Nghĩa tình đồng đội sau cuộc chiến

Thứ bảy, ngày 18/05/2013 10:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) – Bỏ lại 2/3 lá phổi ở chiến trường, mất 81% sức khỏe, con bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam… có lúc tưởng như gục ngã, nhưng anh đã làm nên điều kỳ diệu, trở thành một doanh nhân tiêu biểu.
Bình luận 0

Đó là anh Hoàng Phi Thường, thương binh¼, Giám đốc Công ty Thương mại – Du lịch và Xây dựng 27.7 (Công ty 27.7) thành phố Hải Dương.

Đồng đội giành tôi khỏi tay tử thần

img
Giám đốc Hoàng Phi Thường.

Những ngày đầu tháng 5, Công ty 27.7 của anh Thường hoạt động hết công suất với đa lĩnh vực, từ xây dựng đến vận tải, mua bán, sửa chữa ô tô… Trên 100 đầu xe phục vụ du lịch chạy “tít mù” trên đường. Hàng chục máy xúc, máy ủi đang ở công trường giải quyết việc làm cho hơn 300 công nhân, lương bình quân 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Vậy mà người giám đốc giản dị ấy vẫn dành thời gian cho chúng tôi, với những câu chuyện “không đầu không cuối” về thời xa vắng.

Hoàng Phi Thường là con liệt sĩ. Năm 1970, tốt nghiệp cấp III, được ưu tiên tuyển thẳng vào đại học nhưng anh đã xếp lại bút nghiên để lên đường nhập ngũ. Được biên chế vào Trung đoàn 48, Sư 320. Năm 1972, sau trận tấn công giải phóng thành cổ Quảng Trị anh bị thương, được đưa về Quảng Bình điều trị với thương tật 1/8. Khi sức khỏe bình phục, anh được cử ra Bắc đi học nhưng Hoàng Phi Thường xung phong trở lại đơn vị tham gia chiến đấu.

Không chỉ chăm lo cho công nhân viên, công ty của anh Thường còn nhận nuôi dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng Chử Thị Y (phường Thanh Bình, Hải Dương). Nhân kỷ niệm 30.4, anh Thường trở lại chiến trường xưa (xã Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng trị). Anh đã tặng 20 suất quà, mỗi suất 1,5 triệu đồng cho thương bệnh binh và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Năm 1973, đơn vị của anh được lệnh tấn công vào cảng Cửa Việt. Và, trong trận đánh khốc liệt ấy anh bị thương nặng với tỷ lệ thương tật 81%. Nhớ lại những ngày tháng ấy, anh Thường tâm sự: “Trận ấy, nếu không được đồng đội “lôi xác” về quân y viện, hẳn tôi đã nằm lại với đất mãi mãi. Vượt qua được lưỡi hái tử thần nhưng phải nằm bất động suốt 3 năm, tôi những tưởng sẽ đánh dấu chấm hết cho những ước mơ hoài bão của mình… Thế nhưng, hoài bão được học, được cống hiến giúp tôi bám trụ lại với đời”.

Năm 1975 Hoàng Phi Thường thi đỗ Đại học Luật với điểm số xuất sắc, được cử đi học tại Liên Xô. Tốt nghiệp trở về quê hương anh đã làm việc qua nhiều cơ quan nhà nước. Nhưng sự bó hẹp trong cơ chế bao cấp không phù hợp với một con người mạnh mẽ, anh xin nghỉ việc, chuyển sang hoạt động kinh doanh. Năm 1994, Xí nghiệp Thương mại - Du lịch và Xây dựng của Giám đốc Hoàng Phi Thường ra đời. Từ chỗ chỉ có vài chục chiếc xe làm dịch vụ du lịch, đến nay đã trở thành công ty hoạt động đa lĩnh vực, mỗi năm nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.

Lính tráng phải giúp nhau

Khi được hỏi, sức khỏe không tốt, chế độ thương binh cao và vốn liếng của anh bây giờ cũng khá, sao anh vẫn phải lam lũ, vất vả? Nở nụ cười “như vỡ”, anh bảo: “Mình được hưởng chế độ có người phục vụ chăm sóc suốt đời, tiền thương tật, chất độc da cam… mỗi tháng được khoảng 15 triệu đồng, cũng ổn.

Những hôm thời tiết thay đổi, đầu óc như nổ tung ra, lồng ngực thắt lại, không thở được vì chỉ còn 2/3 lá phổi… chỉ muốn bỏ tất cả. Nhưng khi qua cơn đau, “máu sung” lại nổi lên. Tính tôi ngồi một chỗ không chịu nổi. Rồi còn bao nhiêu anh em, đồng đội trông cậy vào mình…”.

Không chỉ làm, anh còn học không ngừng. Ngoài tấm bằng luật ở Nga, anh có thêm 2 bằng đại học nữa. Anh bảo: “Mình có tranh chức để làm ông nọ, bà kia đâu mà cần “tô vẽ”. Làm thật ăn thật, lúc nào cũng cả núi công việc cần giải quyết. Nhưng buộc phải học thôi. Làm công trình không đọc được bản vẽ thì xây dựng thế nào, sao biết công nhân làm đúng hay sai; làm kinh doanh không học tài chính kế toán thì đọc sao được quyết toán, biết lỗ lãi ra sao?”.

Trong số hơn 300 lao động trong công ty của anh, phần lớn là thương bệnh binh, bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách.“Tình đồng đội thiêng liêng lắm, ấm áp và thấm đẫm tình người. Tôi sống được đến hôm nay là nhờ sự hy sinh đó... Bởi vậy tôi muốn tập hợp anh em lại, chung lưng đấu cật với nhau”- anh Thường nói.

Anh Lê Hướng Minh, thương binh hạng 3/4, công nhân lái máy xúc, là một trong số hàng trăm anh em được sự giúp đỡ của Giám đốc Hoàng Phi Thường. Anh nói: “Đi bộ đội về anh giúp có việc làm, vợ ốm anh giúp tiền chữa bệnh, tính ra lúc đó mấy chỉ vàng. Ngôi nhà của chúng tôi có được hôm nay cũng nhờ Giám đốc Thường cho vay…”. “Thế có phải trả lãi không?” - tôi hỏi. Anh Minh cười lớn nói: “Lính tráng với nhau mà, lãi lời gì”. Rồi anh thủ thỉ: “Mỗi lần ngồi trong ngôi nhà mình, bật máy lạnh lên lại nhớ ông Thường…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem