Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản "kêu cứu" vì đại dịch
Nghịch lý: Nhu cầu mua thủy sản của thế giới rất cao nhưng doanh nghiệp chỉ dám ký hợp đồng dè dặt
Trần Quang
Thứ sáu, ngày 17/09/2021 15:49 PM (GMT+7)
Ngày 17/9, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh khu vực Nam bộ.
Là khu vực trọng điểm của ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước. Trong đó, lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản khu vực Nam Bộ chiếm 70-75% giá trị kim ngạch toàn quốc, là đầu ra và động lực đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh toàn chuỗi; là lĩnh vực có số lượng lao động lớn của ngành.
Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến xuất khẩu là lĩnh vực gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội phục vụ chống dịch. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do phát hiện số lượng ca F0 lớn.
Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), đến cuối tháng 7/2021 đã có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) thì đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3 tại chỗ.
Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30- 40% so với đầu tháng 7/2021 trước khi giãn cách toàn vùng.
Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang.
Hiện tại, có tổng số 31 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có ca nhiễm Covid-19. Xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ.
Về phương thức phòng chống dịch của các cơ sở đang hoạt động: 3 tại chỗ 160/273 cơ sở (chiếm 58,6%); 2 điểm một cung đường 42/273 cơ sở (chiếm 15,4%), vùng xanh 5/273 cơ sở (chiếm 1,8%), 3 tại chỗ kết hợp với 2 điểm một cung đường hoặc kiểm soát khác 66/273 cơ sở (chiếm 24,2%).
Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%, số còn lại phải nghỉ việc tạo ra hệ lụy lớn về xã hội.
Ước tính hàng trăm nghìn lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm, và số lượng tương đương cho các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo.
Số cơ sở đang hoạt động toàn bộ quy trình sản xuất là 214/273 cơ sở (chiếm 78,4% số cơ sở còn hoạt động); Cơ sở chỉ còn hoạt động một số phân xưởng/công đoạn là 69/273 cơ sở (chiếm 21,6% cơ sở đang hoạt động).
Doanh nghiệp khó trăm bề
Sau 15/9/2021, nhiều tỉnh Nam Bộ đã có khả năng tiến tới kiểm soát dịch, đã có nhiều tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế tạo cơ hội để các ngành hàng, doanh nghiệp hồi phục, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong những tháng cuối năm 2021.
Tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực chế biến thuỷ sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh chưa thể kết thúc, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng điều kiện và chi phí cho mô hình sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến trong dài hạn.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Hiệp hội VASEP), chỉ có 30 - 40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất cần sự hỗ trợ.
Trao đổi với các đại biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng: Với nguy cơ đứt gãy của toàn chuỗi nếu trong tháng 9/2021 các giải pháp chống dịch không đi kèm các biện pháp phù hợp để các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất, và mục tiêu tới cuối năm 2021 có thể phục hồi được trên 50% công suất chế biến, kích cầu cho nông dân thả giống và ngư dân tiếp tục bám biển.
Để cứu các doanh nghiệp, ông Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Y tế điều chỉnh linh hoạt các quy định chống dịch, phương án tổ chức sản xuất phục hồi kinh tế và ưu tiên tiêm vaccin cho người lao động trong chuỗi sản xuất thuỷ sản.
Bộ NNPTNT hỗ trợ giúp doanh nghiệp xây dựng phương án và cùng doanh nghiệp làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần nhanh nhất để giúp các nhà máy sản xuất được, càng tối đa công suất càng tốt.
Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hỗ trợ tiêm vắc xin cho người lao động, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông các mặt hàng thủy sản, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ tái sản xuất...
Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay: Việc áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" khiến công suất hoạt động các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau, Hậu Giang sụt giảm mạnh, chỉ đạt 25% công suất.
Do công ty chuyển sang sản xuất tôm cỡ lớn, nên sản lượng được cải thiện, đạt được khoảng 50%. Tuy vậy, trong tháng 8/2021, sản lượng và giá trị xuất khẩu của Tập đoàn vẫn giảm lần lượt 30% và 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo lãnh đạo Minh Phú, hiện nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường thế giới là rất lớn do bắt đầu mùa lễ hội cuối năm. Số lượng hợp đồng mà Minh Phú ký kết với đối tác 4 tháng cuối năm rất nhiều. Hơn thế nữa, giá tôm thế giới cũng liên tục tăng do thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ và Indonesia - những nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
"Từ nay đến tháng 11/2021, nếu có nguyên liệu sẽ xuất bán rất tốt vào dịp Noel cho thị trường châu Âu, Mỹ. Nếu qua tháng 11 thì chỉ có thể bán cho thị trường châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mặc dù thị trường thuận lợi nhưng Minh Phú chỉ dám ký hợp đồng tương ứng với 50 - 70% công suất chế biến do sợ không thể đáp ứng đơn hàng. Ngoài công suất sụt giảm do phải thực hiện "3 tại chỗ", Minh Phú đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu trầm tròng trong thời gian tới.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú kiến nghị Bộ GTVT, Bộ NNPTNT, các địa phương có phương án hỗ trợ và tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại của người nuôi, người thu hoạch trong các khu vực nuôi trồng thủy sản được thả giống, nuôi, thu hoạch... đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, địa phương đề nghị các bộ ngành liên quan sớm tháo gỡ, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, kết nối thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục hành chính xuất khẩu...
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho hay: Chúng ta hay nói đừng để đứt gãy chuỗi ngành hàng nghe có vẻ rất đơn giản nhưng khi thực hiện mới có vấn đề.
"Nhiều khi chỉ cần một xe chở hàng bị chốt chặn ở một trạm kiểm soát tại một tỉnh nào đó có thể làm đứt gẫy cả một chuỗi ngành hàng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho rằng, để phát triển kinh tế; trong đó đặc biệt là với tính chất sản xuất nông nghiệp như 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì cần xem đây là một thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính. Sẽ khó phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nếu tư duy theo 13 tỉnh, thành.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương cần đưa bà con vào hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo vùng trồng, vùng nuôi có mã số, có chứng chỉ chất lượng… cùng với giảm chí phí đầu vào sản xuất. Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều dư địa để giảm chí phí sản xuất thì cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT):
Đảm bảo không để gián đoạn xuất khẩu
Kết quả xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021, lượng hàng nông sản xuất khẩu qua kiểm dịch thực vật đạt trên 200.000 lô hàng với khối lượng xấp xỉ 29 triệu tấn tăng 24,1% so với cùng ký năm trước.
Để không bị gián đoạn xuất khẩu các mặt hàng do dịch bệnh đặc biệt là trong thời gian nhiều địa phương áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ, Cục BVTV đã bố trí cán bộ làm việc theo ca, thực hiện 3 tại chỗ đồng thời chuẩn bị sẵn lực lượng cán bộ sẵn sàng chi viện cho các cửa khẩu nếu xảy ra vấn đề bất khả kháng.
Bên cạnh đó, Cục cũng bố trí đủ các nguồn lực về tài chính và trang thiết bị đặc biệt là nâng cấp hệ thống giám định từ xa để phục vụ công tác kỹ thuật đảm bảo việc lưu thông các mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp luôn thuận lợi nhất có thể.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam:
Có chính sách khuyến khích người lao động quay lại làm việc
Hiện nay, hàng trăm doanh nghiệp ở các lĩnh vực đang rất khó khăn vì khó kêu gọi được các công nhân, người lao động quay lại làm việc. Do các đối tượng này có tâm lý sợ mắc bệnh Covid-19 khi tham gia sản xuất.
Bởi thế, ngoài đối tượng ưu tiên tuyến đầu chúng ta cần tăng độ phủ vắc xin cho lao động đặc biệt là các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung và các đối tượng có mức độ tiếp xúc cao với cộng đồng.
Đồng thời đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, khu công nghiệp, khu chế xuất... để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.