có mấy ngày ở bãi vàng, xem, làm việc cùng với những phu vàng ở đây, chúng tôi mới hiểu, vì sao cuộc đời của họ lại ngắn như vậy và vì sao xứ Quảng ngày càng có nhiều những nghĩa địa của phu vàng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem