Huyền Anh
Thứ hai, ngày 02/03/2020 08:44 AM (GMT+7)
Không ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sa sút nhưng giá cổ phiếu lại bứt phá trên 20% trong thời gian qua. Thậm chí như cổ phiếu IDJ của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam tăng “nóng” tới hơn 190%. Hay như YEG của Tập đoàn Yeah1 tăng gần 70% kể từ đầu tháng 2, trong khi công ty lỗ 370 tỷ trong năm 2019.
Theo dữ liệu của FiinPro, toàn thị trường chứng khoán có 13 doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế năm 2019 giảm sâu so với năm trước nhưng giá cổ phiếu đều tăng trên 20%.
Trong đó, Tập đoàn Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống là một trong những doanh nghiệp điển hình.
Theo đó, thị giá cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 đã tăng trên 38% trong vòng 2 tháng qua. Đặc biệt, có thời điểm cổ phiếu của Tập đoàn này lao về vùng đáy 35.000 đồng/cp. Tuy nhiên, YEG đã nhanh chóng lấy được đà tăng.
Tính riêng trong tháng 2, thị giá YEG của Yeah1 đã tăng tới gần 70% giá trị. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, thị giá cổ phiếu YEG đóng cửa tại 60.200 đồng/cp.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Dân Việt, Yeah1 vừa trải qua năm 2019 đầy "sóng gió" khi gặp sự cố YouTube thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung vì có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình.
Tập đoàn đã phải tiến hành trích lập dự phòng toàn bộ khoản phải thu liên quan đến việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại ScaleLab LLC (trụ sở Mỹ) trị giá 20 triệu USD (tương đương 460 tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số mảng hoạt động của Yeah1 cũng bị ảnh hưởng sau sự cố YouTube, chi phí hoạt động tăng cao do mở rộng kinh doanh như chuyển đổi trụ sở chính, tuyển thêm nhân sự.
Kết quả, Yeah1 báo lỗ sau thuế cả năm 2019 tới hơn 370 tỷ đồng, trong khi năm 2018 báo lãi 163,1 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác có thể kể đến như Điện cơ Hải Phòng (HNX: DHP). Doanh nghiệp này báo lãi sau thuế năm 2019 giảm 27% xuống 12 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính riêng quý IV, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này còn giảm đến 78% và đạt chỉ 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính từ ngày 20/1 đến 25/2, giá cổ phiếu DHP tăng đến 51,5% từ 6.600 đồng lên 10.000 đồng/cp. Có thời điểm DHP lên tới 11.400 đồng/cp. Nếu tính từ đầu năm đến này, thị giá của mã cổ phiếu này trên sàn chứng khoán tăng 19%.
Công ty cổ phần Điện cơ Hải Phòng tiền thân là Xí nghiệp Hải Phòng Điện khí được thành lập ngày 16/03/1961, trên cơ sở sáp nhập 3 cơ sở công tư hợp doanh nhỏ trong nội thành. Ngành nghề kinh doanh là sản xuất quạt gia dụng, các linh kiện thiết bị liên quan đến ngành quạt; đại lý các loại quạt gia dụng, quạt công nghiệp, máy móc thiết bị công nghiệp; sản xuất mô tơ, máy phát điện, biến thế điện…Công ty có vốn điều lệ gần 95 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp tại sàn UPCoM như Nước sạch Bắc Giang (UPCoM: BGW) ghi nhận mức tăng lên tới 65% kể từ đầu năm tới nay.
CTCP Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng (UPCoM: POV), lợi nhuận của doanh nghiệp này năm 2019 "bốc hơi" gần 50%. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu trên sàn vẫn tăng từ đầu năm đến nay. Gần 2 tháng đầu năm, thị giá POV đã tăng 31%, Hiện, mã cổ phiếu này đang giao dịch quang ngưỡn 11.800 đồng/cp.
Cổ phiếu SD4 của CTCP Sông Đà 4 cũng ghi nhận mức tăng lên tới 22% thị giá trong vòng 1 tháng vừa qua.
Công ty cổ phần Sông Đà 4 tiền thân là Công ty xây dựng thủy điện Miền Trung là đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Sông Đà, được thành lập theo Quyết định số 447/Q Đ- BXD ngày 18/5/1989 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Lĩnh vực kinh doanh: xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông đường bộ, công trình công nghiệp dân dụng; thi công xây lắp đường dây và trạm biến áp; đầu tư xây dựng khu công nghiệp và đô thị;...
Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của SD4 giảm 29,7% so với năm 2018, trong khi lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 27,8%.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (UPCoM: KHA) hay CTCP Cảng Nghệ Tĩnh (HNX: NAP) đều có mức lợi nhuận sa sút lần lượt 46% và 44,7% trong năm 2019. Tuy nhiên, thi giá cổ phiếu vẫn tăng 21,9% và 20,8% trong 2 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, đây đều là các cổ phiếu có thanh khoản thấp nên giá cổ phiếu dễ dàng tăng giảm mạnh.
Ngoài những mã cổ phiếu kể trên, mã cổ phiếu IDJ của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam cũng đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường bởi đà tăng "nóng" của mã của cổ phiếu này trong thời gian qua.
Chỉ trong vòng gần 2 tháng qua, cổ phiếu IDJ đã tăng tới hơn 190%, kết phiên 28/2 tại mức giá 17.700 đồng/cp. Đây là vùng giá cao trong gần 10 năm niêm yết của IDJ, chỉ thấp hơn so với thời điểm chào sàn (vào cuối tháng 9/2010) và cũng là mức tăng phi mã sau nhiều năm chỉ giao dịch vùng 2.000 - 4.000 đồng/cp.
Điều này hoàn toàn trái ngược với bức tranh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này. Năm 2019, lợi nhuận sau thuế của IDJ đạt 6,29 tỷ đồng, giảm 87,84% so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 79,97% và 40,67% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.
Mặc dù doanh thu năm 2019 có tăng trưởng, nhưng lợi nhuận tiếp đà đi xuống và đặc biệt dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm tới 140 tỷ đồng, đây là năm thứ 3 liên tiếp dòng tiền hoạt động kinh doanh âm. Điều này cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Diễn biến tương tự với mã cổ phiếu CSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana. Trái ngược với đà đi xuống của hiệu quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu CSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Cotana lại có tốc độ tăng phi mã trong năm 2019 và tiếp tục diễn biến tích cực trong bối cảnh thị trường chung điều chỉnh mạnh.
Báo cáo tài chính của Cotana cho thấy, năm 2019 công ty này mới chỉ hoàn thành 44% chỉ tiêu doanh thu và 8% chỉ tiêu lợi nhuận. Thu nhập trên mỗi cổ phần CSC từ mức 10.165 đồng trong năm 2018 đã rơi về 163 đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh lao dốc, cổ phiếu CSC vẫn tăng trưởng hơn 90%, lọt Top 5 doanh nghiệp xây dựng tăng giá mạnh nhất năm 2019.
Sang năm 2020, dù đà tăng "hạ nhiệt" nhưng vẫn dao động trong vùng giá từ 30.000 - 38.000 đồng/cổ phiếu trong 2 tháng vừa qua. Hiện giá cổ phiếu này đứng ở mức trên 30.400 đồng/cp. So với mức giá thấp nhất ghi nhận vào đầu thàng 1/2020, thị giá của CSC tăng tới 23%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.