Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Florida (Mỹ) đã khảo sát 6.000 người gồm cả
nam lẫn nữ ở các độ tuổi, chiều cao cân nặng khác nhau. Họ tiến hành cân, đo cho
nhóm người kể trên để rồi 4 năm sau tiếp tục thực hiện công việc tương tự để so
sánh và tìm ra mối liên hệ giữa việc bị kỳ thị, phân biệt đối xử và căn bệnh
béo phì.
Những người béo bị chê thường xuyên sẽ tự an ủi mình bằng cách ăn uống thoải mái. Ảnh: Daily Mail
Kết quả cho thấy, việc bị phân biệt đối xử vì chủng tộc,
giới tính không có liên hệ đến tình trạng tăng cân của những người được khảo
sát. Ngược lại, những người bị phân biệt đối xử vì cân nặng, cụ thể hơn là bị
chê béo, có tỷ lệ cao gấp 2,5 lần trở thành béo phì thực sự so với những người
bình thường không bị chê vì trọng lượng cơ thể.
Chưa hết, đối với những người đã béo sẵn, mọi chuyện còn tồi
tệ hơn. Cụ thể là những người béo phì thường xuyên bị phân biệt đối xử có tỷ lệ
duy trì tình trạng thừa cân cao gấp 3 lần những người béo phì không bị phân
biệt đối xử.
Tiến sĩ Angelina Sutin thuộc nhóm nghiên cứu cho hay: “Có sự
khác biệt hoàn toàn giữa việc đấu tranh chống căn bệnh béo phì và chuyện phân
biệt đối xử với những người bị béo phì. Sẽ là phản tác dụng nếu chúng ta chỉ
trích, đổ lỗi cho các cá nhân”.
Tam Fry, một chuyên gia về căn bệnh béo phì cho hay nếu mọi
người thường xuyên nói với ai đó rằng họ béo thì sẽ đến lúc nào đó họ bắt đầu
tin mình béo thực sự và khó có thể thay đổi được điều này. Điều đó dẫn đến việc
họ sẽ ngừng đấu tranh chống lại việc tăng cân và tự an ủi mình bằng cách ăn
uống thoải mái.
Tuấn Anh (theo DM) (Tuấn Anh (theo DM))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.