"Nghĩa xóm" đâu dễ mất đi...

Hà Nguyên Huyến Thứ hai, ngày 15/02/2021 23:14 PM (GMT+7)
Không biết ở những làng khác như thế nào, riêng làng tôi thì những ngôi điếm cổ rất thân thuộc và gắn bó với người dân trong cộng đồng.
Bình luận 0

Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng, đó là làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Làng tôi, căn cứ vào sử liệu thì đình làng được làm từ thời Lê (Lê Vĩnh Tộ). Trải mấy trăm năm với nhưng biến động dữ dội của đời sống, đến nay ngôi làng vẫn gần như nguyên vẹn. Đó là hệ thống đình đền, chùa miếu… đặc biệt sự là hiện diện của những ngôi điếm.

Nếu đình làng là nơi thờ thành hoàng của cả làng thì điếm xóm là nơi thờ thổ thần của từng xóm riêng lẻ. Mỗi xóm có một điếm. Có thể kể ra: Điếm Đình, điếm Sải, điếm Hè, điếm Chim… Tôi ở xóm Sui - xóm đông dân nhất làng nên từ xưa đã được tiền nhân chia thành 3 xóm nhỏ: Xóm Sui Giữa, xóm Sui Trên và xóm Sui Dưới. Kèm theo đó xóm Sui cũng có 3 ngôi điếm, điếm cũng mang tên như thế!

Trong thời kỳ "tách ra nhập vào", nhỏ đến như 3 xóm Sui cũng được nhập làm một, lấy điếm Sui Trên làm nơi sinh hoạt chung, hai ngôi điếm còn lại mất đi vai trò trung tâm của xóm. Nhưng rồi, vì đông dân, trưởng xóm không thể điều hành tốt mọi công việc của xóm. Mà làng quê thì không thể bất cứ việc gì cũng có thể mang tiền ra thuê được!

(xuan) "Nghĩa xóm" đâu dễ mất đi... - Ảnh 1.

Điếm Sải ở làng Mông Phụ. Ảnh: H.N.H

Làng quê đang thay đổi theo hướng đô thị hóa, công nghiệp về làng…, rất nhiều thứ sẽ mất đi nhưng mất tình cảm trong một cộng đồng cư dân nông nghiệp đã nhiều đời cố kết thì thật đáng tiếc.

Trước thực tế ấy, mấy năm gần đây xóm Sui lại được chia ra như cũ. Xóm Sui Giữa có gần 30 gia đình, kể từ đó công việc trong xóm được làm rất tốt. Song, rất tiếc điếm xóm Sui Giữa lại không còn. Không biết ngôi điếm này được xây từ bao giờ, theo dân làng thì điếm Sui Giữa là ngôi điếm cổ nhất của xóm Sui, đó là một ngôi nhà gỗ ba gian, cột đứng đất, mái lợp ngói ri. Gian giữa điếm xây một bệ thờ, hai gian bên nền điếm được tôn cao và lát gạch, có thể trải chiếu ngồi chơi, ăn uống và ngủ khi canh gác tuần phòng. Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, ngôi điếm vẫn còn.

Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, ngôi điếm bị xuống cấp, HTX nông nghiệp phá bỏ và xây vào đó một ngôi nhà ba gian cao hơn điếm cũ. Mỹ đánh phá miền Bắc ngày một ác liệt, Bệnh viện Sơn Tây sơ tán về làng, điếm Sui Giữa được trưng dụng làm phòng khám. Sau Hiệp định Paris, bệnh viện về thị xã, điếm được trả lại cho xóm. Xóm Sui Giữa lấy nơi đây làm nơi họp hành, vào sổ công điểm mỗi tối và ông tổ trường sản xuất phân công việc làm cho xã viên mỗi ngày…

(xuan) "Nghĩa xóm" đâu dễ mất đi... - Ảnh 3.

Cổng làng Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Mạnh Thủy

"Tình làng, nghĩa xóm" là thế, nếu như trong xóm có rất nhiều nhà cổ đã tồn tại 2 thế kỷ thì cũng đồng nghĩa với việc 10 đời (nếu tính 20 năm là một thế hệ) sống với nhau trong xóm mà không có mâu thuẫn gì. Không dễ gì để mất đi tình cảm trân quý ấy!

Thời kỳ "tiến lên HTX lớn" (khoảng những năm 1980), toàn xã Đường Lâm thành một HTX. Do chức năng của tổ, đội sản xuất nhỏ không còn, những ngôi điếm xóm mất đi vai trò trung tâm của đội sản xuất, điếm Sui Giữa được dùng làm nơi chứa phân lân, đạm… Điếm Sui Giữa xuống cấp trầm trọng, rồi bị phá dỡ…

Phần đất của điếm Sui Giữa khoảng 30m2 giáp lai với một hộ, gia đình này liền rào lại. Ngày ấy ăn chẳng còn đủ, lo gì được đời sống tâm linh, nên cũng chẳng ai hỏi đến ngôi điếm xưa. Không thấy ai nói gì, nhà kia mang gạch xây thành tường liền vào khu đất nhà mình. Thế là những thế hệ sinh sau 1980 không ai biết hình hài ngôi điếm cổ…

Trước áp lực của đời sống, nhất là những sinh hoạt cộng đồng ngày càng được khôi phục, xóm Sui Giữa đã có một cuộc họp có Bí thư Chi bộ thôn và đại diện của Mặt trận Tổ quốc xã tham dự. Gia đình kia cho rằng đất điếm đã được nhập vào đất của gia đình họ, đã được cấp sổ đỏ.

Một số ý kiến của người cao tuổi trong xóm: Về lý có thể như vậy, nhưng về tình thì cả xóm đều biết đây là đất công. Chúng ta ngồi đây hôm nay là lấy cái "TÌNH" ra để giải quyết!... Thế là sáng hôm sau, 27 gia đình trong xóm hồ hởi kết hợp với gia đình kia, phá bỏ tường rào, dọn sạch sẽ để trả lại đất điếm... Vậy mà, cũng ngay chiều hôm ấy, nhà kia gọi vật liệu, gọi thợ xây lại như cũ, quyết không trả lại phần đất điếm. Nghe nói bà con dâu và mấy người con gái đã lấy chồng ở nơi khác không đồng ý. Cả xóm không ai ra tranh chấp, tất cả chỉ ngậm ngùi vì mất đi một cơ hội không riêng gì cả xóm mà ngay cả với gia đình kia. Song, cả xóm dự định ra ngoài Giêng (2021) sẽ họp xóm lần nữa về vấn đề này!

Làng quê đang thay đổi theo hướng đô thị hóa, công nghiệp về làng…, rất nhiều thứ sẽ mất đi nhưng mất tình cảm trong một cộng đồng cư dân nông nghiệp đã nhiều đời cố kết thì thật đáng tiếc.

Trong mong muốn của tất cả các thành viên xóm Sui Giữa là khôi phục lại ngôi điếm để lấy chỗ thờ cúng thổ thần, để họp xóm, làm cỗ kiệu Trung thu cho trẻ không phải nhờ gia đình nào nữa. Để chiều chiều, người già ngồi đánh cờ, phe phẩy quạt nan trông trẻ nô đùa. Đó là biểu hiện của một làng quê bình yên và trù mật! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem